Quan điểm của Dave Smith, phóng viên của Business Insider về việc các ông lớn công nghệ có nên tổ chức sự kiện ra mắt sản phẩm theo cách truyền thông nữa hay không.
Từ những năm 1980 đến 2010, các buổi giới thiệu sản phẩm hay còn gọi là "Keynote" của Apple với hình ảnh Steve Jobs xuất hiện trong tiếng reo hò của đám đông khán giả đã trở nên quá nổi tiếng. Ông luôn mang đến cho người xem một "One more thing", thứ mà iFan khắp toàn cầu sau đó sẽ cảm thấy không thể sống thiếu.
Giờ đây, Jobs đã không còn nữa, thay vào đó là rất nhiều cái tên khác. Apple vẫn thuyết trình giới thiệu sản phẩm, nhưng bên cạnh đó còn có Google, Microsoft, Facebook, Samsung, cả các công ty như Huawei, Xiaomi và Nvidia.
Bí mật giờ đã là xa xỉ
Khi Steve Jobs bước lên sân khấu nói về chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007, ông đã thực hiện bài diễn thuyết được đánh giá hay nhất mọi thời đại, đầy đủ kết cấu 3 phần như một bộ phim Hollywood: sắp đặt, tạo dựng xung đột và giải quyết.
Thực tế, các sản phẩm công nghệ giờ đây chỉ được nâng cấp nhỏ giọt theo từng năm. Việc thiếu vắng một cuộc cách mạng, một câu chuyện về cách sản phẩm thay đổi thế giới đã khiến buổi ra mắt không còn đong đầy về mặt cảm xúc.
Trước khi Internet phổ biến, nội dung các buổi ra mắt đều được giữ trong màn bí ẩn. Người xem tò mò tự hỏi những gì sẽ diễn ra, thiết bị, tính năng nào sẽ xuất hiện, ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào.
Giờ đây, những bí mật thầm kín như thế đã quá xa xỉ. Hàng trăm đầu báo lớn nhỏ, những nhân vật thạo tin sẽ moi móc cả những chi tiết nhỏ nhất về chiếc iPhone tiếp theo, vài tháng trước khi sản phẩm chính thức giới thiệu.
Trong nhiều năm, dư luận đều biết được những thông tin quan trọng về iPhone mới từ lâu, trước khi Apple tổ chức buổi giới thiệu. Người ta biết về Touch ID trên iPhone 5S, thiết kế mới trên iPhone 6, gần như mọi thứ với iPhone 7, 8, X đến XS, XS Max ra mắt hồi tháng 9 năm nay.
Với buổi ra mắt sản phẩm hôm 31/10, những thông tin như iPad Pro sẽ thay phím Home vật lý bằng cảm biến Face ID, cổng tai nghe 3,5 mm bị loại bỏ, viền màn hình mỏng hơn cũng được biết từ lâu.
Điều này không chỉ xảy ra với Apple. Hai mẫu smartphone cao cấp của Samsung, Galaxy S9 và Note 9 cũng bị lộ các thông tin quan trọng. Pixel 3 của Google thậm chí chẳng còn giữ lại gì cho mình ngày ra mắt khi bên cạnh nhiều hình ảnh thực tế rò rỉ, còn được bày bán công khai tại Hong Kong.
Vậy nếu không còn bất ngờ, các bài diễn thuyết ra mắt sản phẩm còn có giá trị gì?
Giới thiệu trực tuyến sẽ là giải pháp
Nếu mục đích của các bài thuyết trình sản phẩm chỉ đơn thuần cung cấp cho người dùng những thông tin mà gần như "ai cũng biết", có lẽ các hãng công nghệ không cần phải cầu kỳ tốn thời gian, công sức, tiền bạc để thuê một địa điểm cụ thể nào đó nữa.
Đây là hướng đi mà các hãng nên cân nhắc: nên chăng tổ chức buổi ra mắt trực tiếp trên Internet. Thực tế, sau khi màn giới thiệu kết thúc, công ty cũng hướng người xem vào trang chủ để tìm hiểu thêm về sản phẩm.
Với việc trình diễn online, sẽ không còn cảnh người thuyết trình bị va vấp, đơn vị tổ chức cũng có nhiều cách thức trực quan hơn giới thiệu sản phẩm đến người dùng. Đặc biệt, nó còn giúp các hãng khoe khoang về thiết bị dù chưa thể ra mắt (như Air Power) mà không bị người xem nghi ngờ.
Các thiết bị thông thường phải được sản xuất cho kịp ngày ra mắt truyền thống, và khi càng nhiều người tiếp xúc với sản phẩm, khả năng rò rỉ thông tin lại càng cao. Ra mắt trực tuyến sẽ giữ được màn bí mật cho sản phẩm, công ty có thể trình diễn sản phẩm ngay khi còn trong giai đoạn thiết kế, tránh thông tin bị lộ từ chuỗi cung ứng.
Các buổi ra mắt quá dài, và hầu hết đều rất nhàm chán. Trừ những fan hâm mộ, nhà báo đưa tin, không nhiều người có thể ngồi trước màn hình suốt hai tiếng đồng hồ, dù là buổi ra mắt của những tên tuổi lớn như Apple hay Google. Việc giới thiệu online do đó sẽ giúp mỗi người cập nhật thông tin theo tốc độ riêng mình.
Hai tiếng là khoảng thời gian quá dài với người xem, song đôi khi vẫn không đủ để các hãng truyền tải hết thông tin. Tuy nhiên thông qua trực tuyến, các công ty có thể tóm tắt những điểm cần nêu, hoặc tạo ra một phương thức tiếp cận nào đó dễ truyền tải hơn.
Không dễ để các hãng chịu từ bỏ lối ra mắt truyền thống, đặc biệt là Apple, công ty vốn đã quen với những tiếng reo hò trong các buổi giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, không thể chối cãi một thực tế rằng những buổi lễ buồn chán, thiếu sáng tạo này cần phải được thay thế.