Bà Ba Sương: “Là Anh hùng, tôi không thể ngã“

VietTimes – Năm nay tròn 70 tuổi, nữ Anh hùng Lao động Trần Ngọc Sương (Ba Sương) đang miệt mài mở rộng nhà máy sản xuất,  gia công, chế  biến nông sản sạch ở vùng đất Gia Kiệm (huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) như thể “ngày không giờ, tuần không thứ” năm nào.
“Tôi được Nhà nước phong Anh hùng. Là Anh hùng, tôi không thể ngã” - bà Ba Sương nói.
“Tôi được Nhà nước phong Anh hùng. Là Anh hùng, tôi không thể ngã” - bà Ba Sương nói.

“Lao xao sóng vỗ ngọn tùng

Gian nan là nợ anh hùng phải vay”

Đào Tấn

Gian nan là nợ anh hùng phải vay

Lễ mùng 8 tháng Ba năm 2019 đang tới rất gần. Chúng tôi lại quay về Gia Kiệm. Hoa đã nở rực sân nhà máy. Bà Ba Sương đang tất bật kiểm đếm số hàng vừa xuất xưởng, đang chất lên xe.

Trời Đồng Nai vào mùa khô nóng rực, nhưng trong khuôn viên nhà máy của Công ty TNHH Ba Sương Thống Nhất khá thoáng mát, hàng trăm công nhân đang bước vào vụ sản xuất xoài sấy khô chính vụ.

 Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới Trần Ngọc Sương (Ba Sương) đang tự tay chuẩn bị bữa trưa cho anh chị em cán bộ văn phòng công ty.
Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới Trần Ngọc Sương (Ba Sương) đang tự tay chuẩn bị bữa trưa cho anh chị em cán bộ văn phòng công ty.

Những chuyến xe tấp nập vào ra liên tục. Hết mùa chôm chôm ngắn hạn, bà Ba Sương kể rằng xoài là sản vật đặc trưng của vùng đất Nam Bộ. Tuy nhiên, nhược điểm là vào mùa, nếu thương lái không thu mua kịp, thì trái sẽ chín rất nhanh, và hỏng phải đổ bỏ rất phí phạm.

Để vận chuyển đường xa, buộc lòng phải dùng nhiều phương pháp bảo quản bằng hóa chất rất có hại. Chỉ duy nhất một cách để tăng thời gian bảo quản, đảm bảo chất lượng sản phẩm lẫn nâng cao giá thành thành phẩm để xuất khẩu được, là phải có công nghệ chế biến phụ trợ.

Nhà máy của bà Ba Sương tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động là người địa phương.
Nhà máy của bà Ba Sương tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động là người địa phương.

Hơn 10 năm trước, bà Ba Sương đã ấp ủ dự tính tìm đầu ra cho nông sản đã qua chế biến của người nông dân Nam Bộ, những người mà bà từng thề “tôi nguyện ôm cục đất sống trọn đời với nông dân”, nhưng những cơn sóng dữ liên tục ập tới đã làm gián đoạn ước mơ này của bà mất gần 10 năm.

Xoài tươi được hái tại vườn, đưa lên xe vận chuyển thẳng về nhà máy chậm nhất trong vòng 24 tiếng. Sau đó, những giỏ xoài còn nguyên nhựa đang ứa được đưa ngay vào quy trình rửa, bỏ vỏ, thái lát… rồi đưa vào sấy ngay.

Sau nhiều năm làm xoài sấy, năm 2019, bà Ba Sương đang nâng công suất nhà máy lên để có thể đáp ứng nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất tại nhà máy ở Gia Kiệm lên tới 100 tấn/ ngày. Trong khi vào vụ xoài chỉ một năm trước đó, công suất tại nhà máy chỉ đáp ứng được lượng nguyên liệu đầu vào 25 tấn/ ngày.

Ngay mảnh đất phía sau khu vực sản xuất, máy ủi đang hối hả san lấp mặt bằng. Hỏi để làm gì, bà cười bảo rằng để phơi củi. Hạt xoài sau khi lọc lấy phần thịt đưa vào chế biến, nếu thuê đổ đi sẽ tốn thêm một khoản chi phí, mà nếu đổ lung tung thì về lâu dài sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Xoài vừa nhập về chuẩn bị đưa vào khâu sơ chế.
Xoài vừa nhập về chuẩn bị  đưa vào khâu sơ chế.

Vậy là nhà máy đem phơi khô rồi cho vào lò đốt, nhiệt lượng thu được thì dùng sấy xoài thịt xuất khẩu, còn mùn thì lại đóng bao dùng làm phân hữu cơ trong nông nghiệp để cải tạo đất. Một quy trình khép kín hoàn thành.

Những ngày cao điểm sản xuất đầu tháng 3/2019, mỗi ngày nhà máy có 110 nhân công làm việc, chia ra hàng chục công đoạn, từ vận chuyển, sơ chế, tinh chế, vận hành máy móc, đóng gói, kiểm đếm số lượng hàng hóa, bốc dỡ cho tới đi… phơi hạt xoài làm nguyên liệu đốt lò. Một guồng máy vận hành bởi những người công nhân bị loại từ các khu công nghiệp do đã quá tuổi.

Hỏi về cái tết Kỷ Hợi vừa rồi, bà Ba Sương tủm tỉm khoe rằng cũng “lo được cái tết cho mấy sắp nhỏ cũng ấm áp”. Hai chữ “ấm áp” mà bà dùng như là cách mà một con tằm đã rút những sợi tơ quý giá của mình để tiếp tục làm đẹp, giúp ích tiếp cho người đời, dẫu có trải qua  quá nhiều giông bão.

Một góc Công ty TNHH Ba Sương Thống Nhất bây giờ.
Một góc Công ty TNHH Ba Sương Thống Nhất bây giờ.

Sản phẩm xoài sấy mang thương hiệu “cô Ba Sương” giờ không còn chỉ xuất đi Trung Quốc nữa, mà đang từng bước tiếp cận tới Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu. Gần đây nhất, khách hàng cũng đã tìm tới đặt vấn đề với bà để mở rộng công suất nhà máy nhằm đáp ứng đủ hàng hóa đưa tới thị trường Mỹ.

Chỉ vào hệ thống máy sấy công suất lớn vừa lắp đặt xong, bà Ba Sương nói rằng công suất năm nay bà sẽ mở rộng quy mô sản xuất gấp 3 lần những năm trước.

Tuy nhiên, trong một chút lặng mình, bà thành thật rằng tiếc rằng mình tuổi đã cao, nếu mở rộng quá về quy mô sẽ rất khó quản lý nổi, bởi “tôi đã mất đi 10 năm vừa rồi chỉ vì một vụ án không đáng có đối với cá nhân tôi”.

Những ngày cao điểm vào vụ xoài ở Nam Bộ, công nhân bốc vác của nhà máy làm không hết việc.
Những ngày cao điểm vào vụ xoài ở Nam Bộ, công nhân bốc vác của nhà máy làm không hết việc.

Những năm tháng đúng ra đã được nghỉ ngơi này, bà đang gấp rút “làm bù” lại quãng thời gian đã bị đánh mất, theo quỹ thời gian “ngày không giờ, tuần không thứ” để giúp những người nông dân mà bà đã sống trọn cuộc đời thời trẻ tuổi.

Những cơn sóng dữ trong đời

Có thể xem cơn sóng dữ năm 2009 là cơn sóng dữ thứ 4 ập lên cuộc đời Ba Sương. Sau nhiều năm thanh tra, rồi tới điều tra, rốt cuộc thì AHLĐ Trần Ngọc Sương phải ra trước vành móng ngựa với bản án 8 năm tù giam trong vụ án “Lập quỹ trái phép” mà bà đến tháng 11/2009 vẫn sửng sốt không hiểu vì sao bản thân chi tiêu tới số tiền nhiều như vậy?

Ba Sương cho hay, trong khi đi công tác vẫn phải “ăn mắm mút giòi”, tiết kiệm từng đồng chi phí tiền khách sạn, quà cáp. Người phụ nữ không chồng, không con, không nhà cửa…, từng vui vẻ trả lời những lời dạm tiếng duyên phận “Tôi đã có 2 người chồng, một ngưòi tên CÔNG và một người tên VIỆC. Chừng đó cũng đã quá đủ mệt rồi”.

Người phụ nữ từng nói với một nhà báo ở miền Tây sông nước “Tôi sẽ trọn đời ôm cục đất sống với nông dân”, đã phải rời xa mảnh đất Nông trường Sông Hậu (NTSH) mà bà từng gắn bó cả quãng đời đẹp nhất thời tuổi trẻ của mình, để nay về gắn bó với mảnh đất Gia Kiệm ở miền Đông Nam Bộ.

Xoài đưa đưa thẳng về nhà máy và bắt đầu công đoạn sơ chế: Rửa sạch.
Xoài đưa đưa thẳng về nhà máy và bắt đầu công đoạn sơ chế: Rửa sạch.

Trước đó nữa, bà Ba Sương thừa nhận, lần gặp sóng dữ đầu tiên của cuộc đời bà là năm 1993, khi hàng ngàn hộ dân tập trung khiếu kiện đòi đất nông trường. Mấy km quốc lộ 91 gần như tê liệt nhiều ngày liền vì dân tập trung phong tỏa nông trường đòi đất theo bằng chứng khoán chế độ cũ cấp cho họ.

Quân khu 9 đã phải can thiệp giải tỏa trong một đêm, sau khi sàng lọc đối tượng. Nhiều kẻ cầm đầu đã phải ra tòa sau vụ việc đó.

Tuy nhiên, sau đó nông trường phải vay ngân hàng 16 tỷ đồng, thay mặt cho địa phương, chi trả tiền đền bù đất cho những hộ có văn bằng chứng khoán đất chế độ cũ cấp, theo chủ trương của tỉnh Hậu Giang lúc bấy giờ.

Số tiền đó phải chịu lãi suất vay thương mại theo quy định. Nhiều năm sau, khi Bộ Tài chính mới quyết định chi trả lại số tiền 16 tỷ này cho NTSH, theo đề nghị của địa phương, thì số tiền đó đã lên tới 54 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi. Đó là cơn sóng dữ thứ 2 khiến bà Ba Sương lao đao.

Xoài đã qua sơ chế chuẩn bị đưa vào gia đoạn sấy khô.
Xoài đã qua sơ chế chuẩn bị đưa vào gia đoạn sấy khô.

Cơn sóng dữ thứ 3 ập đến NTSH là vào thời điểm khoản nợ trên 200 tỷ đồng kéo dài, xuất phát cũng từ việc vay vốn ngắn hạn tập trung vào đầu tư dài hạn (hệ thống hạ tầng nông nghiệp và hạ tầng giao thông, xã hội).

Với một doanh nghiệp với doanh số hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm, đó không phải là dư nợ quá lớn. Nhưng như bà Ba Sương nói, việc đầu tư trong nông nghiệp thu lãi rất ít, và là thu lâu dài, thì việc trả các khoản “lãi chồng lên lãi” cũng khiến nông trường nghiêng ngả.

Đến năm 2009, bà Ba Sương ra tòa, trong vụ án “Lập quỹ trái phép” tại NTSH, bị cáo buộc phải đền bù hơn 4,3 tỷ đồng, bị cả tòa sơ thẩm và phúc thẩm tại Cần Thơ tuyên phạt 8 năm tù giam.

Tủ điện ở nhà máy của công ty TNHH Ba Sương Thống Nhất tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai còn lưu dấu vết của Nông trường Sông Hậu lừng lẫy một thời.
Tủ điện ở nhà máy của công ty TNHH Ba Sương Thống Nhất tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng  Nai còn lưu dấu vết của Nông trường Sông Hậu lừng lẫy một thời.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng bất bình lên tiếng: “Đây không phải là quỹ trái phép, mà phải gọi là quỹ đời sống. Tôi có biết quỹ này” trong thời gian bà Bình thay mặt Văn phòng Chủ tịch nước đi kiểm tra, xem xét việc phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể và cá nhân ở NTSH.

… Gần 10 năm đã trôi qua sau vụ án NTSH rúng động dư luận xã hội đó, một quãng thời gian dài đã không thể quay lại, bà Ba Sương vẫn mạnh mẽ đứng dậy dựng nghiệp với quỹ thời gian eo hẹp còn lại khi tuổi 70 cận kề, như cách mà bà đã không quỵ ngã tại phiên tòa phúc thẩm ở TP. Cần Thơ 10 năm về trước: “Tôi được Nhà nước phong Anh hùng. Là Anh hùng, tôi không thể ngã”./.