Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn TƯ, chiều nay (5/11), áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ vào các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Thuận... với gió mạnh cấp 6, kèm mưa to. Cụ thể, hồi 4h sáng 5/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách bờ biển Bà Rịa -Vũng Tàu khoảng 120 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 8. Huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận đang có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Dự báo trong 6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15 km. Đến 10h sáng cùng ngày, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới sẽ ở trên bờ biển các tỉnh Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 8. Đến chiều, áp thấp nhiệt đới sẽ đổ bộ vào đất liền trên khu vực Đông Nam Bộ rồi suy yếu thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, 2 ngày tới, Nam Bộ sẽ có mưa to, rải rác có giông. Các tỉnh từ Bình Định đến Bình Thuận, Đăk Lăk, Đăk Nông và Lâm Đồng đề phòng giông lốc, sạt lở, lũ quét.
Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thành từ Bình Định đến Kiên Giang, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, cùng bộ, ngành liên quan sẵn sàng triển khai công tác ứng phó.
Cũng liên quan đến diễn biến thời tiết, theo Văn phòng chi cục Phòng chống thiên tai khu vực MT-TN, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung những ngày qua đã làm 10 người chết, 8 người mất tích và 18 người bị thương. Đồng thời làm sập 48 ngôi nhà, 146 nhà hư hỏng và tốc mái, 38.000 ngôi nhà ngập lũ.
Về hoa màu, lũ đã làm gần 7.500ha lúa bị ngập và hư hại; hơn 30 ngàn gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi; 44 cầu cống bị sạt lở, và cuốn trôi, hàng chục ngàn mét khối giao thông, thủy lợi sạt lở.
Việc các thủy điện trên địa bàn các tỉnh Nam Trung Bộ xả lũ đã làm 34 xã thuộc các huyện Tuy Phước, Phù Cát, Hoài Ân, An Lão, Hoài Nhơn thuộc tỉnh Bình Định bị ngập và chia cắt cục bộ.
Hầu hết các vùng trũng thấp thuộc tỉnh Phú Yên bị ngập, trung tâm thành phố Tuy Hòa có nơi ngập sâu từ 1-1,5m. Toàn tỉnh đã có 132 thôn, khu phố/44 xã, phường bị ngập nước. Đặc biệt có một số vùng, nước ngập từ 5m trở lên như: các xã Diên An, Diên Phú, Diên Toàn, Diên Bình, Diên Lạc, Diên Điền, Suối Hiệp thuộc huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa.
Mưa lớn cũng đã làm một loạt các tuyến giao thông huyện miền núi các tỉnh bị sụt trượt, sạt lở, hư hỏng nặng. Nhiều tuyến bị cô lập, chia cắt khiến giao thông bị ách tắt.
Để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, tỉnh Phú Yên đã huy động cán bộ, chiến sĩ, thiết bị sơ tán gần 4.700 hộ với 16.500 người ở vùng trũng thấp, vùng triều cường đến nơi an toàn. Các tỉnh Quảng Nam-Khánh Hòa đã thông báo và hướng dẫn cho gần 8000 tàu thuyền với 40 ngàn lao động biết vị trí, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động phòng tránh.