Chiều nay, 27/6, TS.BS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) - đã đưa ra những con số đáng báo động lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nghiêm trọng đối với trẻ chưa được tiêm phòng vắc xin COVID-19 và khả năng dịch gia tăng trở lại khi người dân chủ quan, không tiêm nhắc vắc xin phòng dịch.
Trẻ mắc chứng hậu COVID-19 bị ảnh hưởng rất lớn
TS. Vương Ánh Dương dẫn kết quả khảo sát chỉ ra trẻ em mắc COVID-19 thường nhẹ hơn so với người lớn, nguy cơ tử vong cũng ít hơn. Số tử vong ở độ tuổi từ 0 đến dưới 18 tuổi chỉ chiếm 0,59% trên tổng số ca tử vong của cả nước.
Tuy nhiên, "một trong những vấn đề lo ngại với trẻ em sau mắc COVID-19 là Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C). Đây là hội chứng với diễn biến bệnh cảnh rất nặng, tổn thương từ 2 cơ quan trở lên như: da niêm mạc, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh,... Bệnh dễ tiến triển nặng, thậm chí có trường hợp tử vong" - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nêu.
TS.BS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh. |
Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh, trong gần 1 năm qua, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị 153 ca; trong đó, số chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19 là 149 ca, chiếm tới 97,4%. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đến nay cũng đã tiếp nhận và điều trị 283 trẻ em bị MIS-C. Đáng chú ý khi hầu hết các bệnh nhi này chưa được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu COVID-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi của trẻ, và có thể có những hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ, cần tiếp tục theo dõi, điều trị. Trẻ mắc COVID-19 mức độ nhẹ trước đó có thể vẫn mắc hậu COVID-19 và hội chứng MIS-C mức độ nặng.
Theo dõi các trẻ bị mắc MIS-C hậu COVID-19, PGS. TS. Trần Minh Điển - Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - thông tin, trong một khảo sát gồm 283 bệnh nhân mắc MIS-C, có gần 180 trẻ phải thở oxy. Đặc biệt, việc điều trị rất khó khăn do nhiều trẻ bị tấn công vào hệ thần kinh. Trung bình thời gian từ lúc mắc COVID-19 mắc MIS-C là khoảng 4 tuần.
Nguy cơ dịch COVID-19 gia tăng trở lại
Trước thực trạng nhiều người chủ quan, không tiêm các mũi nhắc vắc xin phòng COVID-19, GS.TS. Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - đánh giá, dịch có thể phức tạp và nguy cơ gia tăng trở lại. Đây vẫn được coi là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp chứ chưa công nhận là bệnh lưu hành và Omicron vẫn chưa phải là biến thể cuối cùng của COVID-19.
GS.TS. Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng. |
PGS. TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương - nêu thực trạng phổ biến nhiều ngày gần đây là cán bộ y tế tại các điểm tiêm chủng sẵn sàng tiêm cho người dân nhưng họb không đến. Nhiều người còn phản ứng là không được nhắn tin, mời họ tiêm vì làm phiền họ. Việc người dân chủ quan không tiêm nhắc vắc xin là nguy cơ của dịch sẽ quay trở lại.
Người đã từng mắc COVID-19 vẫn có khả năng bị tái nhiễm và mắc các biến chứng của bệnh, bao gồm cả trẻ em và người lớn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy người tái nhiễm vẫn có nguy cơ mắc bệnh mức độ nghiêm trọng và phải điều trị hồi sức tích cực.
TS.BS. Vương Ánh Dương thông tin thêm, mặc dù số mắc và tử vong do COVID-19 trên toàn cầu có xu hướng giảm, nhưng ở một số khu vực, dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, xuất hiện các biến chủng mới.
Cùng với đó, hội chứng hậu COVID-19 có biểu hiện đa dạng, phức tạp nhất vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu trên thế giới. Hậu COVID-19 có thể biểu hiện ở nhiều cơ quan như: hô hấp, tim mạch, thần kinh, tiêu hóa, nội tiết, thận, da...trong thời gian dài có thể khiến sức khỏe con người bị suy giảm, ảnh hưởng đến khả năng quay trở lại làm việc hoặc tham gia cuộc sống xã hội bình thường của người bệnh.