9 lần thế giới cận kề miệng hố chiến tranh hạt nhân

VietTimes -- Kể từ sau khi Mỹ ném hai quả bom hạt nhân xuống Hiroshima và Nagashaki của Nhật Bản năm 1945, thế giới đã biết được sự khủng khiếp của loại vũ khí hủy diệt này. Và kể từ thời điểm đó, loài người đã rất nhiều lần trải qua cảm giác căng thẳng tột độ khi hai siêu cường Mỹ và Liên Xô trước đây đặt tình hình vào trạng thái bên miệng hố chiến tranh hạt nhân. 
Một cuộc diễu hành tên lửa hạt nhân trước khi tổng thống John F. Kennedy phát biểu nhậm chức năm 1961 (Ảnh Public Domain)
Một cuộc diễu hành tên lửa hạt nhân trước khi tổng thống John F. Kennedy phát biểu nhậm chức năm 1961 (Ảnh Public Domain)

Hai vụ ném bom hạt nhân xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki vào tháng 8/1945 đã đánh dấu thời điểm kết thúc Thế Chiến lần thứ 2, và bắt đầu thời kỳ của các loại vũ khí hạt nhân.

Trong suốt thời kỳ Chiến Tranh lạnh, chính sách hủy diệt lẫn nhau giữa Mỹ và Liên Xô – hay còn gọi là “MAD” – nghĩa là nếu một quốc gia sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công một quốc gia khác, thì ngay lập tức quốc gia bị tấn công sẽ có một đòn đáp trả tương tự giáng lên đối phương.

Trong suốt thời kỳ Chiến Tranh lạnh, và rất nhiều lần sau đó, thế giới đã phải nín thở khi các siêu cường tiến rất gần đến một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Xin điểm lại 9 lần thế giới đã phải đứng bên miệng vực chiến tranh hạt nhân – nhưng may mắn đã không xảy ra.

Ngày 5/10/1960 – Mặt trăng bị nhầm thành những quả tên lửa

Các trạm radar phát hiện Thule AN/FPS-50 (Ảnh Wikimedia)

Các loại ra đa cảnh báo sớm nhanh chóng trở thành công cụ quan trọng nhất trong kỷ nguyên hạt nhân. Các trạm ra đa của Mỹ được xây dựng khắp nơi trên thế giới nhằm sớm phát hiện các tên lửa sắp được phóng đi của Liên Xô, cảnh báo đến nước Mỹ về các cuộc tấn công hạt nhân và cho phép tổng thống ra lệnh thực hiện biện pháp đáp trả.

Ngày 5/10/1960, một lời cảnh báo tấn công hạt nhân đã được phát ra từ trạm ra đa cảnh báo sớm mới được xây dựng ở Thule, Greenland (nay được gọi là Qaanaaq). Theo báo cáo, có hàng chục quả tên lửa đã được phát hiện, và có thời điểm họ cho rằng những quả tên lửa hạt nhân này sẽ chạm đến nước Mỹ trong 20 phút nữa.

Cả Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) ở Colorado trở nên hoảng loạn, và NORAD đã được đặt ở mức báo động cao nhất.

Tình trạng hoảng loạn nhanh chóng được xoa dịu sau khi người ta phát hiện ra rằng Bí thư Liên Xô là ông Nikita Khrushchev đang thăm New York vào thời điểm đó. Một cuộc điều tra sau đó đã được tiến hành và thấy rằng ra đa này đã nhầm giữa hiện tượng trăng lên ở Na Uy với các tên lửa của Liên Xô.

Ngày 24/11/1961 – Công tắc điện cũng gây nên hiểm họa

Hình ảnh hình vòng cung của trạm Thule (ẢnhWikimedia)

Trong hơn một năm sau đó, Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ (SAC) ở Omaha, Nebraska đã mất liên lạc với trạm ra đa Thule. Các sỹ quan SAC khi đó đã cố gắng liên lạc với Trụ sở NORDA ở Colorado, nhưng đường dây này lúc đó được cho là đã bị đứt.

Trước đó, đã có thông tin xác định rằng khả năng cả đường dây liên lạc của Thule và NARAD sẽ bị đánh sập do sự cố kỹ thuật rất chậm, điều này làm cho SAC tin rằng Liên Xô đang thực hiện một cuộc tấn công.

Tất cả các lực lượng trực chiến của SAC đều được lệnh chuẩn bị cất cánh, nhưng lệnh này đã được thu hồi khi một máy bay ném bom của Mỹ đã cố gắng liên lạc với Thule và xác nhận là không có cuộc tấn công nào cả.

Sau đó người ta điều tra ra rằng một chiếc công tắc bị hỏng đã làm ngắt toàn bộ đường dây liên lạc, thậm chí là cả đường dây nóng khẩn cấp giữa SAC, Thule và NORAD.

Ngày 25/10/1962 – Một chú gấu đã làm cho cuộc khủng hoảng tên lửa của Cuba trở nên nóng bỏng

Máy bay F-106 Delta Darts (Ảnh Wikimedia)

Cuộc Khủng hoảng Tên lửa Cuba có lẽ là lần thế giới tiến gần nhất đến một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu từ trước đến nay. Bốn vụ việc trong một sự kiện kéo dài 13 ngày, và sự cố đầu tiên xảy ra vào ngày 25/10/1962.

Những căng thẳng đã lên đến mức rất cao trong suốt cuộc khủng hoảng này, và quân đội Mỹ đã được đặt ở mức DEFCON 3 (tình trạng sẵn sàng phòng thủ), chỉ cách hai mức nữa là đến mức chiến tranh hạt nhân.

Chỉ mới bước quan thời điểm nửa đêm ngày 25/10, một người lính thuộc Trung tâm Điều khiển bay Duluth ở Minnesota đã thấy hình dáng một người đang cố gắng trèo qua hàng rào bao quanh trung tâm. Người lính này lo rằng người trèo qua hàng rào là một kẻ đột nhập của Liên Xô, và đã bắn vào kẻ đột nhập đó, kích hoạt toàn bộ tín hiệu báo động.

Tín hiệu này kích hoạt các lực lượng không quân đột kích nhanh chóng đến các căn cứ không quân trong khu vực. Các phi công tại Volk Field ở Wisconsin cảm thấy lo lắng bởi họ biết rằng khi quân đội được đặt ở mức cảnh báo DEFCON 3 thì hiện tượng trên không phải là thử nghiệm hay diễn tập.

Các phi công được lệnh đến các máy bay đánh chặn F-106 có trang bị vũ khí hạt nhân, và đang trên xe tiến ra các máy bay thì họ được biết đây là một cảnh báo sai. Một chiếc xe đuổi theo ra đến sân bay để ngăn họ lại.

Kẻ đột nhập đó hóa ra lại là một con gấu.

Ngày 27/10/1962 – Một tàu ngầm của Liên Xô gần như sắp phóng một quả ngư lôi hạt nhân

Tàu ngầm Liên Xô B-59 nổi lên mặt nước, với một chiếc trực thăng của Hải quân Mỹ bay lượn phía trên ở biển Caribe gần Cuba ngày 29/10/1962 (Ảnh Wikimedia)

Hai sự kiện xảy ra trong cùng một ngày – ngày 27/10/1962, vì thế nhiều người coi đây là ngày nguy hiểm nhất trong lịch sử.

Sáng ngày 27/10/1962, một chiếc máy bay trinh thám U-2F Mỹ đã bị lực lượng Liên Xô bắn hạ, phi công thiệt mạng làm căng thẳng leo thang lên mức cao nhất giữa hai siêu cường.

Sau đó, một chiếc tàu ngầm của Liên Xô có tên B-59, đã bị phát hiện là đang cố vượt vòng vây mà Hải quân Mỹ đã thiết lập xung quanh Cuba. Tàu khu trục USS Beale đã thả các loại thủy lôi chống ngầm để buộc con tàu này của Liên Xô phải nổi lên.

Chỉ huy tàu B-59, Valentin Savisky cho rằng tàu ngầm của họ đang bị tấn công và ra lệnh cho cả tàu chuẩn bị loại ngư lôi hạt nhân để phóng vào tàu sân bay USS Randolf.

Cả ba sỹ quan cao cấp trên tàu B-59 đều thống nhất phóng trước khi để tàu ngầm của họ phải nổi lên. May mắn là phó chỉ huy tàu, Vasili Arkhipov, không đồng ý với hai người khác và đã thuyết phục chỉ huy tàu nổi lên và đợi lệnh từ Matxcơva.

Ngày 27/10/1962 – Không quân Mỹ đã cho các loại máy bay được trang bị vũ khí hạt nhân cất cánh

Máy bay Convair F-102 Delta Dagger (Ảnh Wikimedia)

Cùng ngày hôm đó, các phi công thuộc Không quân Mỹ gần như sắp gây ra Thế Chiến III khi tiến vào biển Bering, khu vực nằm giữa Alaska và Nga.

Một máy bay trinh sát U-2 của Không quân Mỹ đang trên đường bay đến Bắc Cực để thực hiện nhiệm vụ. Kế hoạch do thám này đã vô tình bay qua không phận Liên Xô, bị mất phương hướng và phải mất 90 phút trước khi bay về phía đông để thoát ra khỏi khu vực.

Khi bị phát hiện, đã có ít nhất 6 chiếc máy bay MiG của Liên Xô được lệnh bắn hạ chiếc U-2. Bộ Chỉ Huy Không quân chiến lược Mỹ đã rất lo ngại khả năng mất thêm một chiếc U-2 khác, nên họ cử phi đội máy bay F-102 Delta Dagger được trang bị tên lửa hạt nhân không đối không Falcon đi giải cứu.

Khi nắm chắc được tình hình, bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Robert McNamara đã phải hét lên rằng: “Việc này sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến với Liên Xô!”. Tổng thống John F. Kennedy than thở: “luôn có vài rắc rối không thể hiểu nổi”.

May mắn là những chiếc F-102 không vấp phải MiG của Liên Xô và đã hộ tống được chiếc U-2 trở về Alaska.

Ngày 28/10/1962 – những nhân viên điều khiển ra đa không phân biệt được một vệ tinh bí ẩn

Những người biểu tình đại diện cho tổ chức có tên Women Strike for Peace mang các tấm biểu ngữ đứng ngoài trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, ngày 23/10/1962.  (Ảnh Associated Press)

Một ngày sau các sự kiện đó, những nhân viên điều khiển ra đa ở Moorestown, New Jersey đã báo cáo với Bộ chỉ huy MORAD trước 9 giờ sáng rằng các tên lửa hạt nhân của Liên Xô đang trên đường bay, và có thể tấn công chính xác vào Tampa, Florida, Mỹ vào  9 giờ 2 phút.

Tất cả nhân viên NORAD ngay lập tức được phát tín hiệu báo động và chuẩn bị đáp trả, nhưng thời điểm 9 giờ 2 phút trôi qua mà không hề có tiếng nổ nào, buộc NORAD phải hoãn hành động.

Sau này người ta phát hiện ra rằng các nhân viên điều khiển ra đa ở Moorestown đã bị nhầm lẫn bởi trung tâm này đang chạy một cuốn băng thử nghiệm mô phỏng một vụ phóng tên lửa từ Cuba khi một vệ tinh vô tình xuất hiện trên tầm phát hiện của ra đa.

Các ra đa phụ cũng không hoạt động vào thời điểm đó, và các nhân viên vận hành ở Moorestown không được biết là vệ tinh quay lại bởi trung tâm này đang đảm nhận nhiệm vụ đó trên một chiến dịch khác liên quan đến tình hình Cuba.

Ngày 9/11/1979 – Một cuộc diễn tập huấn luyện đã gần như biến thành thực chiến

Một tướng Mỹ và một tư lệnh không quân Canada đang phối hợp chỉ huy lực lượng không quân ở Bắc Mỹ, ngày 26/01/1966 (Ảnh Associated Press)

Vào lúc 3 giờ sáng ngày 9/11/1979, các máy tính ở Bộ Chỉ Huy NORAD đã phát các tín hiệu cảnh báo rằng hàng ngàn tên lửa hạt nhân của Liên Xô đã được phóng đi từ các tàu ngầm và đang hướng vào nước Mỹ.

SAC ngay lập tức được báo động và các đơn vị tên lửa của Mỹ cũng được phát báo động ở mức cao nhất. Các máy bay ném bom hạt nhân chuẩn bị cất cánh.

National Emergency Airborne Command Post (Trạm chỉ huy không quân khẩn cấp quốc gia) - chiếc máy bay được cho là chở tổng thống để đảm bảo vị trí chỉ huy của ông đối với một cuộc tấn công hạt nhân thậm chí đã cất cánh, mặc dù lúc đó không có tổng thống Jimmy Carter trên máy bay.

Cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinski biết rằng thời gian để tổng thống đưa ra quyết định là từ 3 đến 7 phút. Và ông quyết định nán việc cho tổng thống Carter biết tình hình để chắc chắn xem đây có phải là một mối đe dọa thực sự không.

6 phút căng thẳng tột độ đi qua và các vệ tinh xác nhận rằng không hề có cuộc tấn công hạt nhân nào hướng vào Mỹ. Sau đó người ta phát hiện ra rằng một nhân viên kỹ thuật đã vô tình cài một cuộn băng huấn luyện mô phỏng một tình huống như vậy vào trong máy tính.

Marshall Shulman, khi đó là cố vấn cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong một bức thư hiện nay đã được giải mật cho biết rằng có những thông tin tuyệt mật mà “các báo động sai kiểu này không phải là hiếm gặp. Đây là một sự tự hào về khi đã đưa ra được một quyết định đúng đắn”.

Ngày 26/9/1983 – Một đại tá quân đội Liên Xô đã thực hiện một ván cược lớn nhất lịch sử

Pavel Golovkin (Ảnh AP)

Nửa đêm ngày 26/9/1983, các nhân viên vận hành vệ tinh của Liên Xô tại trung tâm Serpukhov -15 phía bắc Moscow đã phát ra một cảnh báo rằng một tên lửa hạt nhân của Mỹ đã được phóng đi. Sau đó, có hơn 4 tên lửa nữa được phát hiện.

Căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô trước đó đã lên đến đỉnh điểm khi tên lửa bắn hạ máy bay Flight 007 của hãng hàng không Korean Air Lines gần đảo Sakhalin, khiến 269 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có nghị sĩ Mỹ Larry McDonald.

Sỹ quan chỉ huy của trung tâm điều khiển vệ tinh, Stanislav Petrov, phải thông báo cho cấp trên về những tên lửa Mỹ đã phóng, từ đó họ sẽ có biện pháp đáp trả thích đáng. Chính sách của Liên Xô khi đó yêu cầu phải có một cuộc tấn công trả đũa toàn diện.

Biết được điều đó, Petrov đã quyết định không thông báo với cấp trên. “Tất cả những gì tôi phải làm là tiến lại chiếc điện thoại; nhấc máy lên gọi trực tiếp với chỉ huy cao nhất – nhưng tôi gần như không thể nhấc tay lên được. Tôi cảm thấy mình như ngồi trên đống lửa”, ông nhớ lại ký ức khủng khiếp đó.

Lý do ông đưa ra là nếu có ý định tấn công hạt nhân Liên Xô, thì Mỹ phải bắn đi hàng trăm quả tên lửa, chứ không phải chỉ có 5 quả.

Nhưng ông Petrov không có cách gì để biết được ông có đúng hay không nếu không có đủ thời gian, nhưng khoảng thời gian ông cần cũng là đủ để cho các tên lửa Mỹ đến được mục tiêu. Vì thế việc ông Petrov đưa ra quyết định của mình trở thành một ván cược lớn nhất và nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người.

Sau 23 phút, ý nghĩ cho rằng đây là một báo động sai của ông Petrov đã được xác nhận. Sau này người ta phát hiện ra rằng một vệ tinh của Liên Xô đã nhầm giữa ánh nắng mặt trời phản chiếu vào phía trên những đám mây thành các tên lửa.

Ngày 25/1/1995 – Con người vẫn chưa thoát khỏi mối lo ngại hạt nhân sau khi Liên Xô đã sụp đổ

Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nâng cốc chúc mừng với tổng thống Nga lúc đó là Boris Yeltsin trong một bữa chiêu đã được ông Yeltsin tổ chức ở điện Kremlin ngày 14/1/1994 (Ảnh Associated Press)

4 năm sau khi Liên Xô sụp đổ, tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga, ông Boris Yeltsin, gần như đã khởi động một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Ra đa cảnh báo sớm của Nga đã phát hiện một vụ phóng tên lửa với các đặc điểm tương tự như vụ phóng tên lửa Trident từ tàu ngầm ngoài khơi bờ biển Na Uy.

Tên lửa bị phát hiện thực chất là một quả đạn rocket khoa học Black Brant của Na Uy nhằm thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu hiện tượng bắc cực quang. Chính phủ Na Uy đã thông báo cho điện Kremlin biết về vụ phóng, nhưng các nhân viên vận hành ra đa lại không được biết thông tin đó.

Tổng thống Yeltsin đã được trao Cheget - chiếc cặp hạt nhân phiên bản Nga (còn được gọi là Football), và mã số phóng của kho tên lửa của Nga. Các tàu ngầm của Nga cũng đã được đặt trong tình trạng báo động.

Rất may tổng thống Yeltsin tin rằng đây chỉ là một báo động sai, và ông đã đúng. Các vệ tinh của Nga đã xác nhận là không có hoạt động nào từ các giàn tên lửa của Mỹ.