Theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam sở hữu hơn 5.000 loài cây thuốc, dược liệu quý. Tuy nhiên, công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc dược liệu vẫn đang là bài toán lớn đối với ngành y tế các địa phương.
Để rõ hơn về công tác này cũng như những bài học kinh nghiệm từ các địa phương thành công. VietTimes đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - về công tác định danh, truy xuất nguồn gốc dược liệu và định hướng xây dựng sàn thương mại điện tử cho sản phẩm dược liệu trên địa bàn.
Từ sàn thương mại điện tử đến truy xuất nguồn gốc
- Được biết vừa qua, tỉnh Quảng Nam đã đầu tư, xây dựng dựng sàn thương mại điện tử cho Sâm Ngọc Linh nói riêng và dược liệu nói chung. Ông có thể chia sẻ những kỳ vọng của địa phương khi đưa các sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử?
Ông Hồ Quang Bửu: Cây Sâm Ngọc Linh đem lại giá trị rất cao, nhưng hiện nay việc phát triển sản xuất Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh còn rất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết trong công tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nên chưa phát huy được giá trị, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng tại địa phương.
Với định hướng phát triển cây Sâm Ngọc Linh theo hướng liên kết sản xuất, hình thành ngành hàng có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống kinh tế - xã hội cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số... địa phương cần phải triển khai một cách đồng bộ từ việc tổ chức sản xuất, chế biến sản phẩm, xây dựng và phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Đề án “Triển khai thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 2/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” (Quyết định số 2270/QĐ-UBND ngày 20/10/2023) để việc phát triển cây Sâm Ngọc Linh được bền vững, tương xứng với tiềm năng của tỉnh.
- Từ khi đưa sản phẩm dược liệu lên sàn thương mại điện tử, việc nuôi trồng, sản xuất, cũng như tiêu thụ đầu ra của sản phẩm đã có chuyển biến gì thưa ông?
Ông Hồ Quang Bửu: Từ khi đưa sản phẩm dược liệu lên sàn thương mại điện tử, việc nuôi trồng, sản xuất, cũng như tiêu thụ đầu ra của sản phẩm đã có chuyển biến tích cực. Nhiều doanh nghiệp lớn đã quan tâm đầu tư về trồng, phát triển và chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu.
Đây là tín hiệu tích cực để phát triển cây dược liệu nói chung và Sâm Ngọc Linh nói riêng trên địa bàn tỉnh.
- Trong thời gian tới, Quảng Nam sẽ có những định hướng gì cho sản phẩm dược liệu, nhất là vấn đề về nguồn gốc xuất xứ đang là điểm nghẽn của sản phẩm dược liệu?
Ông Hồ Quang Bửu: Về phát triển dược liệu, Quảng Nam đang triển khai nhiều chương trình, đề án của Trung ương và địa phương như: Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; xây dựng Đề án Phát triển và hình thành Trung tâm công nghiệp dược liệu tại tỉnh Quảng Nam với cây Sâm Ngọc Linh là cây chủ lực; đề án “Triển khai thực hiện Quyết định số 611/QĐ-TTg ngày 2/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam”...
Trên cơ sở đó, tỉnh Quảng Nam đã giao các Sở, ngành liên quan xây dựng việc lập hồ sơ quản lý cấp mã số vùng trồng/mã số cơ sở trồng đối với diện tích Sâm Ngọc Linh đủ điều kiện để quản lý, truy xuất nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm theo quy định.
- Vấn đề đưa sản phẩm dược liệu lên sàn thương mại điện tử có ý nghĩa rất quan trọng trong định vị sản phẩm, nhưng cũng kèm theo việc công khai, minh bạch về truy xuất nguồn gốc xuất xứ dược liệu. Vậy Quảng Nam đã làm gì để đảm bảo tiêu chí này thưa ông?
Ông Hồ Quang Bửu: Trong thời gian qua, Quảng Nam cũng đã triển khai nhiều nội dung để thực hiện việc xác định và truy xuất nguồn gốc, điển hình là việc ban hành Quyết định số 3957/QĐ-UBND ngày 9/11/2017 của UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Quảng Nam và Quyết định số 578/QĐ-UBND ngày 05/3/2019 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Quảng Nam.
Trên cơ sở đó, đã có 7 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn được Sở KH&CN cấp Giấy chứng nhận trao quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ, với số lượng 65.205 cây.
Bên cạnh đó, địa phương đã đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam & hình” cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh đã được bảo hộ độc quyền trên lãnh thổ Việt Nam (theo Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số 319665 cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh; giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số 319942 cho các sản phẩm từ Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số GCN 319943 cho các sản phẩm từ sâm; Giấy chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu tập thể “Sâm Ngọc Linh - Quảng Nam, hình” số 319944 cho các sản phẩm từ Sâm.
Bài học phát triển cây dược liệu từ Sâm Ngọc Linh
- Về truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ông có thể chia sẻ những khó khăn trong vấn đề định danh, đảm bảo truy xuất nguồn gốc xuất xứ này khi mà hầu hết các sản phẩm dược liệu được trồng quy mô hộ gia đình, cá thể?
Ông Hồ Quang Bửu: Vấn đề khó khăn trong định danh, đảm bảo truy xuất nguồn gốc chưa phải ở việc sản xuất quy mô hộ gia đình, cá thể mà hiện nay đang còn vướn ở một số vấn đề liên quan đến hành lang pháp lý.
Đó là, Sâm Ngọc Linh nói riêng và các cây dược liệu được trồng, phát triển dưới tán rừng còn vướng một số Điều của Luật Lâm nghiệp. Để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc phát triển sản xuất cây Sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh đã có tờ trình trình Bộ NN&PTNT thống nhất chủ trương cho trồng thí điểm cây Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác dưới tán rừng, nhằm góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ngoài ra, văn bản hướng dẫn quản lý nguồn gốc Sâm Ngọc Linh còn thiếu, phân biệt giữa Sâm Ngọc Linh tự nhiên và Sâm Ngọc Linh nuôi trồng nhân tạo còn chưa rõ ràng, văn bản hướng dẫn chưa cụ thể nên gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, việc tổ chức sản xuất theo hướng liên kết giữa người dân với hợp tác xã và doanh nghiệp sẽ giúp tạo ra các vùng sản xuất tập trung, áp dụng đồng bộ các quy trình trồng, thu hái dược liệu theo các tiêu chuẩn quy định; đảm bảo điều kiện cấp sử dụng chỉ dẫn địa lý, cơ sở trồng, mã số vùng trồng…Trên cơ sở đó, sẽ giúp định danh vùng trồng, thực hiện truy xuất nguồn gốc.
- Vấn đề sâm giả, dược liệu giả, mạo danh đang là vấn đề nhức nhối. Tuy nhiên căn bản vẫn liên quan đến truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ông có thể chia sẻ nội dung này trên cơ sở kinh nghiệm của Quảng Nam đối với sản phẩm sâm Ngọc Linh, nhất là tạo nên thương hiệu từ các phiên chợ sâm đã được Quảng Nam tổ chức thành công suốt thời gian qua?
Ông Hồ Quang Bửu: Sâm Ngọc Linh là một trong những loại sâm quý hiếm nhất thế giới, trong những năm qua, hiệu quả kinh tế đem lại từ việc trồng Sâm Ngọc Linh là khá cao. Công tác bảo vệ, gìn giữ uy tín, thương hiệu Sâm Ngọc Linh có ý nghĩa quyết định để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh và của quốc gia.
Do đó, nếu có việc “mạo danh” Sâm Ngọc Linh đưa vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam không những gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế, giá trị mà sẽ làm mất uy tín, thương hiệu Sâm Ngọc Linh (Sâm Việt Nam - là báu vật quốc gia) trên thị trường trong nước và quốc tế.
Trong thời gian qua, để ngăn chặn tình trạng này, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-UBND ngày 18/9/2017 về tăng cường công tác quản lý chất lượng Sâm Núi Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; công văn số 5723/UBND-KTN ngày 30/8/2021 để quản lý tốt các dự án thuê môi trường rừng trồng Sâm Ngọc Linh và hoạt động trồng, khai thác gắn liền với hoạt động chế biến, kinh doanh Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh.
Địa phương cũng giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, quản lý, thanh tra kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, chế biến, kinh doanh sản phẩm Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các hoạt động “mạo danh” Sâm Ngọc Linh.
Về phía ngành nông nghiệp cũng như địa phương (Nam Trà My), việc mua bán chính thống Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam thông qua các phiên chợ… được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng. Riêng đối với các doanh nghiệp, tổ chức có trồng Sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam, qua các đợt kiểm tra cho thấy chưa có tình trạng đưa giống Sâm Ngọc Linh giả vào trồng. Hơn nữa, công tác chế biến sâu Sâm Ngọc Linh của các tổ chức, doanh nghiệp chỉ mới bước đầu và thực hiện theo đúng quy định…
- Có thể nói Quảng Nam là một trong những địa phương sớm xây dựng định hướng phát triển cây dược liệu nói chung và cây sâm Ngọc Linh nói riêng, ông có thể chia sẻ bài học kinh nghiệm về phát triển diện tích vùng dược liệu nói chung và định hướng khai thác, thị trường hoá những sản phẩm từ dược liệu này thưa ông?
Ông Hồ Quang Bửu: Theo tôi, việc xây dựng các Nghị quyết hay các cơ chế chính sách về công tác bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh nói riêng, các cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất nói chung đều phải xuất phát từ thực tiễn, từ nhu cầu và nguyện vọng của người dân; có như vậy thì các Nghị quyết hay các cơ chế chính sách được người dân đón nhận và áp dụng có hiệu quả vào trong sản xuất, trong cuộc sống.
Riêng đối với công tác bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh, đến nay, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Nghị quyết, Quyết định để các đơn vị, tổ chức và người dân đã và đang áp dụng một cách hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất cây Sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh. Và những cơ chế chính sách này, thực sự đi vào lòng dân và được người dân đồng tình ủng hộ.
Từ việc áp dụng và triển khai thực hiện các cơ chế chính sách khuyến khích bảo tồn, phát triển cây Sâm Ngọc Linh, đến nay các tổ chức, người dân quan tâm đến việc trồng, phát triển diện tích sản xuất cây Sâm Ngọc Linh; đồng thời, người tiêu dùng đã và đang nhận định được giá trị cây Sâm Ngọc Linh đem lại trong việc bồi bổ, nâng cao sức khỏe. Qua đó, bước đầu, thương hiệu Sâm Ngọc Linh đang được xây dựng và phát triển, hiệu quả kinh tế trong việc sản xuất Sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác đã đem lại cho đồng bào, cư dân miền núi là rất lớn.
Tuy nhiên, việc bảo vệ, gìn giữ và phát triển thương hiệu luôn là vấn đề rất khó khăn, phải có sự đồng hành, gắn kết chặt chẽ giữa 4 nhà, sự tâm huyết của người sản xuất cũng như người kinh doanh, buôn bán các sản phẩm chế biến từ Sâm Ngọc Linh và dược liệu…Bên cạnh đó, với tâm huyết đẩy mạnh công nghiệp chế biến Sâm Ngọc Linh, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị; đồng thời, đưa được các sản phẩm Sâm Ngọc Linh đến các nước trên thế giới, hướng đến xuất khẩu, nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế trong sản xuất và đây cũng là nổi trăn trở lớn nhất của bản thân tôi trong công tác chỉ đạo, định hướng phát triển sản xuất.
Mặc dầu, trong thời gian qua sâm Ngọc Linh Quảng Nam có bước chuyển biến tích cực, nhưng cũng chỉ ở giai đoạn mới bắt đầu, tham vọng của lãnh đạo, người dân Quảng Nam là phải đưa Sâm vào cuộc sống và vươn tầm thế giới.