PGS TS Phạm Quang Thao - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cùng PGS TS Nguyễn Thành Lợi - Uỷ viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam chủ trì hội thảo |
Phát biểu khai mạc, PGS TS Phạm Quang Thao – Phó Chủ tịch VUSTA cho biết, ngoài báo Tri thức và Cuộc sống trực thuộc VUSTA, các hội thành viên hiện có 47 cơ quan báo chí cùng 21 cơ quan báo chí của các viện nghiên cứu do VUSTA thành lập. Trong thời đại CNTT, về cơ bản các cơ quan báo chí đều xuất bản trên mạng Internet. Tuy nhiên, báo chí luôn phải cạnh tranh với mạng xã hội và vấn đề rất quan trọng là báo chí phải thể hiện được mình và không để mạng xã hội dẫn dắt.
Nhà báo Vũ Tuấn Anh - Tổng biên tập Tạp chí Doanh nhân và Pháp lý cho biết, từ trước đến nay báo chí hay lên án các mạng xã hội là chiếm thị phần quảng cáo, giết chết báo in, đổ lỗi cho mạng xã hội sống trên lưng báo chí, vi phạm bản quyền… tuy nhiên, đã đến lúc phải nhìn thẳng vào thực tế các nền tảng công nghệ này là xu thế tương lai và báo chí không thể có đủ sức mạnh để thay đổi được. Như vậy, báo chí chỉ còn cách sống chung, cùng chia sẻ lợi ích với họ.
Nhà báo Phan Thị Mỵ - Tổng biên tập Tạp chí Sức khoẻ và Môi trường cho rằng với sự phổ biến của mạng xã hội, bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhà báo công dân và thậm chí không ít người có tầm ảnh hưởng, sức hút dư luận lớn. Mạng xã hội đã trở thành một “thế lực” cạnh tranh với báo chí chuyên nghiệp trên mặt trận thông tin. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là mạng xã hội cũng vừa là đối tác, vừa là đối thủ của báo chí.
Trong các sự kiện nóng, mọi người dân đều có thể cập nhật thông tin tức thì lên mạng xã hội. Trong khi đó, các báo chí chính thống không thể nhanh như vậy vì còn phụ thuộc vào sự tác nghiệp của nhà báo, quy trình biên tập, kiểm duyệt nên khi đăng tải được thì trên mạng xã hội đã tràn lan những thông tin đó. Tuy nhiên, thông tin trên báo chí có tính xác thực cao hơn so với mạng xã hội.
Nhà báo Hoàng Huệ - Tổng biên tập Tạp chí Biển Việt Nam khẳng định, chúng ta phải biết chấp nhận thực tế tồn tại của các mạng xã hội là không thể khác được với những tác động không nhỏ đến báo chí chính thống. Để đảm bảo thông tin khách quan và chính xác, các phóng viên, biên tập viên cùng lãnh đạo cơ quan báo chí phải đảm bảo việc kiểm chứng nguồn tin trên mạng như đối với các nguồn tin thông thường.
PGS TS Nguyễn Thành Lợi – Uỷ viên Thường vụ Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, tuyệt đại đai số nhà báo ở Việt Nam đều sử dụng mạng xã hội Facabook để vừa chia sẻ thông tin của mình, vừa khai thác thông tin từ cộng đồng mạng. Điều này thể hiện mối quan hệ cộng sinh giữa nhà báo và mạng xã hội. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là bản thân các nhà báo phải có bản lĩnh, nhãn quan riêng để không bị mạng xã hội dẫn dắt.
Kết luận hội thảo, PGS TS Phạm Quang Thao cho biết, cùng với các hoạt động chuyên môn của chủ quản là các hội và tổ chức thành viên của VUSTA, sự hiện diện và phát triển của các cơ quan báo chí trực thuộc là hết sức quan trọng và rất đáng hoan nghênh là các cơ quan báo chí này đều hoạt động tự chủ và về cơ bản đã làm tốt nhiệm vụ ngôn luận của mình. Tuy nhiên, hoà cùng dòng chảy của thời đại, báo chí và mạng xã hội không còn cách nào khác là phải chung sống, khai thác thế mạnh của nhau. Lãnh đạo VUSTA cam kết sẽ thường xuân quan tâm đến hoạt động của hệ thống báo chí các hội và tổ chức thành viên với các hoạt động thường kỳ…