Theo PhoneArena, Cục kiểm soát chất độc hại của CEPA cho biết thêm rằng Apple cũng nhất trí tăng cường kiểm tra lại các cơ sở xử lý chất thải của công ty ở Cupertino và Sunnyvale.
Cáo buộc của CEPA nói rằng Apple đã điều hành một cơ sở xử lý rác thải điện tử ở Cupertino trong khoảng từ 2011 đến 2012, với khoảng 500 tấn chất thải được xử lý trước khi đóng cửa vào tháng 1.2013. Cơ sở sau đó đã được chuyển đến Sunnyvale và Apple đã xử lý khoảng 360 tấn chất thải trước khi thông báo về sự tồn tại của cơ sở đến CEPA.
Tại nhà máy ở Sunnyvale, Apple thu thập bụi kim loại độc hại và di chuyển nó đến một bãi thải khi chưa được cấp phép. Thậm chí, công ty cũng không xử lý nó đúng theo các quy trình. Nếu hạt bụi kim loại này vô tình bị phát tán trong không khí, chúng trở nên cực kỳ nguy hiểm cho cả động vật hoang dã lẫn con người.
Bên cạnh đó, Apple đã không đánh dấu các thùng chứa dầu đã được sử dụng như là chất thải nguy hại và không tiến hành theo dõi hàng xuất khẩu chất thải nguy hiểm, cũng không thực hiện những báo cáo cụ thể đến các cơ quan chức năng.
Trong thông báo của mình, phát ngôn viên Apple - Alisha Johnson cho biết công ty đã làm việc chặt chẽ với cơ quan kiểm soát chất độc (DTSC) để đảm bảo rằng công ty sẽ sớm nhận được giấy phép thích hợp cho cơ sở tái chế của hãng. Vị phát ngôn này cũng khẳng định rằng Apple luôn tuân thủ thiết lập các quy trình nghiêm ngặt trong các tiêu chuẩn an toàn sức khỏe, đảm bảo các yêu cầu về pháp lý.
Apple cũng thừa nhận rằng đã sai sót trong việc xử lý chất thải nguy hại và gửi chúng đến một cơ sở xử lý bên thứ ba không được cấp phép.
Theo Thanh Niên