Tháng 9/2017, Apple chính thức giới thiệu iPhone X, phiên bản kỷ niệm 10 năm dòng sản phẩm iPhone. iPhone X mang một thiết kế “tràn viền” với màn hình tràn ra tới sát viền máy, nhưng vẫn phải có một cụm khuyết ở phía trên.
Hơn một năm sau, tháng 10/2018, Google ra mắt chiếc Pixel 3 XL với phần notch lớn và sâu, gây thất vọng cho những fan của dòng điện thoại này. Thay vì giữ vai trò chuẩn mực, Google đã không còn cách nào hơn là bắt chước Apple, đúng như cách mà hàng chục hãng di động lớn nhỏ khác đã làm suốt một năm qua.
Màn hình khuyết xuất hiện khắp mọi nơi
Không đầy 3 tháng sau, thiết kế smartphone với màn hình khuyết đã được các hãng smartphone Android bắt chước. Hàng loạt hãng Trung Quốc đưa ra những thiết kế na ná iPhone X, với điểm nhấn là màn hình khuyết ở giữa. Không chỉ những công ty vô danh, mà những nhà sản xuất hàng đầu của đất nước này như Huawei, Xiaomi, Oppo đều chạy theo trào lưu.
Điều đáng nói là những kẻ chạy theo không chỉ gồm các hãng Trung Quốc – vốn trước giờ vẫn thường học theo Apple, mà gồm cả những công ty công nghệ uy tín hàng đầu như LG với G7 ThinQ, và mới đây là Google với Pixel 3 XL.
Sau gần một năm phát triển, Google ra mắt Pixel 3 XL với cụm notch dày hơn cả iPhone X, chưa kể viền dưới cũng rất dày. Ảnh: Getty.
Một năm sau khi iPhone X ra đời, số smartphone Android mang thiết kế màn hình khuyết đã tương đương những smartphone với màn hình truyền thống. Thế nhưng hiện tại không một hãng nào làm được như Apple.
Bắt chước bề ngoài và chẳng có gì mới
Chi tiết thiếu hoàn hảo trên iPhone X cho thấy cả sự vượt trội lẫn những giới hạn công nghệ mà Apple chưa thể vượt qua. iPhone X (và những smartphone sau như XS, XS Max) có viền màn hình mỏng, đều 4 phía và thậm chí sử dụng màn hình OLED đuôi gập đặt mua riêng từ Samsung, chi tiết mà các hãng Android không có.
Bên cạnh đó, hãng vẫn chưa tìm ra cách để giấu đi được phần camera trước cùng cụm cảm biến cho tính năng FaceID. Trên iPhone XR sử dụng màn hình LCD, phần viền màn hình cũng không thể mỏng như iPhone X.
Trong khi đó những smartphone Android ăn theo thiết kế màn hình khuyết hầu như không có được viền mỏng như iPhone X. Họ đơn giản chỉ dùng một loại màn hình khuyết, không hề tối ưu về phần viền giống như chiếc iPhone. Ngoài ra, chẳng hãng nào làm được một cụm cảm biến TrueDepth tiên tiến như Apple.
Nói cách khác, những gì họ làm được chỉ là học theo ngoại hình chiếc iPhone: trang bị phần khuyết, nhưng chẳng có gì để đặt vào phần khuyết đó.
Đến cả Google cũng không còn sáng tạo
Đầu tuần này, Google lặng lẽ ra mắt loạt phần cứng mới của họ, trong đó có bộ đôi Pixel 3 và 3 XL. Trước đó hàng tháng trời, rất nhiều thông tin về bộ đôi này đã bị rò rỉ, trong đó có thiết kế màn hình khuyết của Pixel 3 XL.
Vậy mà khi chính thức ra mắt, Google vẫn có thể làm người theo dõi thất vọng hơn về sản phẩm của họ. Pixel 3 XL có một cụm khuyết dày hơn cả iPhone X. Phía dưới màn hình, phần viền vẫn dày không kém gì một chiếc điện thoại của năm ngoái. Với đa số các smartphone có màn hình khuyết, chi tiết này giúp tối ưu tỉ lệ màn hình trên thân máy. Điều đó không áp dụng được với Pixel 3 XL.
Khi nói về chi tiết này, một tài khoản chính thức của Google cho biết phần khuyết giúp cho họ tích hợp camera góc rộng và loa tốt hơn. Tuy nhiên, lời biện hộ này của họ quá vụng về, khi chiếc Pixel 3 nhỏ hơn cũng tích hợp toàn bộ công nghệ đó, dù không có màn hình khuyết.
Là công ty sở hữu hệ điều hành Android, Google đã nhận thấy được xu hướng của các hãng đối tác từ lâu. Khi ra mắt phiên bản Android P (9.0), hãng này đã tích hợp tính năng điều chỉnh cụm màn hình khuyết, thậm chí cho phép chuyển phần khuyết xuống phía dưới màn hình. Dù vậy, thiết kế smartphone của họ cuối cùng còn tệ hơn các hãng khác.
Trong nhiều năm qua, Google đóng vai trò "khuôn mẫu" cho cả thế giới Android nhờ vào các thiết bị Nexus và gần đây là Pixel. Nhưng đến nay, Google cũng không còn đủ sức sáng tạo và chạy theo Apple. Chiếc "tai thỏ" kích thước lớn trên Pixel 3 XL là bằng chứng rõ ràng nhất cho một Google đang cạn kiệt ý tưởng trong sân chơi di động.
Các hãng Android đã bỏ lỡ cơ hội vàng?
Apple bắt buộc phải dùng tới màn hình khuyết vì họ còn những giới hạn công nghệ chưa thể vượt qua, nhưng trong quá trình đó họ lại tạo ra một cái bẫy hoàn hảo mà các hãng Android vội vã lao vào. Một lần nữa, Apple cho thế giới thấy rằng những “đối thủ” của họ thực chất thích sao chép hơn là nghĩ ra một thứ gì đó mới.
Tất nhiên, không phải mọi hãng smartphone đều lao vào cái bẫy đó. Samsung trung thành với thiết kế màn hình vô cực từ thế hệ Galaxy S8 - ra mắt trước iPhone X - dù phần viền không thể mỏng đều như chiếc iPhone. Oppo và Vivo nghĩ ra cụm camera chuyển động giấu vào thân máy, đem lại màn hình tràn viền thực sự dù độ bền sẽ suy giảm.
Có lẽ chỉ vài năm nữa chúng ta sẽ có smartphone không viền tới từ Apple hoặc một hãng khác, nhưng thời kỳ màn hình khuyết đã cho thấy Apple mới là hãng smartphone số 1. Ảnh: Reddit.
Những thiết kế trên đều tồn tại nhược điểm, nhưng iPhone X cũng vậy. Ít nhất thì Samsung, Oppo cũng có sự sáng tạo, đưa ra một giải pháp khác thay vì hoàn toàn sao chép Apple. Những nhà sản xuất khác, bao gồm cả Google, thì không làm được như vậy.
Có thể một vài năm nữa iPhone hoặc một chiếc smartphone Android khác sẽ thực sự có màn hình tràn viền. Chúng ta rồi sẽ đi qua thời kỳ smartphone “màn hình khuyết”. Nhưng lúc ấy, nhìn lại, chúng ta sẽ thấy các hãng Android đã bỏ lỡ “cơ hội vàng” để vượt qua iPhone như thế nào.
Theo Zing