Chỉ là nhận định cá nhân
Tại cuộc họp báo của chính quyền tỉnh Quảng Đông diễn ra hôm 18/2, Viện sĩ Chung Nam Sơn, người đứng đầu nhóm chuyên gia cấp cao của Ủy ban Y tế và Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đã công bố một số thông tin liên quan đến đặc tính của COVID-19 ở Trung Quốc. Trong đó, vấn đề lan truyền, phát tán của loại virus Corona chủng mới đang được dư luận đặc biệt quan tâm.
Theo đó, ngoài việc lây lan theo con đường tiếp xúc, dịch nhờn từ người bệnh thì virus được cho là tồn tại trong phân người và có thể lây truyền qua con đường nước thải và phát tán trong không khí khi gió thổi virus từ phân khô đến những nơi khác nhau, vì vậy theo khuyến cáo của vị này, các ống cống phải được đảm bảo thông suốt. Bên cạnh đó còn có thể lan truyền qua không khí và khí dung giao (aerosol) khiến người hít phải có thể gây nên lây nhiễm.
Để rõ hơn những nội dung này, sáng 20/2, VietTimes đã có cuộc phỏng vấn đối với bác sĩ Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Bệnh viện Đà Nẵng. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Trung, chúng ta cần xem xét lại nhận định này, không nên chỉ từ một vài trường hợp rồi kết luận. Còn muốn kết luận thì cần phải có nghiên cứu, bằng chứng.
“Theo tôi, thông tin đó chỉ là nhận định của bác sĩ người Trung Quốc mà thôi và ghi nhận ở tỷ lệ rất thấp. Hơn nữa, thông tin này chưa công bố chính thức nên khó có thể đánh giá được nguy cơ này.
Hơn nữa, nhận định của vị bác sĩ này đưa ra khi thấy Acid Nucleic có trong phân người nên mới nhận định như vậy, còn nếu muốn đưa ra kết luận thì phải có nghiên cứu bằng chứng khoa học cụ thể. Trong khi đây chỉ là ghi nhận một vài trường hợp chưa rõ ràng thì không thể đánh giá cũng như kết luận được” - bác sĩ Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Thành Trung - Phó Giám đốc, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Bệnh viện Đà Nẵng
|
Đối với vấn đề khí hậu, thời tiết khiến khả năng phát tán lây lan cao, bác sĩ Nguyễn Thành Trung cho biết thêm: “Với chủng mới của virus Corona, tôi chưa dám khẳng định vì chưa có nghiên cứu. Tuy nhiên, tất các các chủng virus cũ thì nhiệt độ càng cao sẽ khiến virus bị tiêu diệt càng nhanh, nhiệt độ cao sẽ làm ngắn thời gian sống của virus ngoài không khí”.
“Quay lại vấn đề phán tán lây nhiễm qua đường tiêu hóa, phân thải là rất thấp và rất khó có thể lây nhiễm qua, vì khi ra môi trường, vòng đời của virus không cao và sẽ chết khá nhanh. Để bị lây nhiễm thì phải tiếp xúc với phân giải tiêu hóa đó, nhưng đó là với tỷ lệ thấp nên không đáng lo ngại. Điều cần là người dân nên giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, sinh hoạt vệ sinh sẽ góp phần phòng tránh được nhiều bệnh chứ không chỉ riêng COVID-19.
Riêng đối với khí dung giao (Aerosol), khí dung dòng bắn, sương thì có nguy cơ như khi người bệnh phát tán qua hắt hơi, tiếp xúc trực tiếp với dịch giải, nên vấn đề đó không mới” - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Bệnh viện Đà Nẵng chia sẻ.
Đây chỉ là giả thiết!
Còn bác sĩ Lê Thành Phúc – Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, nơi đầu tiên tiếp nhận ca bệnh nghi nhiễm COVID-19 ở Đà Nẵng thì cho rằng: “Thật sự chúng ta hiểu rất ít về virus, nhất là những loại virus chủng mới, nên người ta sẽ phải đưa ra tất cả các yếu tố dẫn đến nguy cơ lây nhiễm”.
“Một ví dụ đơn cử như ở Hong Kong, người ta đưa ra một trường hợp gọi là ống thông khí giữa 2 tòa nhà khi ghi nhận giữa 2 tòa nhà có 2 người bị nhiễm. Và họ đặt vấn đề là liệu virus có lây nhiễm qua ống thông khí hay không, lây qua ống khói hay không là như vậy. Quay lại nhận định virus lây nhiễm qua đường phân giải, và nếu qua đường phân thì sẽ theo qua đường nước thải…
"Tất cả các thông tin đó là những dự đoán, suy đoán có hay không như trường hợp ống thông khí giữa 2 tòa nhà, chứ không phải đó là đường lây nhiễm. Và cho đến hiện tại, chưa có bất cứ nghiên cứu nào khẳng định đường lây nhiễm là qua đường phân, nước thải hay ống thông không khí để kết luận.
"Chúng ta phải hiểu rằng, trong tất cả các bệnh phẩm chứa chủng virus đều có nguy cơ lây nhiễm, do virus này sẽ bám vào bề mặt tế bào rất mạnh, khả năng xâm lấn rất cao, cao hơn cả SARS và chủng virus Corona cũ. Nên bất cứ môi trường nào có bệnh phẩm chứa virus thì có thể bị lây nhiễm.
Ở đây tôi nói là có thể lây nhiễm nếu anh đụng vào mẫu bệnh phẩm này, tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể. Còn virus này sống trong môi trường như thế nào, nhiệt độ ra sao, độ ẩm bao nhiêu,… thì thật sự chúng ta chưa có một nghiên cứu đầy đủ nào. Nếu có thì chỉ mới có của những chủng cùng loại tương đồng” – Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chia sẻ.
Bác sĩ Lê Thành Phúc cho biết thêm: “Nói đến đây để thấy, mọi đường lây nhiễm đều có thể xảy ra, chính vì vậy mới đưa ra tất cả các khả năng có thể. Nên nói lại một lần nữa, mọi đường lây nhiễm đều có thể xảy ra, nhưng đây chỉ là giả thiết. Còn lây nhiễm gần nhất là khi chúng ta tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus Corona chủng mới vì họ trong cơ thể họ có nhiều virus này, và điều này thực tế đã chứng minh cho các ca nhiễm ở Việt Nam.
Bác sĩ Lê Thành Phúc – Giám đốc Bệnh viện Phổi Đà Nẵng (ảnh TP)
|
Quay trở lại với COVID-19, hiện chúng ta đang hiểu biết về loại virus này rất thấp. Ví dụ như virus này sẽ tồn tại bao nhiêu ngày nữa, nó có thể trở thành dịch cúm thông thường hay không, hay là vẫn áp đúng nhiều biện pháp phòng chống. Rồi khả năng tàn phá của virus này ra sao, độc lực thế nào,… điều này chúng ta vẫn chưa có kết luận cụ thể.
"Đâu đó vẫn đưa tin bệnh nhân mới 30 tuổi cũng chết vì COVID-19, bác sĩ cũng chết, vận động viên thể hình cũng chết,… nhưng cũng có những ca đã được chữa lành. Như vậy để nói độc lực của virus ra sao, thể trạng vật chủ thế nào, số lượng virus bao nhiêu,… sẽ bị lây nhiễm, phát bệnh và gây tử vong. Nên nói nhận định của vị viện sĩ người Trung Quốc ấy đưa ra như thế nào thì theo tôi, tất cả cũng chỉ là giả thuyết và bản thân tôi cũng không thể nói gì thêm”.
Liên quan đến môi trường sống của virus, bác sĩ Lê Thành Phúc đồng quan điểm với bác sĩ đồng nghiệp ở Bệnh viện Đà Nẵng khi cho rằng, virus Corona chủng mới không thể sống trong môi trường nhiệt độ cao, môi trường thông thoáng, được sát khuẩn diệt trùng, nên cần nhất là mọi người phải giữ cho môi trường sống luôn sạch sẽ, vệ sinh, thông thoáng, khô ráo, ấm áp…
“Còn ở bệnh viện khi điều trị những ca nhiễm bệnh thì gần như nguy cơ phát tán mầm bệnh ra môi trường sẽ không có. Đó là do công tác khử trùng tại bệnh viện luôn được thực hiện liên tục, nhất là khu điều trị cách ly. Hơn nữa, hầu hết các bệnh viện đều có hệ thống xử lý nước thải y tế trước khi xả ra ngoài nên nhận định này không đáng lo ngại” – bác sĩ Lê Thành Phúc nhấn mạnh.
Tính đến 8h sáng ngày 21/2, Đà Nẵng tiếp tục không ghi nhận thêm ca nghi nhiễm COVID-19 mới Tính lũy kế đến sáng cùng ngày, Đà Nẵng đã theo dõi cách ly 155 người nghi nhiễm COVID-19 (122 người Việt Nam, 33 người nước ngoài); hiện đã cho ra viện 155 trường hợp. Trong ngày 20/2, Bệnh viện Phổi đã cho xuất viện 2 trường hợp cuối cùng đang điều trị tại Bệnh viện này (1 người Việt Nam, 1 người nước ngoài) với tình trạng sức khỏe ổn định. Tổng cộng có 116 mẫu xét nghiệm âm tính với COVID-19, chưa có ca dương tính; tiếp tục giám sát tại cộng đồng 7 trường hợp, tất cả đều có sức khỏe bình thường. Trong 2 ngày 19/2 và 20/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã giám sát 100 tàu bay và 3 tàu biển, với 6.952 người nhập cảnh, trong đó, có 630 người khai báo y tế. |