Ba năm chỉ thoái vốn nhà nước được 37% kế hoạch

Theo chỉ đạo của Chính phủ đến hết năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn ngoài ngành. Tuy nhiên, tính từ năm 2012 đến cuối tháng 10 năm nay, các doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành 37% kế hoạch tại các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng…
Số DNNN  hoàn tât quá trình CPH đúng kế hoạch 2012-2014 như Vietnam Airlines là rất ít.  Ảnh:TL
Số DNNN hoàn tât quá trình CPH đúng kế hoạch 2012-2014 như Vietnam Airlines là rất ít. Ảnh:TL

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp trung ương tại Hội nghị trực tuyến về đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang diễn ra tại Hà Nội chiều 13-11. 

Trong 10 tháng đầu năm nay, DNNN thoái được 9.152 tỉ đồng vốn gốc, thu về 13.767 tỉ đồng, bằng 1,5 lần giá trị sổ sách. Trong đó, lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng thoái 4.418 tỉ đồng vốn gốc, thu về gần 5.000 tỉ đồng.

Lũy kế từ năm 2012 đến 28-10-2015, DNNN thoái được 16.450 tỉ đồng vốn gốc, thu về 22.870 tỉ đồng. Trong số này, riêng trong lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tài chính, bảo hiểm, ngân hàng thoái được 8.704 tỉ đồng trong tổng số 23.325 tỉ đồng phải thoái, tương đương 37% kế hoạch.

Trong khi đó kế hoạch mà Chính phủ đã đặt ra là đến hết năm 2015, các tập đoàn tổng công ty phải hoàn tất việc thoái vốn ngoài ngành.

Vẫn theo Ban chỉ đạo đổi mới, một số cơ chế chính sách để giải quyết những khúc mắc trong việc thoái vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành kinh doanh chính đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt nhưng vẫn chưa được các bộ trình để ban hành kịp thời, chưa giải quyết dứt điểm, ví dụ như cơ chế thoái vốn dưới mệnh giá.

Mặt khác, những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán đã ảnh hưởng đến việc bán cổ phần nhà nước, thoái vốn nhà nước. Tuy nhiên, nhiều lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản cũng đã có sự phục hồi đáng kể trong vòng một năm qua.

Về cổ phần hóa (CPH) DNNN, sau 10 tháng đầu năm đã có 175 doanh nghiệp được sắp xếp. Trong số này có 159 doanh nghiệp được phê duyệt phương án CPH.

Còn tính từ khi bắt đầu thực hiện CPH là năm 2011 đến nay, cả nước đã sắp xếp được 471 DNNN, trong đó CPH được 408 doanh nghiệp (bằng 79,37% tổng số doanh nghiệp CPH).

Nếu thực sự làm quyết liệt, năm 2015 dự kiến sẽ CPH được 210 doanh nghiệp. Con số này không hoàn tất mục tiêu đề ra là hoàn tất CPH 289 doanh nghiệp trong năm nay. Còn tính lũy kế cả 4 năm thì mục tiêu CPH mới đạt 90% kế hoạch.

Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do một số bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thực sự tập trung vào mục tiêu CPH và triển khai phương án CPH đã được phê duyệt. Thậm chí có nơi còn né tránh tiến trình này vì e ngại CPH sẽ làm mất ghế lãnh đạo doanh nghiệp.

Mặt khác, tiến trình bán cổ phần lần đầu (IPO) ở các doanh nghiệp không phải lúc nào cũng thuận lợi do chất lượng “món hàng”. Tính bình quân 10 tháng qua, số cổ phiếu IPO bán được chỉ đạt 38% tổng số cổ phần chào bán.

Thậm chí, có địa phương hoặc bộ ngành tính từ đầu năm đến nay không CPH được bất cứ doanh nghiệp nào, trong đó có Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Thông tin-Truyền thông hay các tỉnh Nam Định, Bình Dương, Tiền Giang… Có bộ như Bộ Công Thương từ đầu năm mới CPH, sắp xếp được 2/12 doanh nghiệp, TPHCM được 6/21 doanh nghiệp.

Theo TBKTSG