PGS- TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi) cho biết, trời lạnh các loại virus rất dễ phát triển, đặc biệt là virus gây bệnh đường hô hấp và tiêu chảy. Trẻ em có sức đề kháng kém, hệ hô hấp chưa hoàn chỉnh nên rất dễ bị virus hô hấp xâm nhập. Bệnh cũng lây truyền qua đường miệng, nước bọt, dính qua đồ chơi, đồ dùng ăn uống. Vì thế, một trẻ bị bệnh khi đi trẻ cũng dễ lây ra các bạn khác.
Các bệnh do virus gây ra có thể là viêm phế quản, viêm phổi ở mức độ từ nặng đến nhẹ. Ngoài ra, trời lạnh, bố mẹ cũng có xu hướng “ủ” con quá kỹ, trong khi trẻ nghịch ngợm dễ đổ mồ hôi hoặc ra mồ hôi trộm khi ngủ. Lúc đó, quần áo lại bị ướt, gây lạnh đột ngột, trẻ dễ bị viêm phổi, viêm phế quản hơn.
Theo TS Dũng, bệnh viêm phế quản thường gặp ở trẻ nhỏ, dưới 6 tháng tuổi. Còn trẻ dưới 1 tháng càng dễ bị viêm phổi hơn. Do đó, những ngày lạnh cha mẹ không nên “quá sạch” khi tắm táp cho trẻ thường xuyên. Nên dùng khăn ấm, vải mềm lau từng phần cơ thể cho trẻ thì tốt hơn, lau đến đâu lại mặc quần áo kín đến đó.
Khi lau cũng nên để trẻ ở nơi kín gió, có hệ thống sưởi để giữ ấm. Trẻ nhỏ nên hạn chế ra đường còn nếu phải ra đường thì cha mẹ nên giữ ấm đầu, tai, mũi, chân, tay cho trẻ. Cha mẹ cũng cần cho trẻ ăn các thức ăn mềm, đủ dinh dưỡng, hoa quả để tăng cường sức đề khánh của trẻ. Chú ý cho trẻ rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh nhà cửa thoáng đãng.
“Khi trẻ bị ho, chảy nước mũi thì cha mẹ không nên chủ quan cho rằng con chỉ cúm nhẹ. Vì trẻ dưới 1 tuổi khi bị viêm phổi ít có các biểu hiện cấp tính như sốt cao, thở mạnh, ho nhiều nên cha mẹ thường không phát hiện ra. Vì thế, nếu trẻ có các biểu hiện ho, sốt, chảy nước mũi, mệt mỏi thì nên đưa con đi khám để được điều trị kịp thời” - TS Dũng khuyến cáo.