9 tiếp viên của Vietnam Airlines bị Úc xét hỏi, chứ không phải bắt giữ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Danh tính hãng hàng không có liên quan tới vụ việc xôn xao mà kênh 7News của Úc ám chỉ đã được xác định. Đó là Vietnam Airlines.
Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Ảnh mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)

Cụ thể, tối muộn ngày 17/6, VTC News dẫn nguồn tin tại Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Cục này đã nhận thông tin 9 tiếp viên thuộc tổ bay của Vietnam Airlines bị nhà chức trách của Úc xét hỏi vì mang nhiều tiền mặt.

Tờ Tuổi trẻ Online cũng cho biết thông tin tương tự. "Theo thông tin sơ bộ ban đầu chúng tôi nhận được, sự việc trên xảy ra với các tiếp viên của Vietnam Airlines" - lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam nói trên tờ này.

Tờ báo này viết tiếp: Cụ thể, vào khoảng 11h trưa (theo giờ địa phương) ngày 23-5 vừa qua, nhà chức trách Úc đã đề nghị 9 tiếp viên của Vietnam Airlines vào thẩm vấn và kiểm tra vì phát hiện có mang nhiều tiền mặt ra khỏi Úc. Qua làm việc có 8 người được nhà chức trách cho về Việt Nam, một người được giữ lại thẩm vấn đến 18h cùng ngày mới xong. Người này về Việt Nam trên chuyến bay ngày hôm sau. Đến thời điểm này, nhà chức trách của Úc chưa có thông báo vụ việc với Cục Hàng không Việt Nam.

Bản tin kết thúc bằng đoạn: "Với diễn biến sự việc và thông tin sơ bộ trên, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đặt giả thiết vụ việc không quá nghiêm trọng nên sau thẩm vấn các tiếp viên Việt Nam được về nước mà không bị giữ lại Úc để điều tra. Hiện Cục Hàng không Việt Nam đang chờ báo cáo chính thức từ Vietnam Airlines về vụ việc".

Như đã đưa, ngay sau khi phát hiện thông tin từ 7News, tối 15/6, PV VietTimes đã liên hệ với lãnh đạo cấp cao của Vietnam Airlines. Vị này cho biết mới nắm thông tin thông tin và hẹn sẽ kiểm tra lại bộ phận an ninh hàng không rồi sẽ thông tin đầy đủ sau.

Theo chỉ đạo của vị này, sáng 16/6, một cán bộ Vietnam Airlines đã trao đổi lại với PV. Ông này cho biết đã rà soát thông tin, đồng thời khẳng định qua tin nhắn: "Tất cả các tổ bay của Vietnam Airlines thời gian qua đều thực hiện bay bình thường, không có ai bị giữ hay bị phạt gì ở Úc cả".

Cập nhật

Tối 18/6, VnExpress dẫn báo cáo của Vietnam Airlines gửi Cục Hàng không Việt Nam ngày 17/6 cho biết, nhà chức trách Australia đã kiểm tra tổ tiếp viên khi chuẩn bị thực hiện chuyến bay VN780 Melbourne - TP HCM ngày 23/5. 9/11 tiếp viên phải kiểm tra.

Nhà chức trách Australia sau đó trả lại hộ chiếu và cho phép 8 tiếp viên thực hiện chuyến bay bình thường. Người còn lại làm việc đến 18h cùng ngày thì ra về. Phía Australia không đưa ra bất kỳ cáo buộc nào.

Do chuyến bay VN780 chặng Melbourne - TP HCM ngày 23/5 đã khởi hành nên tiếp viên cuối cùng về Việt Nam sau 2 ngày.

Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, đây là quy trình kiểm tra ngẫu nhiên với hành khách và tổ bay của nhà chức trách Australia. Đến nay Vietnam Airlines chưa nhận được thông báo nào từ phía Australia, đại diện hãng tại Melbourne tiếp tục làm việc, nắm thông tin sự việc.

Hình ảnh từ bản tin của 7News thể hiện rõ các cuốn hộ chiếu mang quốc huy Việt Nam trong tang vật vụ việc. (Ảnh cắt từ clip)

Hình ảnh từ bản tin của 7News thể hiện rõ các cuốn hộ chiếu mang quốc huy Việt Nam trong tang vật vụ việc. (Ảnh cắt từ clip)

Nhiều vụ việc trong trong quá khứ

Lật lại quá khứ, có không ít những vụ thành viên tổ bay Vietnam Airlines (VNA) bị xử lý hay bắt giữ vì vi phạm pháp luật tại nước ngoài, trong đó không thiếu lần là tại nước Úc.

Có thể kể đến như vụ việc liên quan đến phi công mang tên Lại Quốc Việt bị bắt giữ tại Úc do nghi ngờ là có liên quan tới đường dây rửa tiền và ma túy lớn tại quốc gia này vào năm 2008. Theo truyền thông trong nước đã đưa, cùng với ông Lại Quốc Việt còn có ông Trần Đình Quang (cũng là phi công của VNA) cũng tham gia vào đường dây phạm tội. Phi công này bị cơ quan an ninh Úc bắt tại sân bay do mang ngoại tệ vượt quá quy định), sau đó, đã bị kết án tù 4 năm rưỡi do vận chuyển trái phép tổng cộng 6,5 triệu đô la Australia về Việt Nam.

Tiếp đến vào cuối năm 2008, một cơ phó của VNA có tên là Đặng Xuân Hợp cũng đã bị hải quan Nhật Bản tạm giữ điều tra do liên quan đến đường dây tiêu thụ hàng phi pháp tại nước này như quần áo, giày dép… Khi bị cảnh sát Nhật bắt giữ, phi công Đặng Xuân Hợp thừa nhận được trả 100 USD cho mỗi lần chuyển hàng về Việt Nam nhưng không hề biết đó là đồ phi pháp.

Trước đó, vào đầu năm 2008, hai tiếp viên khác là Nguyễn Quý Hiển và Nguyễn Hoàng Hương Xuân bị Hải quan Hàn Quốc bắt giữ tại sân bay Incheon (Hàn Quốc) khi cố mang 300.000 USD vào nước này.

Liên tiếp sau đó, các vụ vận chuyển hàng hóa, tiền, vàng, đồ công nghệ... trái phép của các phi công, tiếp viên của Vietnam Airlines bị bắt giữ tại các nước như Nhật, Hàn, Úc.

Vụ việc nổi đình nhất cách đây hơn 12 năm, đó là vào tháng 6/2010, cơ quan chức năng của Úc bắt giữ tới 7 tiếp viên của VNA để điều tra nghi vấn liên quan việc vận chuyển một số điện thoại iPhone và iPad từ nước này về Việt Nam.

Đến năm 2011, VNA cũng xảy ra vụ ồn ào khi khi tiếp viên Thái Anh Tiến cùng người mẫu Vĩnh Thụy bị khởi tố do liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử, ngoại tệ từ nước ngoài về TP HCM. Sau đó, siêu mẫu Vĩnh Thụy cũng đã bị khởi tố vì liên quan đến đường dây buôn lậu hàng điện tử, ngoại tệ về TP HCM thông qua một số tiếp viên của VNA vào cuối năm 2011.

Vụ việc của tiếp viên VNA Bùi Ngọc Tuấn vào tháng 9/2013 cũng gây ồn ào khi nhân viên an ninh sân bay Nội Bài phát hiện tiếp viên này mang 50 điện thoại iPhone 5S còn nguyên seal từ Paris (Pháp) về nước nhưng không khai báo. Hay vụ việc liên quan đến nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc của VNA bị cảnh sát Tokyo (Nhật Bản) tạm giữ để phục vụ điều tra do nghi ngờ vận chuyển 21 món hàng quần áo trị giá 125.000 yen (tương đương 25,7 triệu đồng). Khi ấy, một số phương tiện thông tin đại chúng của Nhật Bản còn nêu nghi vấn số quần áo nói trên là đồ ăn cắp.

Một vụ việc chấn động là vào năm 2015, 2 nhân viên của hãng VNA là cơ trưởng Nguyễn Văn Dũng và tiếp viên Nguyễn Tuấn Phong đã mang trái phép 6 kg vàng trên chuyến bay khởi hành từ Hà Nội đi đến sân bay quốc tế Gimhae (Pusan, Hàn Quốc). Truyền thông trong nước đã miêu tả vụ việc có nghi vấn liên quan đến đường dây buôn lậu vàng từ Việt Nam ra nước ngoài vào tháng 7/2016.

Vụ việc gần nhất được Tuổi Trẻ Online thông tin là vào tháng 1/2020, một nữ tiếp viên trưởng của VNA đã bị kiểm tra khi đáp chuyến bay số hiệu VN135 Đà Nẵng – TP HCM, qua đó phát hiện vali chứa hàng nghi nhập lậu từ Nhật Bản.

Như VietTimes đã đề cập, trong bản tin được hãng 7News đăng tải, 9 tiếp viên của một hãng hàng không đã bị bắt giữ trong một chiến dịch truy quét được phối hợp thực hiện bởi lực lượng biên giới và cảnh sát liên bang Australia.

Theo thông tin ban đầu, 9 tiếp viên này bị cáo buộc rửa tiền với khoản tiền cụ thể là 60.000 AUD. Số tiền này được chia ra và cất giấu trong hành lý. Các tiếp viên cũng bị tình nghi vận chuyển tiền ma túy (drug money) một cách bất hợp pháp cho các tổ chức ma túy (cartel) ở nước ngoài.

Đáng chú ý, mặc dù quốc tịch của 9 tiếp viên này và hãng hàng không mà họ đang làm việc không được nêu chi tiết trong bản tin, nhưng hình ảnh về tang chứng của vụ án được đăng tải trong video cho thấy hàng loạt tấm hộ chiếu mang quốc huy Việt Nam bị thu giữ.

Điều này làm dấy lên đồn đoán về việc phi hành đoàn bị lực lượng chức năng Australia bắt giữ đến từ một hãng bay của Việt Nam.

(Tổng hợp)