Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền (Bộ Y tế) vừa cập nhật việc thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia phục vụ đoàn giám sát của Quốc hội và bổ sung về nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo đó, đến nay, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đã xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn bổ sung, triển khai thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Chính phủ, Bộ Y tế đã đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thí điểm tại 22 huyện, thuộc 21 tỉnh, bao gồm 18 dự án vùng trồng dược liệu và 4 dự án trung tâm nhân giống.
Hiện Bộ Y tế đã hỗ trợ, bàn giao kết quả nghiên cứu, khảo sát, đánh giá và xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý cho 21/22 huyện nơi triển khai dự án với diện tích được xác định phù hợp phát triển dược liệu dự kiến là 5.147 ha; hỗ trợ xây dựng 21/22 thông báo lựa chọn chủ trì liên kết theo quy định cho 21/22 huyện; 13/22 huyện ban hành thông báo lựa chọn chủ trì liên kết xây dựng phương án phát triển vùng trồng dược liệu quý cho địa phương.
Tuy nhiên, một số địa phương chưa ban hành mẫu hồ sơ trình tự, nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ, phương thức hỗ trợ đối với nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, do nhiều lý do , trong đó có việc không phân bổ được nguồn ngân sách đầu tư.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, trong đó có phát triển vùng dược liệu quý, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và các địa phương liên quan để lựa chọn một số dự án về đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, để tập trung hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện điểm tại một số địa phương có điều kiện phù hợp.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn về việc đề xuất lựa chọn dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý để tập trung hướng dẫn, thực hiện điểm tại địa phương gửi 21 tỉnh triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý.
Đến nay, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền đã tổng hợp được 8 địa phương đề xuất xây dựng mô hình điểm cho nội dung đầu tư hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, gồm: Quảng Ngãi, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Tuyên Quang, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Trà Vinh.
13/21 địa phương đã thông báo lựa chọn chủ trì liên kết để triển khai nội dung đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, như Vị Xuyên, Hoàng Su Phì (Hà Giang); Na Hang (Tuyên Quang); Sapa (Lào Cai); Mường Tè (Lai Châu); Vân Hồ (Sơn La); A Lưới (Thừa Thiên Huế); ĐăkGlong (ĐăkNong); Ba Bể (Bắc Kạn); Trà Bồng (Quảng Ngãi); Nam Trà My (Quảng Nam), Bắc Ái (Ninh Thuận), Trà Cú (Trà Vinh);=.
14/21 địa phương đã ban hành mẫu hồ sơ, trình tự thủ tục để phê duyệt dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý, bao gồm: Vị Xuyên, Hoàng Su Phì (Hà Giang); Trà Bồng (Quảng Ngãi); Vân Hồ (Sơn La); Đà Bắc (Hòa Bình); ĐăkGlong (ĐăkNong); Nam Trà My (Quảng Nam); Tuần Giáo (Điện Biên); Mường Tè (Lai Châu); Sapa (Lào Cai); Trà Cú (Trà Vinh); Ba Bể (Bắc Kạn); A Lưới (Thừa Thiên Huế); Bắc Ái (Ninh Thuận).
Theo Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, hiện một số địa phương gặp khó khăn khi triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia, do nhiều xã đã thoát nghèo, không còn đáp ứng theo tiêu chí của Chương trình là vùng đặc biệt khó khăn, nên địa phương đang lúng túng trong việc áp dụng các quy định để lựa chọn địa điểm để triển khai dự án.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn địa điểm, lựa chọn cây dược liệu phù hợp, doanh nghiệp tham gia vào dự án phụ thuộc chủ yếu vào chính quyền địa phương nơi triển khai dự án, nên việc triển khai phát triển vùng trồng dược liệu quý chưa phát triển như mong đợi.