Báo Anh: Tổng giám đốc WHO nói SARS-CoV-2 rò rỉ từ phòng thí nghiệm Vũ Hán; Trung Quốc phản bác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Báo Anh đưa tin một nguồn tin chính phủ cho biết Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói virus rò rỉ từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán năm 2019 đã gây ra đại dịch COVID-19; Trung Quốc lập tức phản bác.
Sau hơn 2 năm lan truyền khắp thế giới khiến gần 547 triệu người nhiễm, hơn 6,3 triệu người chết, nguồn gốc SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 hiện vẫn chưa được làm rõ (Ảnh: WHO).
Sau hơn 2 năm lan truyền khắp thế giới khiến gần 547 triệu người nhiễm, hơn 6,3 triệu người chết, nguồn gốc SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19 hiện vẫn chưa được làm rõ (Ảnh: WHO).

Theo bài báo đăng trên Daily Mail ngày 18/6, mặc dù WHO nói rằng tất cả các giả thiết về nguồn gốc của virus đã được xem xét, nhưng một nguồn tin từ chính phủ Anh cho biết Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus gần đây đã tiết lộ với một chính trị gia cấp cao của châu Âu rằng “lời giải thích có khả năng nhất là một sự cố mang tính tai nạn tại phòng thí nghiệm Vũ Hán vào cuối năm 2019, khiến virus bắt đầu lây lan”.

Ấn bản Chủ nhật của Daily Mail là nơi đầu tiên tiết lộ mối quan tâm của các cơ quan tình báo phương Tây về Viện Virus Vũ Hán. Các nhà khoa học tại Viện Virus Vũ Hán đã tiến hành thực nghiệm trên virus thu thập từ dơi trong một hang động cách đó 1.000 dặm; vì vậy hang động này bị nghi ngờ là nơi phát nguồn của COVID-19.

Vấn đề truy xuất nguồn gốc COVID-19 gây tranh cãi sâu sắc và rất nhạy cảm, dẫn đến quan hệ giữa Trung Quốc và các nước phương Tây ngày càng căng thẳng. Vào tháng 2 năm nay, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom cho biết ông đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường để thảo luận về sự cần thiết phải tăng cường hợp tác trong việc truy xuất nguồn gốc của COVID-19.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom gần đây đã thay đổi thái độ trong việc truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: WHO).

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom gần đây đã thay đổi thái độ trong việc truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 (Ảnh: WHO).

Trong thời kì đầu bùng phát dịch, ông Tedros Adhanom đã bị chỉ trích vì những phát biểu ủng hộ Trung Quốc, nhưng ông đã thay đổi thái độ trong những năm gần đây và yêu cầu Trung Quốc cởi mở hơn trong việc chia sẻ dữ liệu và thông tin về nguồn gốc của virus COVID-19.

Phía đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ vào tháng 8 năm 2021 đã công bố một báo cáo cho biết hầu hết các bằng chứng chứng minh rằng virus gây ra đợt bùng phát dịch COVID-19 đã bị rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán ở Trung Quốc, nhưng các cơ quan tình báo Mỹ thì chưa đưa ra một kết luận như vậy.

Ngoài ra, vào tháng 5 năm nay, ông Tedros Adhanom cũng chỉ ra rằng chiến lược phòng chống dịch kiểu “Zero Covid” của Trung Quốc không thể bền vững, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh thay đổi chính sách. Vào thời điểm đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã phản bác, nói “Trung Quốc hy vọng rằng những người có liên quan có thể nhìn nhận chính sách phòng chống dịch bệnh của Trung Quốc một cách khách quan và hợp lý” và "không nên đưa ra những lời lẽ vô trách nhiệm."

Phản ứng trước thông tin trên đây của Daily Mail, trang web Thời báo Hoàn cầu ngày 23/6 đã đăng bài chỉ trích “Mỹ và phương Tây sử dụng sức mạnh bá quyền của dư luận để liên tục tung tin thất thiệt và bịa đặt nhằm vu cáo Trung Quốc”.

Bài báo viết: “Truyền thông Anh gần đây tuyên bố rằng họ trích dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng ‘Tổng Giám đốc WHO cho biết loại coronavirus kiểu mới có thể đến từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán’, Ban Thư ký WHO đã giải thích với Trung Quốc rằng Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chưa bao giờ đưa ra các nhận xét có liên quan như đã được các cơ quan truyền thông phương Tây tuyên bố trong bất kỳ môi trường công cộng hoặc riêng tư nào!”

Bài báo viết: “Một số cơ quan truyền thông của Anh đã tung tin đồn về WHO, họ đã đánh mất đạo đức nghề nghiệp mà truyền thông cần phải có, và trực tiếp trở thành cỗ máy đưa ra những thông tin dối trá và sai sự thật, khiến công chúng hoang mang về nguồn gốc của dịch bệnh. Về vấn đề truy xuất nguồn gốc của dịch COVID-19, Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới đã hai lần mời WHO đến Trung Quốc và chia sẻ với WHO về tiến độ truy tìm nguồn gốc ổ dịch trong thời gian thực hiện công tác truy tìm nguồn gốc, đặt cơ sở cho việc truy tìm nguồn gốc của dịch COVID-19 trên phạm vi thế giới; nhưng công tác này đã không thể tiếp tục do Mỹ trước đó đã rút khỏi rồi lại gia nhập WHO và đe dọa xóa bỏ WHO. Một số cơ quan truyền thông phương Tây đã thường xuyên đưa ra những nhận xét sai lệch nhằm làm chệch hướng sự chú ý của thế giới.”

Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán bị nghi ngờ là nơi xảy ra sự cố rò rỉ virus gây nên dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: AP).

Viện nghiên cứu Virus Vũ Hán bị nghi ngờ là nơi xảy ra sự cố rò rỉ virus gây nên dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: AP).

Ông Uông Văn Bân, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới đây đã chỉ ra rằng Mỹ chưa bao giờ xác nhận với thế giới về thời gian cụ thể của trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên và họ đã lấp lửng về các vấn đề chính như phòng thí nghiệm sinh học toàn cầu và phòng thí nghiệm sinh học ở Pháo đài Medrick đang được quan tâm trên toàn cầu. Nếu lần theo manh mối rò rỉ trong phòng thí nghiệm, cần điều tra các nguồn nguy hiểm đáng ngờ chính như Phòng thí nghiệm sinh học Fort Medrick và Phòng thí nghiệm sinh học của Đại học Bắc Carolina.

Thời báo Hoàn cầu cũng hướng sự nghi ngờ về phía Mỹ khi viết, dịch bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân đã bùng phát ở Mỹ vào tháng 6 và tháng 8 năm 1999. Bệnh nhân bị viêm phổi có các triệu chứng tương tự như SARS-CoV-2, và họ cũng sinh ra kháng thể SARS-CoV-2 sau khi phục hồi, mà khu vực chủ yếu nơi người dân Mỹ bị nhiễm viêm phổi chính là Medrick, gần Phòng thí nghiệm sinh học Fort Medrick, sau khi bệnh viêm phổi bùng phát lần đầu ở Mỹ, chính phủ nước này đã che đậy sau đó chính thức công bố và đặt tên trước khi bệnh viêm phổi xuất hiện ở nhiều nơi ở Châu Âu.