AI và Cloud công nghệ “Make in Vietnam” tăng tốc chuyển đổi số doanh nghiệp

VietTimes – Theo nghiên cứu thị trường của Viettel IDC, công nghệ đóng vai trò quyết định cho chuyển đổi số tại thị trường Việt Nam từ nay đến năm 2025 bao gồm công nghệ đám mây (Cloud), phân tích dữ liệu và AI.

Đây là thông tin được đưa ra trong khuôn khổ Hội thảo “Lợi ích khi áp dụng Điện toán Đám mây cho AI và phục hồi kinh doanh”, do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội. Đây là sự kiện chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp, trong bối cảnh các doanh nghiệp hiện vẫn chưa hoàn toàn làm chủ được các tri thức về AI cũng như điện toán đám mây.

Cơ hội của công nghệ AI “Make in Vietnam”


Các chuyên gia tại Hội thảo nhận định, trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ trí tuệ nhân tạo AI có tác động lớn đến giải pháp và dịch vụ. Về giải pháp, AI tập trung vào 4 lĩnh vực chính gồm xử lý ngôn ngữ tự nhiên; thị giác máy tính; nhận dạng mẫu – quy tắc; Robotic – tự động hóa. Về dịch vụ, AI hỗ trợ phân tích và đưa ra giải pháp tư vấn thông qua hệ thống database doanh nghiệp, mang tính ứng dụng cao.

“Việt Nam đang đứng trước những khó khăn khi triển khai đồng bộ AI vào các cơ quan doanh nghiệp” - chuyên gia Viettel IDC Trần Minh Khôi nhận định.
 “Việt Nam đang đứng trước những khó khăn khi triển khai đồng bộ AI vào các cơ quan doanh nghiệp” - chuyên gia Viettel IDC Trần Minh Khôi nhận định.

Ông Trần Minh Khôi - chuyên gia Viettel IDC nhận định: “Việt Nam đang đứng trước những khó khăn khi triển khai đồng bộ AI vào các cơ quan doanh nghiệp”.

Ông Khôi phân tích, thiếu hụt nhân tài, khả năng quản lý dữ liệu chưa tốt và chi phí cao là 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp chưa hoàn toàn làm chủ được các tri thức về AI, ứng dụng vào chuyển đổi số.

Trước bối cảnh bùng nổ AI, “miếng bánh” thị trường Việt Nam là cuộc cạnh tranh giữa 3 nhóm nhà cung cấp. Thứ nhất là các doanh nghiệp quốc tế, cung cấp đồng bộ cả nền tảng và phần mềm tích hợp công nghệ AI. Thứ hai là các nhà cung cấp nội địa tập trung phát triển các nền tảng AI mở. Thứ ba là các công ty nhỏ, start-up chuyên cung cấp những ứng dụng AI cụ thể, giải quyết vấn đề và nhu cầu riêng biệt.

Các chuyên gia thảo luận về AI và Cloud tại Hội thảo “Lợi ích khi áp dụng Điện toán Đám mây cho AI và phục hồi kinh doanh”, do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức. Ảnh: VIA..
Các chuyên gia thảo luận về AI và Cloud tại Hội thảo “Lợi ích khi áp dụng Điện toán Đám mây cho AI và phục hồi kinh doanh”, do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức. Ảnh: VIA..

Tiến đến AI không dễ dàng

Các chuyên gia công nghệ cũng đánh giá, việc phát triển AI luôn đi liền với hạ tầng xử lý và cung cấp hạ tầng liên quan đến dữ liệu đám mây cho khách hàng.

Hiệp hội Internet Việt Nam dự báo: “Năm 2020 được dự báo sẽ là năm của điện toán đám mây khi phần lớn khối lượng công việc sẽ được chuyển dần sang "đám mây".

Các thông tin như hình ảnh, video, e-mail, tài liệu… đều "trên mây" thay vì lưu giữ trong máy tính cá nhân hay các thiết bị lưu trữ truyền thống”.

“Tiến đến AI là hành trình không dễ dàng, cần phải giải quyết những bài toán cụ thể, cải thiện trải nghiệm khách hàng, đồng thời đánh giá vai trò của AI trong doanh nghiệp trước khi đầu tư" - Ông Trần Quang Bình, chuyên gia cấp cao của VNG Cloud phát biểu.
“Tiến đến AI là hành trình không dễ dàng, cần phải giải quyết những bài toán cụ thể, cải thiện trải nghiệm khách hàng, đồng thời đánh giá vai trò của AI trong doanh nghiệp trước khi đầu tư" - Ông Trần Quang Bình, chuyên gia cấp cao của VNG Cloud phát biểu.

Nhận định về bức tranh doanh nghiệp trước “làn sóng” AI, ông Trần Quang Bình, chuyên gia cấp cao của VNG Cloud cho rằng: “Các doanh nghiệp đều có điểm khởi đầu khác nhau, vì vậy muốn bắt đầu nhanh vào hành trình AI có thể sử dụng các dịch vụ, giải pháp sẵn có, giải quyết các bài toán thực tế trong từng ngành”.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp khi giải quyết bài toán tối ưu hóa chi phí, vận hành hệ thống lưu trữ dữ liệu, VNG Cloud là một trong những đơn vị thuần Việt cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, tháo gỡ khó khăn trong các khâu vận hành.

“Tiến đến AI là hành trình không dễ dàng, cần phải giải quyết những bài toán cụ thể, cải thiện trải nghiệm khách hàng, đồng thời đánh giá vai trò của AI trong doanh nghiệp trước khi đầu tư. Bên cạnh đó, làm giàu dữ liệu là công đoạn quan trọng và tốn nhiều công sức nhất” – chuyên gia VNG đánh giá.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong 2-3 năm tới, AI và điện toán đám mây sẽ thực sự bùng nổ và trở thành một nhân tố quan trọng cho việc phát triển cách mạng 4.0 ở Việt Nam. Đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ Việt đưa ra những giải pháp “Make in Vietnam”, phục vụ tối ưu cho thị trường trong nước, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện.