Thị trường Việt Nam hiện tại có hơn 10 thương hiệu smartphone, nhưng trong phân khúc cao cấp với giá trên 15 triệu thì cuộc chơi gần như chỉ thuộc về hai đại gia Apple và Samsung. Mỗi hãng đều chiếm tới gần 50% thị phần ở tầm giá trên 15 triệu, để lại một miếng bánh rất nhỏ cho các thương hiệu còn lại.
Cách hai thương hiệu này làm hình ảnh ở thị trường Việt Nam cũng rất khác biệt. Trong khi Samsung thường xuyên có các hoạt động quảng bá, tài trợ và xuất hiện với các ngôi sao thì Apple gần như không có các hoạt động đó.
Thậm chí theo chia sẻ của một số đơn vị bán lẻ, Việt Nam vẫn chỉ được coi là thị trường hạng ba đối với Táo khuyết.
Gần 10 năm vẫn giậm chân tại chỗ
iPhone xuất hiện qua các kênh phân phối chính thức tại thị trường Việt Nam lần đầu năm 2010, khi một số nhà mạng bán chiếc iPhone 3GS (ra mắt tháng 6/2009) với giá từ 14,2 triệu đồng cho bản không khóa mạng.
Tới 2019, iPhone đã được bán chính hãng 10 năm tại Việt Nam. iPhone chính hãng tiếp cận người Việt qua nhiều kênh như các đơn vị bán lẻ ủy quyền (AAR) và qua các nhà bán lẻ (nhập từ cùng một nhà phân phối).
Tuy nhiên, có thể thấy Việt Nam vẫn chưa phải thị trường được Apple coi trọng. Hãng chính thức bán ra iPhone 11 từ ngày 20/9, nhưng phải hơn 1 tháng sau, đến ngày 1/11 những chiếc iPhone chính hãng (mã VN/A) mới có mặt tại Việt Nam.
"Apple coi Việt Nam là thị trường hạng ba, nên có một số bất lợi như bán máy chậm hơn, hàng hóa không đa dạng bằng. Nói chung thị trường Việt không được ưu tiên. Một số thị trường khác, như Malaysia mấy năm nay đã được 'lên hạng', nên bán iPhone sớm hơn chúng ta cả tháng", đại diện một nhà bán lẻ nói.
Vị này cho biết không giải thích được tại sao thị trường Việt Nam chưa được Apple coi trọng. iPhone là sản phẩm được yêu thích nhất trong phân khúc trên 10 triệu, thị trường Việt Nam cũng lớn hơn nếu so với một số nước trong khu vực Đông Nam Á.
"Nhìn chung tôi thấy Apple khá cứng nhắc. Tuy nhiên, họ cũng có ưu điểm là đối xử với các đơn vị như nhau, không phân biệt to nhỏ", đại diện đơn vị bán lẻ cho hay.
Apple từ từ thúc đẩy hệ thống phân phối chính hãng
Một lý do có thể khiến thị trường Việt Nam chưa được Apple đánh giá cao là thị trường hàng xách tay, hay các loại máy nhập khẩu không chính ngạch vẫn khá lớn.
Dạo qua các trang buôn bán trực tuyến, có thể dễ dàng bắt gặp các mẩu tin rao bán iPhone "quốc tế", phiên bản dành cho thị trường Mỹ và Australia. Hàng lock hay hàng khóa mạng cũng có chỗ đứng nhất định, nhất là với khách hàng không dư dả nhưng muốn dùng iPhone.
Mỗi đợt iPhone mở bán ở Singapore, có thể bắt gặp hình ảnh người Việt Nam xếp hàng trước cả ngày để mua được những chiếc iPhone sớm nhất. Năm nay, Apple cho phép mỗi người xếp hàng được mua tới 6 máy, và rất nhiều người tận dụng cơ hội này để nhượng lại kiếm lời.
Về lý thuyết, iPhone hay các mặt hàng khác mua tại Apple Store vẫn là hàng do chính Apple bán, xuất xứ đảm bảo. Khi máy hỏng hóc, gặp vấn đề, người dùng vẫn nhận được dịch vụ chăm sóc khách hàng của hãng nếu chứng minh được xuất xứ.
Tuy nhiên, sự tồn tại của thị trường hàng xách tay vẫn làm ảnh hưởng tới những đơn vị nhập khẩu, phân phối chính hãng tại Việt Nam. Đó là lý do Apple đang thực hiện một số động thái để hướng người dùng mua hàng chính hãng trong thời gian qua.
Vào cuối tháng 7, Táo khuyết đưa ra chính sách yêu cầu người dùng phải trình hóa đơn mua hàng gốc khi bảo hành tại các đơn vị cung cấp dịch vụ ủy quyền (ASP).
Chính sách này ngay lập tức khiến các mặt hàng như MacBook và iPad xách tay gặp khó, bởi người dùng rất khó tìm được hóa đơn mua hàng gốc khi mua lại của cửa hàng hoặc người dùng khác. Trước đó, Apple chỉ kiểm tra mã serial để bảo hành với các mặt hàng này.
"Có thể thấy năm nay Apple Việt Nam làm mạnh tay hơn về vấn đề hàng chính hãng, điển hình là yêu cầu bảo hành phải có hóa đơn chính chủ", ông Nguyễn Huy Tân, đại diện truyền thông hệ thống CellphoneS chia sẻ.
Hỗ trợ các nhà bán lẻ
Bên cạnh đó, hãng cũng có những động thái hỗ trợ các đơn vị bán lẻ ủy quyền trong thời gian qua. "Dĩ nhiên là Apple có những chính sách hỗ trợ các đại lý chính thức như chúng tôi, còn cụ thể như thế nào thì xin phép không chia sẻ. Apple có cách làm và lộ trình rõ ràng, theo cách của họ", ông Mai Triều Nguyên, đại diện hệ thống Mai Nguyên, cho biết.
"Thời gian qua, nhiều đơn vị bán lẻ chỉ tập trung làm hàng chính hãng, bởi đây là xu hướng cho các đại lý phấn đấu để có thể trở thành AAR. Dần dần việc này sẽ là xu hướng của thị trường, Apple họ không cần can thiêp thêm", ông Huy Tân chia sẻ thêm.
Đầu năm nay, hệ thống Nhật Cường Mobile bị khám xét, sau đó ông chủ hệ thống này bị khởi tố, điều tra về tội buôn lậu. Vụ việc này cũng thúc đẩy các hệ thống lớn ngừng kinh doanh hàng xách tay, không chính ngạch.
"Sau sự cố đó, giờ đây các đối tác bảo hiểm sẽ thẩm định rất kỹ về vấn đề hàng xách tay trước khi đảm bảo hạn mức vay để chúng tôi nhập hàng. Muốn nhập được hàng từ các hãng lớn với tiêu chuẩn quốc tế như Samsung, Oppo, chúng tôi buộc phải có đảm bảo từ các hãng bảo hiểm. Như vậy, muốn kinh doanh nghiêm túc các chuỗi chắc chắn phải từ bỏ hàng xách tay", đại diện một chuỗi kinh doanh thiết bị di động chia sẻ.
Năm 2018, khi chia sẻ về lý do Việt Nam chưa có Apple Store, một cựu quản lý cấp vùng tại Việt Nam cho biết một phần lý do là hệ thống cửa hàng bán lẻ chính thống vẫn chưa mạnh.
"Còn lâu lắm mới có Apple Store ở Việt Nam. Họ phải 'thắp sáng' thị trường qua các kênh AAR và APR (đại lý ủy quyền cấp 1 và 2 - PV) để thay thế hàng xách tay", vị cựu quản lý cấp vùng cho biết.
Với những động thái của Apple trong năm 2019, có thể thấy dự đoán nói trên đang thành hiện thực. Apple đã thúc đẩy hệ thống các cửa hàng bán lẻ ủy quyền.
Nếu như hệ thống phân phối sản phẩm Apple chính hãng tiếp tục được phát triển, có thể không lâu nữa thị trường Việt Nam sẽ lên hạng trong danh sách của Apple, không còn là một "thị trường hạng ba" nữa.
Theo Zing