Bám sát xu thế hội tụ, khai thác triệt để thế mạnh mới mong đột phá

Trong thời gian tới, VTC cần kết hợp chặt chẽ giữa các mảng dịch vụ theo xu thế hội tụ giữa viễn thông - CNTT- PTTH; đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống Vietnam Media Hub; tăng cường hợp tác với các cơ quan đơn vị để khai thác triệt để thế mạnh của Tổng Công ty VTC.
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Bộ trưởng Trương Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Đó là phát biểu chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn tại Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 của Tổng Công ty VTC, vừa diễn ra chiều 19/7.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn biểu dương kết quả mà Tổng Công ty VTC đã đạt được trong 06 tháng đầu năm 2016, với tất cả các chỉ tiêu đều vượt mức kế hoạch và tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm 2015, trong đó doanh thu đạt 2.200 tỷ đồng (tương đương 56% kế hoạch) - tăng trưởng 119%, lợi nhuận đạt 105 tỷ đồng (tương đương 71% kế hoạch) - tăng trưởng 138%, nộp ngân sách nhà nước đạt 246 tỷ đồng (tương đương 53% kế hoạch) - tăng trưởng 109%.

Trong công tác quản lý, Tổng Công ty VTC đã tập trung xây dựng và triển khai mô hình quản trị hiện đại, phù hợp với thực tiễn phát triển và theo xu thế thế giới; hoàn thiện các quy trình, quy chế bảo đảm quản lý chặt chẽ, linh hoạt dòng tiền, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tiết giảm chi phí tài chính và chi trả thu nhập cho người lao động một cách hợp lý, khoa học, dân chủ, công khai.

Bên cạnh nhiệm vụ chính về sản xuất kinh doanh, Tổng Công ty VTC cũng thực hiện tốt nhiệm vụ xã hội, công ích, vận hành hiệu quả Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400, qua đó đóng góp thêm một kênh triển khai cho nhiều chương trình từ thiện xã hội, góp phần giúp đỡ kịp thời các nạn nhân, người dân có hoàn cảnh khó khăn cũng như động viên, chia sẻ với các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ Quốc.

Bộ trưởng cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những thành tích, Tổng Công ty VTC vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và tồn tại cần tập trung khắc phục như: hiệu quả sản xuất kinh doanh giữa các đơn vị thành viên chưa đồng đều, trong khi một số đơn vị như VTC Intecom, VTC Digital, VTC Mobile vẫn duy trì tốt tốc độ tăng trưởng thì các đơn vị khác vẫn chưa có nhiều chuyển biến; các loại hình dịch vụ chưa có nhiều đổi mới, sáng tạo; việc tăng trưởng số lượng khách hàng của Tổng Công ty ngày càng khó khăn và bị cạnh tranh bởi nhiều doanh nghiệp khác khiến cho số lượng khách hàng ở một số dịch vụ cụ thể thậm chí còn sụt giảm; tỷ trọng lợi nhuận trên doanh thu còn thấp do chủ yếu là phân phối, bán lại dịch vụ của doanh nghiệp khác nên thiếu chủ động và lệ thuộc vào đối tác; khả năng tài chính của Tổng Công ty còn hạn chế, thậm chí chưa đáp ứng kịp nhu cầu đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt bị ảnh hưởng lớn do việc chuyển giao Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC sang VOV chưa hoàn tất; khó khăn trong việc thu hút và giữ nhân sự cao cấp, mức thu nhập trung bình của người lao động còn khiêm tốn so với nhiều doanh nghiệp khác trên thị trường,...

VTC cần lấy công nghệ làm khâu đột phá để phát triển các dịch vụ (ảnh minh hoạ)

Theo đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề ra 6 mục tiêu cần làm tốt trong thời gian tới để VTC phát triển bền vững:

Thứ nhất, cần lấy công nghệ làm khâu đột phá để phát triển các dịch vụ, đặc biệt cần kết hợp chặt chẽ giữa các mảng dịch vụ theo xu thế hội tụ giữa viễn thông - CNTT-PTTH; đảm bảo hiệu quả hoạt động của hệ thống Vietnam Media Hub; tăng cường hợp tác với các cơ quan đơn vị để khai thác triệt để thế mạnh của Tổng Công ty VTC.

Thứ hai, thường xuyên kiện toàn, tự đổi mới Tổng Công ty VTC và các doanh nghiệp thành viên phù hợp với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh; rà soát sắp xếp bố trí lại nguồn nhân lực, tích cực thoái vốn dứt điểm tại một số doanh nghiệp theo Đề án tổng thể tái cơ cấu Tổng Công ty VTC để nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh.

Thứ ba, rà soát, hoàn thiện các quy trình quy chế nội bộ, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kịp thời phát hiện những sai sót, bất cập trong hoạt động sản xuất kinh doanh để có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả; sớm xây dựng phương án cổ phần hóa Tổng Công ty VTC và đặc biệt cần tính tới mô hình hoạt động của Tổng công ty sau khi quy định về vốn điều lệ của Công ty mẹ.

Thứ tư, về các đề xuất kiến nghị của Tổng Công ty VTC, Lãnh đạo Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với VOV và VPCP để báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết dứt sớm ban hành quy chế tài chính giúp Tổng Công ty chủ động trong sản xuất kinh doanh.

Thứ năm, cần phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể, các sáng kiến cải tiến kỹ thuật và ứng dụng CNTT trong công tác điều hành, quản lý sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị cho cán bộ công nhân viên.

Thứ sáu, phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, luôn chăm lo đoàn kết nội bộ, phát huy đoàn kết tập thể; đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong tập thể cán bộ, công nhân viên và người lao động toàn Tổng Công ty. Đặc biệt, Tổng Công ty VTC cần chăm lo xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh toàn diện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên toàn Tổng Công ty VTC.

Liên quan chậm bàn giao, chia tách dứt điểm tài sản giữa VTC và VOV, Bộ trưởng Bộ Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ đề nghị có phương án giải quyết dứt điểm việc bàn giao tài sản cho Đài VTC. Bộ trưởng đã đề nghị Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ có chỉ đạo rõ ràng hơn về việc thế nào là “bàn giao nguyên trạng” Đài VTC về VOV. Trong trường hợp không thể bàn giao nguyên trạng thì cũng đề nghị Chính phủ có phương án khác.

Đài VTC đã được Bộ TT&TT ký bàn giao sang VOV từ tháng 7/2015, nhưng đến nay việc chia tách tài sản vẫn chưa hoàn tất. Do đó, Tổng công ty VTC đã chịu ảnh hưởng lớn của việc chậm chuyển giao này.