Thủ tục chuyển tuyến khám, chữa bệnh BHYT còn gây phiền hà, bức xúc
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2023, PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã trả lời báo chí về việc chuyển tuyến bệnh nhân, về việc đảm bảo để người bệnh được chữa bệnh với chất lượng cao nhất với hệ thống bảo hiểm y tế (BHYT).
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, quy định phân tuyến chuyên môn, chuyển tuyến và giấy chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo đảm ổn định, cân đối và bền vững hệ thống khám chữa bệnh và công tác khám chữa bệnh.
Bà Liên Hương thông tin, sau 15 năm ban hành Luật BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đến nay đã đạt gần 91 triệu người, với khoảng 92% dân số. Số lượt khám chữa bệnh BHYT cũng gia tăng với 150,5 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT năm 2022. Mỗi năm, quỹ BHYT chi khoảng hơn 110.000 tỷ đồng cho khám chữa bệnh. Nguồn kinh phí do quỹ BHYT chi trả cho chi phí khám chữa bệnh đang chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu của bệnh viện.
“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập như: Quy định đăng ký khám chữa bệnh ban đầu còn nặng về hành chính, thủ tục chuyển tuyến, cấp giấy chuyển tuyến còn có tình trạng gây phiền hà cho người bệnh, thậm chí có trường hợp phát sinh tiêu cực, xin cho, giữ bệnh nhân gây bức xúc trong dư luận” – lãnh đạo Bộ Y tế thừa nhận.
Nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, để đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh cao nhất, Bộ Y tế đã và đang tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực và mở rộng phạm vi chi trả BHYT cho tuyến dưới.
Trước tiên là việc áp dụng hình thức giấy chuyển tuyến điện tử để việc cấp giấy chuyển tuyến được thuận tiện, nhanh chóng, lập hồ sơ quản lý sức khoẻ người dân và mở rộng mô hình bác sỹ gia đình, nâng cao chất lượng y tế cơ sở.
Thứ hai, Bộ Y tế sẽ phối hợp để tiếp tục mở rộng danh mục và thời gian cấp phát thuốc BHYT cho tuyến xã cho một số bệnh mãn tính; cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn 1 năm cho một số bệnh mãn tính; cân đối, cải cách các quy định về chuyển tuyến.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động về chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, luân phiên luân chuyển cán bộ, đào tạo chuyển giao kỹ thuật để tăng cường năng lực và trình độ chuyên môn của tuyến dưới đảm bảo thực hiện tốt các kỹ thuật theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của các tuyến.
Thứ tư, tăng cường hoạt động nâng cao chất lượng bệnh viện như: củng cố, xây dựng hệ thống, tổ chức quản lý chất lượng bệnh viện, đào tạo, kiểm tra, giám sát thực hiện hoạt động quản lý chất lượng bệnh viện.
Cuối cùng là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quản lý chất lượng xét nghiệm và xây dựng các bộ tiêu chí đánh giá, kiểm định chất lượng lâm sàng giúp nâng cao chất lượng chuyên môn, rút ngắn thời gian điều trị, tiết kiệm chi phí và thời gian của người bệnh./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu