Ông Donald Trump bất ngờ cứng rắn trở lại
Cuộc chiến mậu dịch đã tạm thời “hưu chiến”, nhưng tranh cãi thì vẫn diễn ra. Theo Epoch Times, hôm 4.12, ông Trump đột nhiên khiến mọi người chú ý khi khẳng định lại sự ủng hộ của ông đối với việc đánh thuế khi viết trên trang Twitter “I am a Tariff Man”(Tôi là người (thích) thuế quan) đặt giữa nội dung đanh thép cho rằng cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc chưa kết thúc. Ông viết: “Cuộc đàm phán với Trung Quốc đã bắt đầu. Nếu không được kéo dài, thì đàm phán sẽ kết thúc sau 90 ngày kể từ khi tôi có bữa tối tuyệt vời và thân mật với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình ở Argentina.
Ông Bob Lighthizer sẽ làm việc cùng Steve Mnuchin, Larry Kudlow, Wilbur Ross và Peter Navarro để xem liệu có khả năng đạt được một thỏa thuận ĐÍCH THỰC với Trung Quốc hay không.
Trung Quốc sẽ bắt đầu mua sản phẩm nông nghiệp của Mỹ ngay lập tức. Chủ tịch Tập và tôi muốn thỏa thuận này được triển khai, và nó sẽ được triển khai. Nhưng nếu không suôn sẻ, hãy nhớ rằng Tôi là Người Thuế quan.
Khi các quốc gia trên thế giới tìm cách trục lợi đối với nước Mỹ, tôi muốn họ phải trả giá. Đó luôn là cách tốt nhất để tối ưu sức mạnh kinh tế của chúng ta. Tôi đang nói tới thuế quan trị giá hàng tỉ USD. HÃY ĐƯA NƯỚC MỸ GIÀU CÓ TRỞ LẠI”...
Những lời lẽ cứng rắn bất ngờ của ông Donald Trump khi nói về thực hiện các thỏa thuân tại cuộc gặp gỡ.
|
Hội đàm Buenos Aires khiến nội bộ Nhà Trắng lục đục
Theo Trang tin Đa Chiều, sau khi từ Buenos Aires trở về, đội ngũ Nhà Trắng từ Tổng thống Donald Trump đến các thành viên tham dự cuộc hội đàm đều liên tiếp phát biểu ý kiến, nhưng không có được giọng điệu thống nhất. Đồng thời, sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, vòng đấu đá nội bộ mới trong Nhà Trắng đã bắt đầu. Xét về tình hình hiện nay, cuộc đàm phán Mỹ - Trung đã bị cuốn vào vấn đề nội bộ Nhà Trắng.
Hôm 3.12, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế - mậu dịch Nhà Trắng Peter Navarro trong khi trả lời phỏng vấn đã tiết lộ, sắp tới quan chức Nhà Trắng chủ đạo cuộc đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung sẽ là Đại diện thương mại Robert Lighthizer chứ không phải Bộ trưởng thương mại Steven Mnuchin - người được coi là người thuộc phái ôn hòa, rằng Tổng thống Donald Trump đã nói rõ sự sắp xếp nhân sự này với ông Tập Cận Bình. Ông Navarro còn nhấn mạnh, Robert Lighthizer là đại biểu đàm phán khó ứng phó nhất ở Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ: “Ông ấy sẽ tiếp tục đàm phán một cách có căn cứ về hạ thấp thuế quan, gỡ bỏ rào cản phi thuế quan và kết thúc mọi vấn đề có tính kết cấu ngăn cản chúng ta vào thị trường Trung Quốc”. Navarro cho rằng, phía Mỹ hoàn toàn không thỏa hiệp trong cuộc hội đàm và tiếp tục nói những lời lẽ cứng rắn vốn có với Trung Quốc.
Đáng chú ý là, trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao G20, những lời lẽ của ông Peter Navarro đã bị Cố vấn kinh tế Larry Kudlow phê phán “không thể đại diện cho Tổng thống Donald Trump, không được Nhà Trắng ủy quyền”, thậm chí còn lan truyền tin nói ông Peter Navarro không được tham dự vào cuộc gặp gỡ với Tập Cận Bình. Thế nhưng cuối cùng ông Navarro vẫn có mặt, nguyên nhân do Đại diện thương mại Robert Lighthizer đã yêu cầu đích danh ông tham gia.
Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow, người chủ trì việc móc nối cho cuộc gặp gỡ Donald Trump – Tập Cận Bình hôm 3.12 khi trả lời về thời gian bắt đầu được tính cho 90 ngày “hưu chiến” để đàm phán đã nói bắt đầu từ ngày 1.1.2019, nhưng Nhà Trắng ngay sau đó đã cải chính: thời hạn 90 ngày được bắt đầu tính ngay sau khi kết thúc cuộc hội đàm, tức 1.12.2018.
Về vấn đề Trung Quốc đánh thuế đối với xe hơi nhập từ Mỹ, ông Donald Trump nói, Trung Quốc đã đồng ý “hạ thấp hoặc miễn”, còn khi được truy hỏi kỹ về các chi tiết thì các thành viên Nhà Trắng nói mỗi người một phách. Larry Kudlow nói: “Chúng tôi chưa có thỏa thuận cụ thể, nhưng chúng ta kỳ vọng thuế suất giảm xuống 0%”. Còn Steven Mnuchin thì vừa cho rằng Trung Quốc cần giảm thấp mức thuế, thậm chí không đánh thuế, vừa nói “thuế xe hơi chỉ là một trong nhiều loại thuế cần hạ xuống”.
Ông Robert Lighthizer - người được cho là có thái độ cứng rắn với Trung Quốc sẽ dẫn đầu đoàn đàm phán mậu dịch sắp tới với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc.
|
Hai ông Larry Kudlow và Steven Mnuchin có thái độ ôn hòa hơn với Trung Quốc không hề nói đến việc Robert Lighthizer sẽ thế chỗ Steven Mnuchin trong việc đàm phán với Trung Quốc, mà lại nhấn mạnh ông Trump mới là người quyết sách cuối cùng trong cuộc đàm phán. Hai ông trong khi trả lời phỏng vấn đều nói, cuộc đàm phán Mỹ - Trung sắp tới “có tính bao dung”, ám chỉ hai ông vẫn phát huy tác dụng trong đàm phán.
Kịch tính nhất là Jared Kushner, Cố vấn Nhà Trắng, con rể ông Trump, người có lập trường tương đồng Mnuchin, ủng hộ chủ trương của phái ôn hòa lại chính là người đứng sau việc tiến cử ông Robert Lighthizer làm người chủ đạo đàm phán mậu dịch Mỹ - Trung. Nhiều cơ quan truyền thông Mỹ đã viết, Kushner đã nhiều lần tiến cử Robert Lighthizer với nhạc phụ.
Người ta có thể dễ dàng truy ra dấu vết việc thay đổi lập trường của Jared Kushner. Trong quá trình đàm phán về Hiệp định mậu dịch tự do Mỹ - Mexico – Canada (USMCA), Robert Lighthizer và Jared Kushner đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác rất tốt. Hội nghị G20 đã chứng kiến việc lãnh đạo 3 nước ký USMCA và cũng chứng kiến Tổng thống Mexico Enrique Nieto trao tặng ông Jared Kushner Huân chương Aztec Eagle để biểu dương công trạng của ông. Robert Lighthizer – người chủ đạo đàm phán hiệp nghị này đã nhiều lần ca ngợi Jared Kushner, nói: nếu không có vị cố vấn trẻ này thì sẽ không có USMCA.
Trong lúc các thành viên Nhà Trắng mỗi người nói một phách thì hôm 3.12, ông Donald Trump bày tỏ trên Twitter: chỉ có ông và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mới mang lại được sự thay đổi lớn lao và tích cực, dù là về mậu dịch Mỹ - Trung hay các vấn đề khác.
Sau khi bầu cử giữa nhiệm kỳ, trước cục diện hai đảng chia nhau kiểm soát lưỡng viện, ông Donald Trump đã bắt tay vào việc điều chỉnh nhân sự Nhà Trắng. Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions đã từ chức, Bộ trưởng thương mại Wilbur Ross - người vắng mặt tại cuộc hội đàm Trump - Tập rất có thể cũng sẽ rời khỏi Nhà Trắng. Trong cuộc điều chỉnh lần này, e rằng Nhà Trắng lại diễn ra vòng đấu đá mới, rõ ràng ông Trump đang cân nhắc xem ai được ông tín nhiệm hơn.
Những bất đồng giữa hai bên về kết quả cuộc hội đàm
Sau cuộc hội đàm kéo dài 150 phút, do không có tuyên bố chung hay họp báo chung, hai bên tự thông báo về kết quả và đã bộc lộ bất đồng lớn về nội dung thỏa thuận đạt được. Phía Mỹ nói: hai bên tạm thời “ngừng chiến”, sẽ triển khai đàm phán trong 90 ngày để đạt được một bản hiệp nghị, nếu không thành Mỹ sẽ nâng mức trừng phạt đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc bằng việc tăng thuế suất từ 10% lên 25%. Bắc Kinh cũng đồng ý hạ thấp hoặc miễn mức thuế 40% hiện đang áp dụng đối với xe hơi nhập từ Mỹ và “ngay lập tức” khôi phục việc mua nông sản Mỹ với quy mô lớn. Trong khi đó, phía Trung Quốc không hề nhắc đến thời hạn 90 ngày và cũng tránh nói đến vấn đề giảm hoặc miễn thuế xe hơi cùng việc khôi phục ngay việc khôi phục mua nông sản Mỹ...
Về những bất đồng trong kết quả hội đàm Donald Trump – Tập Cận Bình, tờ Financial Times phân tích 4 điểm lớn sau:
Trung Quốc tránh không nói đến kết quả do lo sợ điều gì?
Ông Donald Trump và nhiều thành viên đoàn Mỹ tham dự cuộc hội đàm đều cho rằng, tại bàn hội đàm Trung Quốc đồng ý giảm và miễn thuế cho xe hơi nhập từ Mỹ. Nhưng việc họ tránh không nói đến là nột cách làm nhất quán trước nay, chỉ thông báo tin tức có chọn lọc để đạt được mục đích tuyên truyền trong nước.
Ngoài ra, Bắc Kinh không muốn gây ấn tượng với bên ngoài là họ buộc phải đáp ứng yêu cầu của Washington trong thời hạn 90 ngày. Đối với bất cứ nhượng bộ nào theo yêu cầu của Mỹ, Bắc Kinh cũng rất thận trọng trong việc giải thích để tránh bị trong nước coi là mềm yếu trước Mỹ.
Việc Trung Quốc có miễn, giảm mức thuế suất 40% đánh vào xe hơi nhập từ Mỹ hay không đang là điểm nóng trong việc thực hiện những thỏa thuận đạt được trong cuộc hội đàm
|
Trung Quốc có thực sự giảm và miễn thuế xe hơi Mỹ?
Đối với yêu cầu hạ thấp thuế của Mỹ, cả ông Tập Cận Bình và Lưu Hạc – nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc có thể đã trả lời với thiện chí là “làm một mẻ, khỏe suốt đời” để kết thúc cuộc chiến mậu dịch, bao gồm miễn giảm thuế xe hơi, khôi phục mua với quy mô lớn đậu tương và các nông sản khác để thúc đẩy đạt được hiệp nghị cuối cùng. Tuy nhiên, cũng có khả năng ông Trump và các thành viên đoàn Mỹ đã hiểu lầm trả lời của phía Trung Quốc.
Gần đây, cả hai ông Tập Cận Bình và Lưu Hạc đều bày tỏ với bên ngoài: Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ thấp rào cản thuế quan và tăng cường nhập khẩu; trong cuộc đàm phán mậu dịch tới đây, Trung Quốc sẽ hạ thấp mức thuế đối với một số loại hàng hóa.
Điều đáng chú ý ở đây là, trong gói sản phẩm 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ mà Trung Quốc áp dụng đánh thuế để trả đũa việc Mỹ đánh thuế tăng từ 10% lên 25% có bao gồm xe hơi và nông sản Mỹ. Trong cuộc đàm phán sắp tới, nếu Mỹ không muốn hạ thấp hoặc hủy bỏ thuế quan có tính trừng phạt, Trung Quốc có nhượng bộ, hủy bỏ việc đánh thuế mang tính trả thù đối với xe hơi và nông sản Mỹ hay không thì hiện vẫn chưa thể biết được.
Liệu Trung Quốc có nhượng bộ về “các vấn đề có tính kết cấu?
Sau hội đàm, phía Mỹ nói hai bên sẽ lập tức tiến hành đàm phán về cưỡng bức chuyển nhượng công nghệ, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, vấn đề rào cản phi thuế quan, xâm nhập mạng và lấy cắp qua mạng. Nhưng phía Trung Quốc chỉ nói: “Hai bên Trung – Mỹ sẽ cùng nhau nỗ lực để đạt được nhận thức chung về vấn đề mậu dịch”.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 3.12 nói với Financial Times “đây là lần đầu tiên Chủ tịch Tập trả lời rất dài, rất đầy đủ về vấn đề có tính kết cấu và cả không kết cấu”. Việc ông Trump đồng ý hoãn lại việc tăng thuế suất từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, là một thời gian nghỉ “xả hơi” rất quan trọng đối với Trung Quốc.
Ngày 18.12 tới đây, Trung Quốc sẽ kỉ niệm 40 năm thực hiện chính sách Cải cách mở cửa. Ông Lưu Hạc và những nhà cải cách cho rằng đây là thời cơ đưa ra những cải cách lớn. Tầng lớp lãnh đạo Trung Quốc hy vọng tỏ cho bên ngoài thấy thúc đẩy cải cách cơ cấu là chính sách xuất phát từ chính bản thân họ chứ không phải bởi sức ép của Washington.
Điều gì sẽ xảy ra tới đây?
Hai bên Mỹ - Trung dự liệu sẽ tranh thủ cơ hội 90 ngày để hoàn thành việc đàm phán. Ông Lưu Hạc có thể sẽ dẫn một đoàn đàm phán hùng hậu tới Washington trước kỳ nghỉ Noel để tiến hành đàm phán với phía Mỹ và sẽ tiếp tục việc đàm phán sau kỳ nghỉ Tết âm lịch cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm 2019. Đây sẽ là chuyến trở lại thăm Mỹ đầu tiên của ông kể từ tháng 5.2018.
Những bước đi đầu tiên của Trung Quốc
Sau khi phía Trung Quốc tỏ ý tức giận về việc phía Mỹ đã công khai những nội dung mà họ đã nhượng bộ trong khi hội đàm; Đa Chiều cho biết, Trung Quốc đã có những động thái đầu tiên để tỏ ra họ đang thực thi cam kết với Mỹ về việc tăng cường bảo hộ bản quyền sở hữu trí tuệ. Ngày 4.12, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia cùng 37 cơ quan chính phủ đã ban hành một chính sách chung để chống lại các hành vi ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ với mong muốn xây dựng nên “hệ thống lòng tin xã hội”. Theo đó, danh sách những người vi phạm nghiêm trọng bản quyền sở hữu trí tuệ sẽ được công bố. Nếu ai tái phạm nhiều lần, không tuân thủ phán quyết về bản quyền hoặc làm giả văn bản khi đăng ký bản quyền sẽ bị đưa vào danh sách này. Kẻ nào có tên trong “danh sách đen xâm quyền”, sẽ phải đối mặt với 38 điều khoản hạn chế và trừng phạt như bị cấm vay tiền, cấm thành lập công ty, cấm mua bán bất động sản, bị hạn chế giúp đỡ về tiền vốn...
Bộ Thương mại là cơ quan chính phủ Trung Quốc đầu triên nhắc đến thời hạn 90 ngày cho cuộc "ngừng bắn" cuộc chiến mậu dịch giữa hai nước.
|
Trong một diễn biến khác, ngày 5.12 Bộ Thương mại Trung Quốc là cơ quan chính phủ đầu tiên nhắc đến thời hạn 90 ngày khi người phát ngôn của bộ này khi trả lời câu hỏi đã khẳng định “cuộc gặp gỡ rất thành công”, nhấn mạnh “đội ngũ kinh tế, mậu dịch của hai bên sẽ tích cực xúc tiến thương thảo theo thời gian biểu và lộ trình trong vòng 90 ngày”. Ông này còn nói, rất tin tưởng vào việc thực hiện nhận thức chung của cuộc gặp gỡ giữa hai nguyên thủ, “phía Trung Quốc sẽ băt đầu từ những sự việc cụ thể theo nhận thức chung, càng nhanh càng tốt”.