Vụ bắt giữ và Mạnh Vãn Chu có thể gây nên cuộc khủng hoảng cho Huawei. |
Tại sao Canada lại bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu?
Theo Đông Phương, sự kiện Mạnh Vãn Chu bị bắt gây sự chú ý cao trong cộng đồng quốc tế; nhất là vì sao Canada lại bắt giữ công dân của nước thứ 3 không vi phạm pháp luật nước mình theo yêu cầu của Mỹ? Vấn đề được giải thích: Mỹ và Canada có ký hiệp định hợp tác tư pháp song phương, vì vậy Canada có thể tạm giữ bà Chu, nhưng tòa án căn cứ trình tự tư pháp địa phương để quyết định có cho phép dẫn độ bà sang Mỹ hay không.
Theo Đông Phương, một luật sư Mỹ khi trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc cho biết, tuy cảnh sát Canada có thể căn cứ hiệp định hợp tác tư pháp để bắt giữ đương sự hữu quan theo yêu cầu của Mỹ, nhưng không nhất định phải đáp ứng yêu cầu dẫn độ. Trong quá trình nghe điều trần bảo lãnh, tòa án sẽ xem xét ý kiến cáo buộc của Mỹ và biện hộ của luật sư của bà Chu cùng phán đoán pháp luật địa phương để quyết định cho phép dẫn độ hay bảo lãnh.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm 6.12 khi dự một cuộc hội thảo về công nghệ ở Montreal đã cho rằng, cơ quan tư pháp Canada quyết định bắt giữ Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu phía Mỹ, không có bất cứ động cơ chính trị nào phía sau. Ông nhấn mạnh, việc bắt giữ bà Chu không liên quan gì đến chính phủ Canada, chính phủ cũng chỉ được thông báo trước mấy ngày. Ngoài ra, ông từ chối đưa ra bình luận về vụ việc.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau: việc bắt giữ bà Chu không liên quan gì đến chính phủ Canada.
|
Có ý kiến cho rằng, việc Mỹ căn cứ luật đơn phương trừng phạt Iran của mình để yêu cầu bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu là không ổn vì đây chỉ là luật của nội bộ nước Mỹ chứ không phải luật quốc tế. Tuy nhiên, Huawei triển khai nghiệp vụ ở Mỹ, chịu sự giám quản của pháp luật Mỹ; căn cứ luật về trừng phạt Iran, cấm cả những người không phải công dân Mỹ xuất khẩu hàng hóa, công nghệ và dịch vụ cho chính phủ Iran, nếu không được ủy quyền.
Ngoài ra, theo Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) - cơ quan phụ trách thực thi trừng phát mậu dịch với Iran thì việc vi phạm chế tài bị coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và quan hệ ngoại giao. Nếu cấu thành tội danh vi phạm lệnh chế tài thì bà Mạnh Vãn Chu có thể đối mặt với án phạt 30 năm tù và mức phạt 20 triệu USD.
Vụ nổ nguyên tử đối với Huawei, ảnh hưởng lớn đến đàm phán mậu dịch
Tờ Liên hợp báo cho rằng, đối với Huawei, nếu tội danh của bà Chu được thành lập thì ảnh hưởng đối với công ty này được ví như “vụ nổ bom nguyên tử”. Căn cứ báo cáo tài chính, năm 2017 kim ngạch tiêu thụ sản phẩm của Huawei là 92,1 tỷ USD hoặc 630,8 tỷ NDT, trong khi của ZTE là 108,8 tỷ NDT. Nếu bị chính phủ Mỹ trừng phạt cấm bán chip thì sẽ gây nên chấn động toàn cầu.
Nếu tội danh của bà Mạnh Vãn Chu được thành lập thì thiệt hại đối với Huawei sẽ lớn đến mức được ví như là "vụ nổ bom nguyên tử".
|
Theo điều tra thị trường, thiết bị trạm máy chủ của Huawei chiếm 30% - 35% thị trường toàn cầu, thiết bị truyền dẫn quang chiếm 40% - 45%. Huawei là hãng cung ứng lớn nhất thế giới về cả hai loại mặt hàng trên. Còn thiết bị trạm máy chủ và truyền dẫn quang của Trung Quốc thì chiếm khoảng 40% và 70% thị trường toàn cầu. Nếu Huawei bị chính phủ Mỹ trừng phạt cấm bán chip thì ảnh hưởng sẽ vô cùng lớn, toàn bộ chuỗi cung ứng liên quan đến Huawei cũng bị vạ lây.
Cũng theo Liên Hợp báo, việc yêu cầu Canada bắt giữ Mạnh Vãn Chu khi bà quá cảnh nước này có thể coi là đòn “sét đánh không kịp bịt tai”, là bước tiếp theo của chiến tranh thương mại và nguy cơ chính trị của việc các công ty công nghệ Trung Quốc phát triển quá nhanh. Hành động này của Mỹ không chỉ phản chế việc Trung Quốc tiến hành thẩm thấu về an ninh quốc gia ở các nước, mà còn nhằm vào việc Trung Quốc tích cực phát triển và ứng dụng công nghệ 5G, đánh phá mục tiêu chiến lược “Made in China 2025” của Trung Quốc.
Đông Phương cho biết, Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton thừa nhận đã biết trước hành động bắt giữ này qua thông báo của Bộ Tư pháp, biết Canada sẽ ra tay bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, nhưng không rõ Tổng thống Donald Trump có biết trước hay không. Ông nói những hành động kiểu này hay xảy ra, không phải lần nào cũng thông báo cho tổng thống. Bolton gọi đây là hành động tư pháp và từ chối bình luận. Tuy nhiên, theo ông, Mỹ nhiều năm nay theo dõi Huawei và các công ty Trung Quốc lợi dụng bản quyền sở hữu trí tuệ lấy cắp được của Mỹ và hoạt động cưỡng bức chuyển nhượng công nghệ. Còn chính phủ Trung Quốc thì lâu nay đã lợi dụng các công ty Mỹ về lĩnh vực công nghệ thông tin.
Do thời điểm bắt giữ Mạnh Vãn Chu nhạy cảm nên giới bình luận quốc tế đều gắn sự kiện này với cuộc chiến mậu dịch Mỹ - Trung. Đài CNN dẫn lời một quan chức chính phủ nói, Mỹ coi sự kiện này có lợi cho Mỹ trong cuộc đàm phán mậu dịch. Thế nhưng ông Navarro nói Bộ Tư pháp hành động độc lập, việc bắt giữ bà Chu không liên quan đến đàm phán mậu dịch.
Đêm khuya ngày 6.12, Huawei đã công bố thư ngỏ, phê phán chính phủ Mỹ lợi dụng mọi thủ đoạn gây sức ép với các công ty thương mại, là cách làm đi ngược lại tinh thần kinh tế tự do và cạnh tranh công bằng và nhấn mạnh Huawei sẽ không thay đổi quan hệ hợp tác với các đối tác trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Thư ngỏ cũng nhấn mạnh, Huawei khi triển khai nghiệp vụ trên toàn cầu đều tuân thủ các pháp luật, pháp quy liên quan. Đến lúc này (khi bức thư được đưa ra) vẫn không biết bà Mạnh Vãn Chu có hành vi gì không phù hợp.
The Wall Street Journal cho rằng bà Mạnh Vãn Chu và Huawei đã giao dịch ngầm với Iran thông qua Ngân hàng HSBC.
|
Tiết lộ về vi phạm của Huawei
Theo The Wall Street Journal, từ năm 2016, Bộ Tư pháp Mỹ đã điều tra nghiệp vụ Iran của Huawei, gần đây đã phát hiện ra Huawei có giao dịch vi phạm với Iran thông qua Ngân hàng Hồng Kông và Thượng Hải (HSBC). Năm 2012, HSBC đã bị Mỹ khởi tố vì vi phạm Luật chế tài và rửa tiền, sau đó đã phải nộp phạt 1 tỷ 920 triệu USD để đạt được hiệp nghị tạm hoãn khởi tố 5 năm, trong thời gian này họ chịu sự giám sát của Công ty cố vấn Exiger do Bộ Tư pháp ủy nhiệm. Sau khi Exiger phát hiện ra giao dịch khả nghi trong tài khoản của Huawei đã thông báo cho Viện công tố liên bang khu Đông New York biết.
The Wall Street Journal viết, HSBC là một trong số các ngân hàng có quan hệ làm ăn với Huawei, nhưng không phải là đối tượng điều tra trong vụ án này và họ đã hợp tác với các nhân viên điều tra. Ngoài Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại và Văn phòng quản lý tài sản nước ngoài của Bộ Tài chính (OFAC) cũng gửi giấy triệu tập tới Huawei liên quan đến vấn đề chế tài. Nếu Huawei quả thật đã vi phạm chế tài, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cho Iran thì có thể cấu thành tội lừa đảo ngân hàng. Cả HSBC, Huawei lẫn Viện công tố liên bang khu Đông New York đều từ chối bình luận về tin này.
Bà Mạnh Vãn Chu bị nghi ngờ có hai quốc tịch Trung Quốc và Canada.
|
Nghi án bà Mạnh Vãn Chu có hai quốc tịch
Về phía Trung Quốc, sau khi lên tiếng phản ứng mạnh mẽ về vụ bắt giữ, ngày 7.12, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại tuyên bố tại cuộc họp báo: cho đến giờ, cả Mỹ lẫn Canada đều chưa cung cấp cho Trung Quốc bất cứ chứng cứ gì về việc bà Mạnh Vãn Chu vi phạm pháp luật hai nước. Ông cũng phủ nhận việc Trung Quốc áp dụng biện pháp trả đũa bằng cách bắt giữ quan chức cao cấp của công ty Mỹ tại Trung Quốc. Tại cuộc họp báo, khi có phóng viên hỏi về tin đồn bà Chu trên mạng xuất hiện thông tin bà Mạnh Vãn Chu nhập cảnh Canada bằng hộ chiếu nước này và liệu có phải bà có hai quốc tịch? Ông Cảnh Sảng trả lời “Tôi không thể thảo luận về tình tiết cụ thể của vụ án tại đây” và nói, theo luật quốc tịch Trung Quốc thì Mạnh Vãn Chu là công dân Trung Quốc.
Trong khi đó nhiều người sử dụng internet khi thảo luận đã cho rằng chắc chắn bà Mạnh Vãn Chu có tư cách công dân Canada thì chính phủ nước này mới bắt giữ bà khi quá cảnh ở sân bay Vancouver như thế.