Ấn Độ theo ai trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung?

VietTimes – New Delhi (Ấn Độ) đã cấm cửa các ứng dụng Trung Quốc sau cuộc xung đột biên giới giữa hai nước vào đầu tháng 6.
Người dân Ấn biểu tình chống Trung Quốc ở Jammu vào ngày 1 tháng 7. Lệnh cấm có thể sẽ dẫn đến sự trả đũa kinh tế và leo thang căng thẳng giữa hai bên. Ảnh: Nikkei Asian Review
Người dân Ấn biểu tình chống Trung Quốc ở Jammu vào ngày 1 tháng 7. Lệnh cấm có thể sẽ dẫn đến sự trả đũa kinh tế và leo thang căng thẳng giữa hai bên. Ảnh: Nikkei Asian Review

Vào tuần trước, chính phủ Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng thuộc sở hữu của Trung Quốc sau khi một cuộc đụng độ ở biên giới hai nước diễn ra khiến hơn 20 binh lính Ấn Độ tử vong. Các nhà phê bình cho rằng lý do mà phía Ấn Độ đưa ra cho quyết định này không phải nguyên nhân thực sự đằng sau.

An ninh quốc gia hay chiến tranh lạnh công nghệ?

Những lý do được chính phủ Ấn Độ kể đến bao gồm “an toàn, chủ quyền quốc gia, quốc phòng và toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư của người dân Ấn Độ”. Tuy nhiên, điều này không thể hiện toàn bộ những gì đang diễn ra. Nếu chúng ta hiểu lệnh cấm như một biện pháp địa chính trị và kinh tế để chống lại Trung Quốc, quốc gia vốn đang cạnh tranh khốc liệt với Hoa Kỳ cho vị trí thống trị thế giới trong lĩnh vực công nghệ thì điều này sẽ hợp lý hơn.

Lệnh cấm của Ấn Độ đối với các ứng dụng Trung Quốc có thể được nhìn nhận dưới góc độ Chiến tranh lạnh kỹ thuật số (digital Cold War) hay còn gọi là Chiến tranh lạnh công nghệ.

Hoa Kỳ vẫn không ngừng giáng những đòn tấn công đối với Huawei - công ty viễn thông Trung Quốc. Vào tháng 5/2019, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh nhằm hạn chế các công ty Mỹ hợp tác với Huawei và các công ty nước ngoài khác tiềm ẩn “rủi ro an ninh quốc gia”. Washington cũng gây áp lực buộc các đồng minh của mình cấm công ty Trung Quốc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng mạng 5G ở những quốc gia này. Ngoài Huawei, Mỹ còn mở một cuộc điều tra nhắm vào ứng dụng video ngắn nổi tiếng thế giới của Trung Quốc – TikTok.

Việc một số nước lấy an ninh quốc gia làm “bình phong” để thực hiện các biện pháp hạn chế thương mại cũng không ngoại lệ trong lệnh cấm Trung Quốc của Ấn Độ. Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng tới các quốc gia khác buộc họ phải đưa ra sự lựa chọn “theo phe nào”.

Ảnh: Nikkei Asian Review
Thủ tướng Ấn Độ Modi đến thăm các binh sĩ tại Ladakh vào ngày 3 tháng 7. Ảnh: Nikkei Asian Review

Mỹ hay Trung Quốc?


Thực tế, đóng góp của người dùng Ấn Độ vào tổng doanh thu của các ứng dụng này là không đáng kể cho đến nay. Tuy nhiên, lệnh cấm vẫn chặn quyền truy cập của các ứng dụng Trung Quốc vào một trong những thị trường lớn nhất thế giới, làm tổn hại lợi ích kinh tế của những ứng dụng này. Động thái này có thể dẫn đến sự trả đũa về mặt kinh tế và khiến căng thẳng leo thang ở cả hai bên.

Chiến tranh lạnh công nghệ vẫn đang diễn ra vì Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh khốc liệt để trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu đối với các công nghệ tương lai như  5G, AI, IoT. Các công ty Mỹ chiếm 68% vốn hóa thị trường của hơn 70 nền tảng kỹ thuật số trong khi Trung Quốc mới đang cán mốc 22%. Phần còn lại của thế giới tụt hậu khá xa so với cả hai quốc gia này.

Ấn Độ đã từng xem xét việc cấm Huawei và ZTE – một công ty viễn thông khác của Trung Quốc tham gia vào mạng 5G của nước này. Trong khi đó, một khoản đầu tư của Facebook vào Reliance Jio (một công ty viễn thông của Ấn Độ) đã được thông qua nhanh chóng mà không có sự phản đối nào từ phía Bộ Công nghệ Thông tin và cơ quan quản lý cạnh tranh ở Ấn Độ.

Với động thái mới trong thời gian gần đây, Ấn Độ dường như đã từ bỏ quan điểm trung lập và lựa chọn theo Hoa Kỳ trong Chiến tranh lạnh công nghệ. Xung đột biên giới là bước đệm để New Delhi có lý do chính đáng cho sự lựa chọn của mình.

Tuy nhiên, dù chọn phe nào đi nữa, việc độc lập kinh tế trước Trung Quốc của Ấn Độ là điều không thể trong bối cảnh hiện tại. Chuỗi cung ứng toàn cầu của Ấn Độ vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Theo Nikkei, lợi ích của Ấn Độ sẽ đạt được tối đa nếu nước này duy trì quan điểm trung lập về kinh tế và chính trị mà nước này vốn đã duy trì trước đó.

Theo Nikkei Asian Review