Ban Tổ chức Trung ương 'bịt đường' chạy chức, chạy quyền

Chánh văn phòng Ban tổ chức Trung ương Hoàng Trọng Hưng cho biết cơ quan này đang xây dựng sáu nhóm giải pháp để chống chạy chức.
Chánh văn phòng Ban tổ chức Trung ương Hoàng Trọng Hưng
Chánh văn phòng Ban tổ chức Trung ương Hoàng Trọng Hưng

Tại hội nghị toàn quốc của ngành tổ chức xây dựng Đảng vừa qua, lần đầu tiên Ban tổ chức Trung ương đã công bố dự thảo chuyên đề về kiểm soát quyền lực và phòng, chống "chạy chức, chạy quyền" trong công tác tổ chức cán bộ để lấy ý kiến đóng góp của đại biểu.

VnExpress có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Trọng Hưng - Chánh văn phòng Ban tổ chức Trung ương, người phụ trách việc chuẩn bị nội dung dự thảo chuyên đề nêu trên.

Từ chạy chức, chạy quyền dẫn đến ra nhiều thứ "chạy" khác

- Thưa ông, tại Hội nghị toàn quốc của ngành tổ chức xây dựng Đảng trong năm 2015 và 2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu vấn đề "dư luận xã hội râm ran chuyện chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy bằng cấp...". Như vậy, Ban tổ chức Trung ương xây dựng dự thảo trên là từ trăn trở của Tổng bí thư?

- Chạy chức chạy quyền là một dạng tham nhũng trong công tác tổ chức cán bộ. Việc này đã có từ lâu, mấy nhiệm kỳ vừa qua đều đã nói nhưng gần đây có một số vụ việc nổi lên, đơn cử như vụ Trịnh Xuân Thanh gắn với luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ nên được quan tâm nhiều hơn. 

Từ chạy chức, chạy quyền dẫn đến ra nhiều thứ "chạy" khác, như trước đó phải chạy quy hoạch, muốn được quy hoạch thì chạy bằng cấp để đủ điều kiện, rồi chạy tuổi tác, kể cả chạy nhận xét, đánh giá trước khi vào quy hoạch...

Chính vì gần đây có nhiều minh chứng hơn về tình trạng chạy chức, chạy quyền, đòi hỏi những người làm tổ chức xây dựng Đảng phải nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền giải pháp để ngăn chặn, đẩy lùi nó.

Đây là chuyên đề quan trọng nhưng do chúng tôi bắt tay vào xây dựng trong thời gian ngắn nên ban đầu chỉ định tập trung vào chống chạy chức, chạy quyền, sau đó Trưởng ban đề nghị gắn với nội dung về kiểm soát quyền lực. Hiện chúng tôi đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo, đặc biệt là quán triệt ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư để có thể hình thành được một quy chế hoặc quy định về nội dung này.

-  Trường hợp Trịnh Xuân Thanh không nằm trong quy hoạch vẫn được chuyển từ Bộ Công Thương đến Hậu Giang làm Phó chủ tịch tỉnh, "xé rào" nhiều quy định về tổ chức cán bộ khiến có người bình luận là“con voi chui lọt lỗ kim”. Ông nghĩ sao?

- Về vụ việc này, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức rà soát, kiểm điểm để làm rõ các khâu trong quy trình luân chuyển, bổ nhiệm. Qua đó, trong năm 2017, Ban đã ban hành hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành một loạt văn bản nhằm "bịt" những lỗ hổng, những điểm chưa hợp lý, dễ bị lợi dụng trong quy trình làm nhân sự. Ví dụ, quy hoạch cán bộ hiện nay rất khác trước, từ khâu hồ sơ, phải rà soát đầu vào đầu ra, quá trình đánh giá cán bộ gắn với hiệu quả công tác. Nếu như trước đây đánh giá như vậy thì chắc chắn không thể có việc đưa Trịnh Xuân Thanh vào quy hoạch.

Mặt khác, việc phân cấp quy hoạch cán bộ nay cũng rõ hơn, Ban Tổ chức Trung ương quản lý ở cấp nào, địa phương quản lý cấp nào để sát việc.

"Tung tin xấu, gài bẫy ứng cử viên cạnh tranh với mình"

- Ban tổ chức Trung ương đánh giá thực trạng chạy chức chạy quyền hiện ở mức độ nào và đâu là các biểu hiện của nó?

- Một số văn kiện khẳng định chạy chức, chạy quyền ngày càng tinh vi, phức tạp, từ cấp thấp đến cấp cao, từ địa phương đến trung ương đều có. Biểu hiện ra bên ngoài rất đa dạng và được che đậy bằng nhiều hình thức khác nhau, đơn cử như quà cáp gắn với lễ tết, sinh nhật...

Người chạy thì dùng tiền bạc, vật chất, quan hệ hoặc lợi ích khác tiếp cận qua người nhà, người thân để trao đổi, thỏa thuận, hối lộ, thống nhất với người có chức, có quyền quyết định hoặc người có thể can thiệp vào công tác tổ chức cán bộ để đạt được vị trí, chức vụ, quyền lực công tác mong muốn.

Hoặc họ có thể dùng thủ đoạn để bôi nhọ, nói xấu, không đúng sự thật, tung tin chuyển công tác, gài bẫy đối với những ứng cử viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện đang cùng cạnh tranh với mình để được phân công, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử vào một vị trí, chức vụ nào đó.

Các hành vi chạy chức, chạy quyền gồm chạy bổ nhiệm, điều động, phân công công tác, giới thiệu ứng cử, chạy vào cấp ủy, chạy đào tạo, bồi dưỡng, chạy chứng chỉ, bằng cấp, xác nhận để hợp thức hóa hồ sơ phục vụ công tác nhân sự, làm đẹp hồ sơ phục vụ công tác đề bạt, chạy bổ nhiệm cán bộ, chạy tội, chạy kỷ luật cán bộ...

- Trong dư luận lâu nay đề cập đến những vị trí công việc phải chạy từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng, thậm chí có vị trí cả triệu đô la. Quá trình nghiên cứu dự thảo chuyên đề này, ông nhận được phản ánh như thế nào?

- Vừa qua ở hội thảo cũng có người nêu việc này, nhưng phân tích ra hai mảng. Một là chạy việc, tức là đáp ứng nhu cầu có việc của một số người - nội dung này không nằm trong chuyên đề. Chuyên đề nói đến chức quyền, tức là việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, người có chức quyền trong hệ thống chính trị. Đó là người được chạy (người đứng đầu, người trực tiếp làm công tác nhân sự), còn người chạy là người chưa có chức muốn có chức, người chức thấp muốn chức cao. 

Bên cạnh ghi nhận thực trạng thì chúng tôi tập trung vào giải pháp, theo xu hướng chung là tăng cường minh bạch, kiểm soát quyền lực ở góc độ đẩy mạnh trách nhiệm giải trình, bao gồm trách nhiệm của cấp có thẩm quyền và đặc biệt là người đứng đầu về công tác cán bộ.

- Tại Hội nghị của ngành tổ chức xây dựng Đảng mới đây, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nói rằng, từ sau Đại hội XII đến nay ở cấp Trung ương không có chuyện chạy chức chạy quyền. Điều này được hiểu như thế nào thưa ông? 

- Vừa qua tổ nghiên cứu dự thảo chuyên đề chưa có điều kiện để đi sâu vào tổng kết và thống kê số liệu, ví dụ như trong thời gian bao lâu, bao nhiêu người chạy và chạy ở cấp nào. Tôi hiểu phát biểu nêu trên của Trưởng ban muốn nhấn mạnh đến việc, từ sau Đại hội XII đến nay, các cơ quan chức năng đã tập trung rà soát và dần lấp các "lỗ hổng" trong công tác cán bộ.

Đơn cử về luân chuyển cán bộ, nếu thực hiện đúng quy định 98 của Bộ Chính trị ban hành vào tháng 10/2017 thì đúng là "không thể chạy". Trước đây cán bộ đi luân chuyển chưa có quy chế được hoàn thiện như vậy, từ nay với quy định 98, các bước luân chuyển từ tiêu chuẩn, điều kiện đến thẩm quyền, trách nhiệm,... đều được quy định rất cụ thể và rõ ràng. Hay là về phân cấp quản lý cán bộ, về đánh giá cán bộ cũng có quy định mới chặt chẽ hơn, minh bạch hơn. 

Theo nhận thức của tôi, trong phát biểu của mình, Trưởng ban tổ chức Trung ương muốn giải thích thêm những việc Trung ương đã làm và nhấn mạnh, nếu thực hiện đúng như vậy thì chuyện chạy như trước không thể xảy ra.

"Không thể chạy, không dám chạy"

- Tổ nghiên cứu đưa ra những giải pháp đáng chú ý nào để chống chạy chức chạy quyền?

- Chúng tôi đưa ra sáu nhóm giải pháp với mục tiêu hướng tới 4 không gồm "không thể chạy, không dám chạy, không cần chạy và không muốn chạy".

Tiến tới "không thể chạy" bằng quy trình, quy chế chặt chẽ từ khâu giới thiệu, quy hoạch, đến ứng cử, bổ nhiệm. Thực hiện nghiêm quy trình "5 bước" trong công tác cán bộ, trong đó kiên quyết không quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức không đủ tiêu chuẩn, tiêu chí; không được bố trí nhầm người, sai người, nhầm chỗ, sai chỗ, nhất là người đứng đầu. Đồng thời, thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo hướng những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý theo hướng dân chủ, công khai...

"Không dám chạy" là tăng cường chế tài xử phạt, xử lý cả người chạy và người được chạy. Về lâu dài, để có không muốn chạy và không cần chạy thì phải đẩy mạnh tuyên truyền để cả xã hội thấy việc chạy chọt này là rất đáng lên án, đồng thời quan tâm hơn đến chính sách dành cho cán bộ. 

Cả sáu nhóm giải pháp đều quan trọng, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay chúng tôi tập trung vào "không thể chạy và không dám chạy". Chúng tôi cũng đề xuất tăng cường đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội nhằm có thêm thông tin kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời biểu hiện chạy chức, chạy quyền; thiết lập đường dây nóng trong lĩnh vực này...

- Trước đây từng có chủ trương thí điểm dân bầu trực tiếp chủ tịch xã nhưng chưa thực hiện. Nếu để dân bầu thì không thể chạy được vì là phiếu của số đông. Ông nghĩ sao về giải pháp này?

- Vừa qua đã có địa phương mạnh dạn đưa vào đề án dân bầu trực tiếp chủ tịch xã, nhưng vấn đề này liên quan đến hệ thống pháp luật mà hiện chưa có quy định. Ngoài ra, về bầu trực tiếp thì trên toàn quốc đã có nhiều đại hội cấp cơ sở và cấp trên cơ sở bầu trực tiếp Bí thư cấp ủy tại đại hội.

Qua tổng kết về bầu trực tiếp bí thư cấp ủy tại đại hội, có ý kiến đề nghị mở rộng nhưng phải đồng bộ một số văn bản, làm rõ bí thư cấp ủy bầu tại đại hội thì có khác gì bí thư cấp ủy bầu từ ban chấp hành hay không; hiện chưa có gì khác về thẩm quyền và trách nhiệm. Nhiều người cho rằng giao quyền nhưng phải gắn với trách nhiệm để kiểm soát quyền lực. 

Theo tôi vấn đề nêu trên cần được thí điểm, tổng kết thực tiễn và xây dựng hệ thống các giải pháp một cách đồng bộ.

- Trong các giải pháp đã đề ra thì ông tâm đắc và kỳ vọng nhất nội dung nào?

- Có lẽ tôi tâm đắc nhất nội dung về trách nhiệm giải trình. Một số văn bản đã có nội dung này, như chất vấn ở Quốc hội hay chất vấn trong Đảng. Nhiều ý kiến nhận xét là trong Quốc hội, những chất vấn gai góc nhất thường đến từ các đại biểu chuyên trách hoặc đại biểu không giữ vị trí lãnh đạo ở địa phương, có như vậy thì đại biểu mới không ngại va chạm. Trong công tác tổ chức cán bộ cũng vậy, làm sao để lãnh đạo ra quyết định phải giải trình rõ là đã làm việc một cách công tâm, trong sáng. Tránh tình trạng lâu nay, lãnh đạo biết một người chưa đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn bổ nhiệm, đến khi bị phát hiện thì giải thích "chúng tôi đã làm đúng quy trình". 

- Là người tham gia soạn thảo chuyên đề chống chạy chức, chạy quyền, giả sử có người đến gặp ông để "chạy" thì ông sẽ trả lời như thế nào?

Nếu có người đến nhờ vả tôi chạy chức, chạy quyền, tôi sẽ giải thích cho họ hiểu rằng: Với quy định chặt chẽ hiện nay thì rất khó chạy và đặc biệt nhấn mạnh không nên chạy. Quan điểm của tôi rất rõ ràng là hữu xạ tự nhiên hương, chỉ có người kém mới chạy, còn người giỏi thì không cần làm như vậy. Người giỏi sẽ tự thân vận động, tự đi lên bằng đôi chân, bằng tài năng của mình. Vì vậy, nếu họ là người giỏi thì hãy để tổ chức lựa chọn, hãy thi tuyển để trúng tuyển bằng kiến thức và trí tuệ của mình. Đất nước chỉ có thể đi lên nếu chúng ta có những người lãnh đạo có tâm, có tầm và có tài.

Theo VnExpress
https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/ban-to-chuc-trung-uong-bit-duong-chay-chuc-chay-quyen-3703263.html