Bất động sản của ông Trầm Bê bị đề nghị kê biên

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị kê biên 2 quyền sử dụng đất liên quan đến ông Trầm Bê.
Cơ quan điều tra đề nghị kê biên bất động sản của ông Trầm Bê.
Cơ quan điều tra đề nghị kê biên bất động sản của ông Trầm Bê.

Theo kết luận điều tra bổ sung vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cơ quan điều tra đã đề nghị phong tỏa tài khoản và kê biên một số bất động sản của ông Trầm Bê.

Kết luận điều tra nêu, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã đề nghị kê biên 2 quyền sử dụng đất liên quan đến ông Trầm Bê, gồm quyền sử dụng đất tại số 591 (số cũ 26) An Dương Vương, phường An Lạc A, quận Bình Tân; quyền sử dụng đất tại số 601 Hồng Bàng, phường 6, quận 6, TP.HCM.

Khu đất ở Bình Tân được xem là phần bất động sản giá trị nhất mà ông Trầm Bê và gia đình sở hữu. Đây là phần đất thuộc dự án Khu nhà ở cao tầng và vui chơi thể dục thể thao thuộc Tiểu khu 3 - Khu dân cư Tên Lửa, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân.

Dự án do Công ty CP Đầu tư khu đô thị mới Sài Gòn - doanh nghiệp thuộc sở hữu của một người thân trong gia đình ông Trầm Bê làm chủ đầu tư, với diện tích khoảng 47 ha.

Đồng thời, cơ quan điều tra cũng đề nghị phong tỏa 4 tài khoản của CTCP Quản lý quỹ Lộc Việt, mở tại BIDV Chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa với số tiền hiện tại là hơn 33 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, 16.000 cổ phần của công ty này tại CTCP Đất may mắn cũng bị cơ quan điều tra đề nghị phong tỏa, để phục vụ công tác thu hồi tài sản.

Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã chuyển hồ sơ qua VKSND Tối cao đề nghị truy tố bổ sung ông Trầm Bê và 21 bị can. Đây là những bị can bị khởi tố và điều tra bổ sung, sau khi VKSND Tối cao trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung lần 1 (24 bị can).

Trong kết luận điều tra bổ sung còn cho thấy ngoài vi phạm của ông Trầm Bê và Phan Huy Khang gây thiệt hại cho VNCB thì Phạm Công Danh còn lập hồ sơ vay vốn khống tại TPBank, gây thiệt hại cho VNCB số tiền là 1.736 tỷ đồng.

Ngoài ra còn ủy thác đầu tư từ VNCB sang quỹ Lộc Việt, gây thiệt hại cho VNCB số tiền 903 tỷ đồng; vay tiền của BIDV trả nợ các khoản vay các công ty của Danh, gây thiệt hại hơn 2.500 tỷ đồng cho VNCB.

Quá trình điều tra bổ sung, ngoài 2 bị can trên, cơ quan điều tra cũng đề nghị VKSND Tối cao truy tố đối với 20 bị can khác, trong đó có Nguyễn Việt Hà, Giám đốc quỹ Lộc Việt, các bị can thuộc TPBank; các cá nhân tại ngân hàng BIDV.

Theo Zing
https://news.zing.vn/bat-dong-san-cua-ong-tram-be-bi-de-nghi-ke-bien-post785323.html