Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Thanh (đại biểu tỉnh Ninh Thuận) đặt câu hỏi với Thủ tướng, trung ương có Nghị quyết về tái cơ cấu DNNN còn chậm, hiệu quả sản xuất kinh doanh của tập đoàn, Tcty đã có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho ý kiến về vấn đề này và giải pháp để thực hiện hiệu quả các chủ trương, triển khai có kết quả Nghị quyết Trung ương.
Thực hiện yêu cầu của đại biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gửi văn bản báo cáo, từ đầu những năm 1990, nhiều giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN đã được triển khai thực hiện như sáp nhập, hợp nhất, giao, bán, khoán, cho thuê, giải thể, phá sản và cổ phần hóa. Số lượng DNNN đã giảm đáng kể, từ hơn 12.000 DN năm 1990 xuống còn trên 5.600 DN năm 2000 và hơn 1.350 DN năm 2010. Đến cuối 2013, cả nước chỉ còn 949 DN 100% vốn nhà nước. Theo kế hoạch, đến cuối 2014 còn dưới 800 DN.
Thủ tướng nhắc lại, Hội nghị Trung ương 3 vào tháng 10/2011 đã khẳng định tái cơ cấu DNNN là một trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Theo đó, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 – 2015, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, Tcty theo hướng tập trung nâng cao năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, hiệu quả sản xuất kinhd oanh và thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, bán phần vốn nhà nước không cần nắm giữ theo nguyên tắc thị trường.
DNNN, theo đó, chỉ tập trung vào những ngành lĩnh vực theo chốt, thiết yếu, địa bàn quan trọng và lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Nhiệm vụ sản xuất kinh doanh cũng được tách bạch với nhiệm vụ chính trị, công tích. Đề án cũng hướng đến tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu, kiện toàn tổ chức bộ máy và cán bộ quản lý. Công khai minh bạch kết quả hoạt động của DN.
Sau 2 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu, Thủ tướng thông tin, thể chế quản lý DNNN tiếp tục được hoàn thiện, nhất là việc xác định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước; quy định cụ thể lĩnh vực DN mà nhà nước giữ 100% vốn; phê duyệt doanh mục DNNN thực hiện cổ phần hóa; quy định về xác định giá trị DN, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và thực hiện công khai minh bạch hoạt động của DNNN.
Thủ tướng đã phê duyệt 20/20 Đề án tái cơ cấu các DNNN giai đoạn 2011 – 2015. Các Bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, Tcty nhà nước đã rà soát, điều chỉnh và phê duyệt Đề án tái cơ cấu DN thuộc phạm vi quản lý.
Người đứng đầu Chính phủ cũng trình bày, từ 2011 đến hết 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 DN, trong đó cổ phần hóa 99 DN và bằng các hình thức khác là 81 DN.
Kế hoạch năm 2014 – 2015, Thủ tướng cho biết, mục tiêu đề ra là cổ phần hóa 432 DN. Qua năm 2014, các cơ quan đã tổ chức tái cơ cấu được 167 DN, trong đó cổ phần hóa 143 DN, đã thoái vốn được trên 6.000 tỷ đồng, gấp hơn 6 lần so với 2013.
Tổng sản phẩm của DNNN tăng từ gần 2,3 triệu tỷ đồng năm 2011 lên xấp xỉ 2,9 triệu tỷ đồng năm 2013 (tăng bình quân 12,3%/năm). Năm 2013, lợi nhuận của các DNNN tăng 15%, nộp ngân sách tăng 23%. DNNN đóp góp khoảng 1/3 GDP và 30% tổng thu ngân sách nhà nước.
Kết quả hoạt động của các DN sau khi cổ phần hóa, theo Thủ tướng, được cải thiện đáng kể. Thủ tướng dẫn số liệu báo cáo của 2.400 DN sau 1 năm cổ phần hóa cho thấy vốn điều lệ tăng bình quân 68%, doanh thu tăng 34%, lợi nhuận sau thuế tăng 99,9%, nộp ngân sách tăng 47%, thu nhập bình quân người lao động tăng 76,9%.
Về việc sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, Thủ tướng cho biết, số tiền thu được từ bán cổ phàn dùng để thực hiện chính sách đối với người lao động và để nhà nước tái đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, không được đưa vào ngân sách để chi thường xuyên. Từ đó, quỹ Hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa DNNN đã được thành lập. Nguồn thu từ cổ phần hóa tập trung về Quỹ và được sử dụng để hỗ trợ giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp, chuyển đổi, đầu tư vào các dự án quan trọng theo Quyết định của Thủ tướng…
Dù vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác nhận, việc tái cơ cấu DNNN vẫn còn hạn chế. Một số khó khăn vướng mắc trong thực hiện tái cơ cấu chưa được xử lý kịp thời. Việc phê duyệt đề án tái cơ cấu và cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn chậm. Hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực. Vốn nhà nước tăng mạnh nhưng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách chưa tăng tương ứng. Trình độ công nghệ, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nhiều DN còn thấp.
Điểm hạn chế khác, nhiều DN vẫn chưa tách bạch rõ hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích. Một số DN chưa làm tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Việc phá sản DN còn còn nhiều khó khăn.
Nhấn mạnh nhiều giải pháp thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa DNNN trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 cơ bản hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa và thoái vốn ngoài ngành. Giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tiếp tục tái cơ cấu, trọng tâm là cổ phần hóa DNNN, bao gồm cả công ty nông lâm nghiệp.
Nguyên tắc là nhà nước chỉ giữ cổ phần chi phối (trên 50%) ở những lĩnh vực then chốt, đặc biệt quan trọng. Tăng mạnh số thu từ cổ phần hóa và sử dụng số tiền này để tăng vốn điều lệ cho DNNN, đầu tư một số dự án quan trọng, cấp thiết cho phát triển kinh tế xã hội.
Điểm quan trọng khác, cùng với việc cổ phần hóa và giảm mạnh số DN 100% vốn nhà nước, Thủ tướng nhấn mạnh việc hình thành cơ quan quản lý phù hợp của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước tại DN vào đầu nhiệm kỳ Chính phủ tới.
Theo Dân trí