Ban hành Nghị định về PPP

Chính phủ vừa ban hành Nghị định về dự án PPP, theo đó tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư của dự án PPP.

Theo Nghị định này, PPP là hình thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để thực hiện, quản lý, vận hành dự án kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công.

Các lĩnh vực được lựa chọn để thực hiện theo hình thức này gồm 2 nhóm.

Nhóm 1 là các dự án xây dựng, cải tạo, vận hành, kinh doanh, quản lý công trình kết cấu hạ tầng, cung cấp trang thiết bị hoặc dịch vụ công, gồm công trình kết cấu hạ tầng giao thông vận tải và các dịch vụ có liên quan.

Nhóm 2 gồm các dự án trên được phân loại theo quy định của pháp luật về đầu tư công gồm dự án quan trọng quốc gia, các dự án nhóm A, B và C.

Quy định về vốn chủ sở hữu và vốn huy động của nhà đầu tư, Nghị định PPP yêu cầu nhà đầu tư chịu trách nhiệm góp vốn chủ sở hữu và huy động các nguồn vốn khác để thực hiện dự án theo thỏa thuận tại hợp đồng dự án.

Đặc biệt, tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng vốn đầu tư. Đối với dự án có tổng vốn đầu tư trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu được xác định theo nguyên tắc lũy tiến từng phần.

Cụ thể, đối với phần vốn đến 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 15% của phần vốn này; đối với phần vốn trên 1.500 tỷ đồng, tỷ lệ vốn chủ sở hữu không được thấp hơn 10% của phần vốn này.

Nghị định này quy định vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện dự án không tính vào tổng vốn đầu tư để xác định tỷ lệ vốn chủ sở hữu. Vốn Nhà nước tham gia để hỗ trợ xây dựng công trình đối với dự án có hoạt động kinh doanh, thu phí từ người sử dụng, nhưng khoản thu không đủ để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận; Thanh toán cho nhà đầu tư cung cấp dịch vụ theo hợp đồng BTL, hợp đồng BLT và các hợp đồng tương tự khác; Hỗ trợ xây dựng công trình phụ trợ, tổ chức bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Giá trị vốn đầu tư của Nhà nước được xem xét trên cơ sở phương án tài chính của dự án; chủ trương sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước và khả năng huy động, cân đối nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án.

Về chi phí chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án của Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, Nghị định quy định chi phí chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án được bố trí từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước theo cân đối trong kế hoạch chi đầu tư phát triển hàng năm của Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh; nguồn thu từ việc bán hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư; nguồn vốn do nhà đầu tư được lựa chọn thực hiện dự án hoàn trả và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Trước đó, ngày 22/12/2014, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng ban chỉ đạo về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư đã yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ liên quan chủ động xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện theo hình thức PPP trong lĩnh vực phụ trách để có thể ban hành ngay sau khi Nghị định PPP có hiệu lực.

Về nguốn vốn hỗ trợ chuẩn bị dự án PPP hiện đã sẵn sàng, Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ lựa chọn dự án có khả năng thành công cao để tổ chức triển khai.

Khi lựa chọn được nhà đầu tư, cần thực hiện thu hồi vốn chuẩn bị dự án để tái tạo nguồn vốn cho chuẩn bị đầu tư các dự án PPP tiềm năng khác.

                                                               Theo Báo Đầu tư