Bảo vệ người tiêu dùng trước người... cho vay

Cho vay tiêu dùng đang phát triển khá nhanh ở Việt Nam trong khi luật pháp chưa có quy định cụ thể và đầy đủ nhằm bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính hay người vay tiêu dùng. 
Bảo vệ người tiêu dùng trước người... cho vay

Các nhà soạn thảo luật có thể tham khảo trường hợp hai công ty tài chính Úc bị Tòa án liên bang của Úc tuyên phạt hôm 19-2-2015 với số tiền phạt cao kỷ lục: 18,975 triệu đô la Úc.

Trong một bản án đã tuyên hồi tháng 9 năm ngoái (nhưng chưa tuyên mức phạt), tòa cho rằng hai công ty The Cash Store Pty Ltd (TCS) và Assistive Finance Australia Pty Ltd (AFA) đã không tuân thủ quy định cho vay có trách nhiệm và TCS đã bán các hợp đồng bảo hiểm một cách vô lương tâm cho khách hàng, phần lớn trong số họ là những người thu nhập thấp hoặc đang nhận tiền thất nghiệp.

Cho đến khi được đặt trong tình trạng phá sản vào tháng 9-2013, TCS hoạt động như một người cho vay payday (số tiền vay nhỏ, thời hạn rất ngắn và lãi suất cao). Tất cả các khoản vay được AFA tài trợ. TCS có khoảng 80 cửa hàng khắp nước Úc, thực hiện khoảng 10.000 món vay một tháng với giá trị món vay đến 2.200 đô la Úc và thời hạn vay rất ngắn (chủ yếu hai tuần trở xuống) nhưng thu phí và lãi suất rất cao, chiếm khoảng 45% giá trị món vay. Kể từ tháng 6-2010 đến tháng 5-2012, TCS đã ký 325.756 hợp đồng tín dụng với khoảng 52.000 khách hàng.

Vi phạm quy định cho vay có trách nhiệm

Đạo luật Bảo vệ người vay tiêu dùng năm 2009 của Úc (The National Consumer Credit Protection Act 2009) yêu cầu các tổ chức tài chính ngân hàng được cấp phép hoạt động cho vay tiêu dùng (bên cho vay/môi giới) phải tuân thủ các nghĩa vụ cho vay có trách nhiệm (responsible lending obligations) vốn được thiết kế để bảo vệ người tiêu dùng, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương.

Ý tưởng trung tâm ở đây là sản phẩm (hợp đồng) tín dụng tiêu dùng phải được thiết kế “phù hợp” với người đi vay. Theo đó, bên cho vay/môi giới không được gợi ý vay, hỗ trợ làm hồ sơ vay hay ký hợp đồng tín dụng và cho thuê tài chính nếu nó “không phù hợp” với người đi vay.

Hợp đồng tín dụng được xem là không phù hợp nếu vi phạm một trong hai điều: (1) không đáp ứng được những yêu cầu và mục tiêu cụ thể của người vay (chứ không phải nói chung chung là “vì mục đích tiêu dùng”); (2) người vay không thể trả nợ hay chỉ có thể trả được bằng cách bán nhà cửa (lấy tiền trả nợ).

Dự thảo thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng hiện nay được thiết kế trước hết nhằm bảo vệ ngân hàng chứ không phải người vay.

Như vậy trước khi gợi ý, giúp đỡ hay ký hợp đồng, bên cho vay/môi giới về cơ bản phải: i) Thu thập thông tin hợp lý về những yêu cầu và mục tiêu của người vay và tình hình tài chính của họ; ii) Tiến hành các bước hợp lý nhằm thẩm tra/đánh giá tình hình tài chính của người vay; iii) Trên cơ sở hai bước trước, tiến hành đánh giá liệu hợp đồng có phù hợp với người vay không; iv) Cung cấp cho người đi vay bản sao kết quả đánh giá nếu họ yêu cầu.

Trong bản án trên, tòa cho rằng giấy đề nghị vay vốn không ghi mục đích vay và không có bằng chứng trong hồ sơ tín dụng cho thấy TCS và AFA đã tiến hành thu thập thông tin hợp lý về yêu cầu và mục tiêu của người vay. Hơn nữa, TCS đã không thu thập đầy đủ thông tin và không đánh giá về tình hình tài chính của người vay theo đúng quy định nêu ở trên, ví như thông tin về các khoản thu nhập, chi tiêu thường xuyên và bất thường cũng như các khoản nợ của người vay.

Tòa kết luận rằng TCS đã vi phạm bảy điều khoản riêng biệt của đạo luật và áp mức phạt 10,725 triệu đô la Úc; AFA vi phạm sáu điều và bị phạt 7,15 triệu đô la Úc.

Bán bảo hiểm khoản vay một cách vô lương tâm

Luật pháp Úc cấm bên vay/môi giới tham dự vào “hành vi vô lương tâm” (unconscionable conduct). Về đại thể, theo định nghĩa của luật, một hành vi có thể bị xem là vô lương tâm nếu nó thực sự hà khắc, nhẫn tâm hay mang tính áp bức. Để được coi là vô lương tâm, hành vi phải có cái gì đó hơn chỉ đơn giản là bất công hay vô lý; nó phải thách đố lương tâm (good conscience) vốn được coi chuẩn mực ứng xử chung của xã hội.

Trong vụ án này, khi cho khách hàng vay, TCS đồng thời bán kèm hợp đồng bảo hiểm khoản vay được giới thiệu là một “phương án bảo đảm trả nợ”. Nhờ thế TCS kiếm được 1,3 triệu đô la Úc phí tiếp thị, phân phối và hoa hồng trong tổng doanh thu bảo hiểm là 2,28 triệu đô la Úc.

Tòa cho rằng việc bán bảo hiểm như thế là hành vi vô lương tâm, vì khách hàng chỉ vay với thời hạn rất ngắn và gói bảo hiểm hoàn toàn vô ích cho những người thất nghiệp bởi họ gần như không có cơ hội đòi được bảo hiểm cho “thương tật” hay “thất nghiệp tự nguyện” - vốn là cấu phần chính của gói bảo hiểm này. Tòa cũng lưu ý rằng công ty đã khuyến khích nhân viên bán bảo hiểm mà không giải thích rõ ràng chi tiết về hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng. Hậu quả, TCS bị áp mức phạt cao nhất 1,1 triệu đô la Úc do vi phạm điều 12CB đạo luật Australian Securities And Investments Commission Act 2001.

Bài học cho Việt Nam

Điều tiết hoạt động cho vay tiêu dùng trở thành một trong những tâm điểm cải cách kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007. Ở Úc, chương 3 đạo luật Bảo vệ người vay tiêu dùng đưa ra quy định về cho vay có trách nhiệm nhằm thiết lập những tiêu chuẩn tín dụng để khuyến khích hoạt động cho vay thận trọng; ngăn ngừa kiểu cho vay “cắt cổ” (predatory lending/equity stripping), đặc biệt là đối với các nhà môi giới (brokers) và quy định mức phạt cho mỗi hành vi vi phạm(1). 

Nói như Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Úc Peter Kell thì quy định này nhằm bảo đảm người vay tiêu dùng tránh các khoản vay vượt quá khả năng chi trả của họ và ngăn chặn việc bên cho vay khai thác lợi thế một cách bất bình đẳng đối với những người vay yếu thế, dễ bị tổn thương. Quy định này được đánh giá là “khắc nghiệt” hơn so với Đạo luật Dodd-Frank ở Mỹ.

Ở Việt Nam cho vay tiêu dùng hiện đã và đang phát triển khá nhanh với dư nợ tăng trưởng trung bình khoảng 20% một năm trong bảy năm qua(2).  Tuy nhiên thực tiễn đã thách thức tính hiệu quả và hiệu lực của hệ thống pháp luật hiện hành trong việc bảo vệ người đi vay cho mục đích tiêu dùng.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 thiếu hẳn các thuật ngữ ngành tài chính - ngân hàng, khiến ta có cảm tưởng luật này không điều chỉnh các dịch vụ tài chính. Nhưng sự thực là có. Tuy thế, giống như nhiều đạo luật khác, luật này cũng quy định chung chung, thiếu thực tiễn nên hầu như không có tác động nào đáng kể đến bên cho vay.

Luật các tổ chức tín dụng 2010 và Quy chế cho vay 1627 cũng không hề có quy định cụ thể nào nhằm bảo vệ người sử dụng dịch vụ tài chính hay người vay tiêu dùng. Cho dù vậy, Dự thảo thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng (dự thảo) lại có tiến bộ đôi chút: đưa ra quy định về quảng cáo và cung cấp thông tin trước khi ký hợp đồng mà theo người soạn thảo (Ngân hàng Nhà nước) là nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Nhưng như thế là quá ít so với nhu cầu thực tiễn đặt ra.

Cho vay tiêu dùng quy định trong dự thảo cũng chỉ giới hạn trong ba hình thức: cho vay trả góp, thấu chi qua thẻ tín dụng và phát hành thẻ mua hàng. Còn rất nhiều hình thức cho vay tiêu dùng khác nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của dự thảo này. Cuối cùng, bản thân dự thảo được thiết kế trước hết nhằm bảo vệ ngân hàng chứ không phải người vay. Mục tiêu chính của nó là “tách biệt và hạn chế rủi ro đối với ngân hàng... khi cho vay tiêu dùng đối với... khách hàng phi chuẩn”.

Tóm lại, quy định về cho vay có trách nhiệm theo luật Úc có thể là một gợi ý tốt cho các nhà làm luật ở Việt Nam tham khảo trong việc điều tiết hoạt động cho vay tiêu dùng và bảo vệ người vay yếu thế.

Theo TBKTSG