Bịa chuyện nhà khoa học Thụy Sĩ nói về nguồn gốc SARS-CoV-2, truyền thông Trung Quốc bị phen bẽ mặt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong nhiều ngày liền, truyền thông chính thức của Trung Quốc dẫn lời một “nhà sinh vật học Thụy Sĩ”, nói Mỹ đã đe dọa và gây áp lực với các chuyên gia WHO điều tra virus. Tuy nhiên, họ đã bị một vố đau...
Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Trung Quốc đã tuyên bố những thông tin liên quan về "nhà sinh vật Thụy Sĩ" trên truyền thông Trung Quốc là bịa đặt, yêu cầu đính chính (Ảnh: swiss.info).
Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Trung Quốc đã tuyên bố những thông tin liên quan về "nhà sinh vật Thụy Sĩ" trên truyền thông Trung Quốc là bịa đặt, yêu cầu đính chính (Ảnh: swiss.info).

Theo trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 11/8, các cơ quan truyền thông nhà nước của Trung Quốc gần đây đã đua nhau đưa tin “ông Wilson Edwards, một nhà sinh vật học Thụy Sĩ đã bị Mỹ gây áp lực và đe dọa vì đã ủng hộ báo cáo của WHO và Trung Quốc về truy xuất nguồn gốc coronavirus chủng mới (SARS-CoV-2), đồng thời chỉ ra rằng việc truy xuất nguồn gốc của WHO có thể trở thành một công cụ chính trị của Mỹ”. Tuy nhiên, Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Trung Quốc ngày 10/8 đã ra thông báo nói rằng đây là "một thông tin sai lệch", yêu cầu các cơ quan truyền thông chính thức và cư dân mạng Trung Quốc phải gỡ bỏ các bài báo liên quan.

Tuyên bố của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Trung Quốc về vụ việc (Ảnh: ĐSQTS).

Tuyên bố của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Trung Quốc về vụ việc (Ảnh: ĐSQTS).

Theo Deutsche Welle, hầu hết các cơ quan truyền thông chính thức của nhà nước Trung Quốc, trong đó có China News Service, Thời báo Hoàn cầu, Nhân dân Nhật báo,… từ cuối tháng 7 đã liên tiếp dẫn lời một nhà sinh vật học người Thụy Sĩ tên là “Wilson Edwards” nói rằng “trong sáu tháng qua, đặc biệt sau khi kết thúc công việc điều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn đầu tiên, những người trong nội bộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và một số đồng nghiệp khoa học phàn nàn rằng ‘nếu ai ủng hộ các kết luận nghiên cứu của giai đoạn đầu tiên của công việc truy xuất nguồn gốc đều phải chịu áp lực to lớn từ chính quyền Mỹ và một số cơ quan truyền thông Mỹ, thậm chí là sự đe dọa”.

Các bài báo trên truyền thông Trung Quốc trích dẫn lời “Wilson Edwards” nói rằng: “Phía Mỹ nhất quyết tấn công Trung Quốc về vấn đề truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2, thậm chí không muốn mở to đôi mắt nhìn dữ liệu và kết quả nghiên cứu. Việc chính trị hóa công tác điều tra truy xuất nguồn gốc của dịch COVID-19 có khả năng làm suy giảm ý chí của giới khoa học và thậm chí cản trở sự phát triển của sự nghiệp phát triển y tế cộng đồng toàn cầu. Mỹ đang cố gắng làm mất uy tín của các nhà khoa học đã tham gia vào giai đoạn đầu của cuộc điều tra nghiên cứu và lật ngược kết luận của của báo cáo truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 giai đoạn đầu của WHO”.

Nhân dân Nhật báo ngày 1/8 đăng tin giả: "Nhà sinh vật học Thụy Sĩ: truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 là công cụ chính trị của Mỹ chống Trung Quốc " (Ảnh: screenshot).

Nhân dân Nhật báo ngày 1/8 đăng tin giả: "Nhà sinh vật học Thụy Sĩ: truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 là công cụ chính trị của Mỹ chống Trung Quốc " (Ảnh: screenshot).

Nhưng những tin tức này đã bị Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Trung Quốc gọi là "thông tin sai lệch". Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Trung Quốc đã tuyên bố công khai trên các tài khoản Weibo và Twitter chính thức của họ rằng "đây là một thông tin sai lệch". Trang Twitter của Đại sứ quán Thụy Sĩ cũng tuyên bố rằng họ đang muốn tìm "nhà sinh vật học" tên là “Wilson Edwards” mà các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng mạng Trung Quốc trích dẫn lời của ông trong vài ngày qua. và đăng dòng tweet nói: "Nếu bạn có ông ta trong tay, chúng tôi rất muốn gặp mặt”.

Đại sứ quán Thụy Sĩ còn đính kèm thông báo: "Thụy Sĩ Không có bất cứ công dân nào đã đăng ký tên là ‘Wilson Edwards’ ", "Trong cộng đồng sinh vật học cũng không có bất cứ bài báo học thuật nào được ký cái tên này". Họ cũng tuyên bố tài khoản Facebook liên quan mang tên “Wilson Edwards” vừa mới chỉ được lập vào ngày 24/7/2021; cho đến nay, mới có một bài đăng duy nhất viết về vấn đề truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 này và cũng chỉ có 03 người bạn trong friend list.

Rất nhiều trang tin chính thống của Trung Quốc liên quan đến vụ đăng tin giả này (Ảnh: HKFP).

Rất nhiều trang tin chính thống của Trung Quốc liên quan đến vụ đăng tin giả này (Ảnh: HKFP).

Đại sứ quán Thụy Sĩ cho rằng: “Tài khoản này có thể không được mở để sử dụng mạng xã hội”, đồng thời yêu cầu các cơ quan truyền thông và cư dân mạng Trung Quốc xóa ngay nội dung liên quan, đồng thời đăng thông báo đính chính.

Nhóm chuyên gia của WHO đã cùng với các nhà nghiên cứu Trung Quốc tiến hành điều tra ở Vũ Hán và các khu vực lân cận vào tháng 1 và tháng 2 năm nay. Báo cáo điều tra của nhóm này về xác định nguồn gốc SARS-CoV-2 được công bố vào ngày 9/2/2021 kết luận rằng khả năng lớn nhất là SARS-CoV-2 đã truyền từ dơi sang người thông qua vật chủ trung gian là động vật; và khả năng rò rỉ từ phòng thí nghiệm là “cực kỳ nhỏ”.

Vào ngày 16/7 năm nay, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom đã công bố kế hoạch tiến hành cuộc điều tra giai đoạn hai về nguồn gốc của SARS-CoV-2, tập trung vào việc liệu SARS-CoV-2 có thể được lan truyền từ phòng thí nghiệm Vũ Hán hay không.

Ngày 16/7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom tuyên bố kế hoạch điều tra truy xuất SARS-CoV-2 giai đoạn hai (Ảnh: WHO).

Ngày 16/7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom tuyên bố kế hoạch điều tra truy xuất SARS-CoV-2 giai đoạn hai (Ảnh: WHO).

Tuy nhiên, vào ngày 22/7, Trung Quốc đã từ chối tham gia kế hoạch tiến hành điều tra đợt hai của Liên Hợp Quốc. Ông Tăng Ích Tân (Zeng Yixin), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng, đoàn chuyên gia của WHO đã đến thăm Viện Virus Vũ Hán ngay từ đầu năm và đưa ra kết luận rằng virus rất khó có thể bắt nguồn từ phòng thí nghiệm.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom cho biết công tác truy xuất nguồn gốc vẫn chưa được kết luận cuối cùng và WHO sẽ tiếp tục theo đuổi tất cả các giả thuyết.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc hôm 22/7 từ chối kế hoạch truy xuất SARS-CoV-2 giai đoạn hai của WHO (Ảnh: China.com).

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Sức khỏe Trung Quốc hôm 22/7 từ chối kế hoạch truy xuất SARS-CoV-2 giai đoạn hai của WHO (Ảnh: China.com).

Sau khi Đại sứ quán Thụy Sĩ lên tiếng, nhiều trang web của Trung Quốc đã gỡ bỏ các bài viết liên quan đến thông tin này. Bằng tiếng Trung Quốc, nếu gõ tìm cụm từ "Nhà sinh vật học Thụy Sĩ lật lẩy: Mỹ đàn áp các chuyên gia của WHO muốn lật ngược kết luận của cuộc điều tra truy xuất nguồn gốc giai đoạn đầu tiên" trên Google vào thời điểm hiện nay, cho kết quả 103.000 liên kết, nhấp thử vào một trang như CCTV thì thấy hiển thị "Rất tiếc, có thể do lý do mạng hoặc không có trang này, vui lòng thử lại sau", nhưng nhiều trang khác như Chinanews, Sina... vẫn có thể mở được.

Một tìm kiếm trên khác trên Google tiếng Trung Quốc với chủ đề "Nhà sinh vật học Thụy Sĩ: diều tra truy xuất nguồn gốc SARS-CoV-2 trở thành công cụ chính trị của Mỹ tấn công Trung Quốc" đã mang lại 75.000 kết quả. Tuy nhiên, tất cả các liên kết này bao gồm People.com.cn (Nhân dân Nhật báo), Xinhuanet.com (Tân Hoa xã), Cankaoxiaoxi (Tin tham khảo) và Globaltimes (Thời báo Hoàn cầu)...thì các trang như People.com.cn, Xinhuanet.com...hiện đều “404 - Not Found”, có trang như Cankaoxiaoxi (Tin tham khảo) vẫn có thể được mở, nhưng điểm khác biệt là những bài báo có nội dung giống nhau này đều bắt đầu bằng "Theo báo cáo của trang web Đài Tiếng nói Nam Thái Bình Dương ngày 27/7", nhưng giới quan sát cho rằng điều này không thể trốn tránh được trách nhiệm của các cơ quan truyền thông chính thống này trong việc tung tin giả.

Tài khoản Facebook của "Wilson Edward" vừa được lập ra hôm 24/7 đăng duy nhất bài viết đưa thông tin sai lệch bị Thụy Sĩ bác bỏ (Ảnh: HKEP).

Tài khoản Facebook của "Wilson Edward" vừa được lập ra hôm 24/7 đăng duy nhất bài viết đưa thông tin sai lệch bị Thụy Sĩ bác bỏ (Ảnh: HKEP).

Các báo cáo tiếng Anh có nội dung tương tự đã được chỉnh sửa trước đó. Thông tin giả “COVID-19 origin tracing: Claim emerges of ‘intimidation’ from the US” ("Truy tìm nguồn gốc COVID-19: Yêu cầu bồi thường xuất xứ từ Mỹ") được đăng trên các trang tiếng Anh của Global TimesPeople’s Daily...từ ngày 30/7, hiện không thể mở được nữa, chỉ thấy dòng chữ “không thể tìm thấy trang web này”.