7 người phụ nữ góp phần thay đổi thế giới

VietTimes – Từ xa xưa, phụ nữ đã chứng tỏ mình không thua kém gì nam giới, bằng chứng là những khám phá quan trọng thay đổi thế giới. Tuy nhiên có một thực tế là những phát minh của phụ nữ trong nhiều thế kỷ qua đã bị lu mờ bởi nam giới và bị lịch sử lãng quên.

Theo nhà sử học, tiến sĩ Bettany Hughes, chỉ có 0,5% thành tựu của phụ nữ về nghệ thuật, khoa học, chính trị và các lĩnh vực khác được lịch sử được ghi lại. Ngày nay, với sự phát triển của xã hội, cuộc đấu tranh vì bình đẳng giới cũng phát triển giúp các nhà khoa học nữ có điều kiện phát huy tài năng. Ngược dòng lịch sử, sau đây là hình ảnh 7 người phụ nữ đã thay đổi thế giới nhưng không hề được xướng tên trong lịch sử.

1. Margaret Hamilton, sinh năm 1936

Ảnh: BrightSide
Ảnh: BrightSide

Có lẽ hầu hết mọi người đều đã từng nghe về sứ mệnh không gian Apollo 11 hạ cánh thành công, đưa 2 người đầu tiên trên mặt trăng vào năm 1969. Trong khi tất cả sự chú ý của truyền thông đều tập trung vào NASA và những người đàn ông tham gia nhiệm vụ đó. Ít ai biết rằng đứng sau thành công này là bóng dáng của những người phụ nữ, và nhà khoa học máy tính Margaret Hamilton là một trong số họ. Phần mềm mà cô và nhóm của mình phát triển đã giúp các phi hành gia của NASA hạ cánh an toàn trên mặt trăng.

Trước đây, khi công nghệ máy tính chưa phát triển như hiện nay, Margaret phải xử lý các thẻ đục lỗ để tải thông tin vào các máy tính khổng lồ và không có giao diện. Bà phải làm việc rất chăm chỉ để tạo và kiểm tra kỹ lưỡng phần mềm. Bức ảnh trên cho thấy Hamilton đứng cạnh một đống giấy tờ khổng lồ chứa dữ liệu phần mềm điều hướng mà do bà tạo ra cho nhiệm vụ Apollo 11.

2. Margaret Sanger, 1879 - 1966

Ảnh: BrightSide
Ảnh: BrightSide

Margaret Sanger là một nhà hoạt động quyền phụ nữ tại Mỹ. Mẹ của bà, Anne, đã có 11 đứa con và một vài lần sảy thai. Điều này khiến Margaret tin rằng chính điều này đã khiến mẹ bà qua đời sớm. Vì thế, Margaret quyết tâm theo học tại trường cao đẳng Claverack và sau đó làm y tá sản khoa tại các bệnh viện ở New York. Trong quá trình làm việc ở vị trí chăm sóc y tế khiến bà nhận thấy mối tương quan giữa nghèo đói, sinh đẻ không có kế hoạch với tỷ lệ tử vong cao ở các bà mẹ do nạo phá thai bất hợp pháp.

Margaret Sanger đã đặt ra nền móng thuật ngữ “kiểm soát sinh nở” và đấu tranh cho phụ nữ về quyền sử dụng biện pháp tránh thai. Một số ấn phẩm về kế hoạch hóa gia đình của bà bị coi là vô đạo đức, khiến bà phải đối mặt với các cáo buộc, thậm chí phải trốn sang Anh vào năm 1914. Năm 1916, sau khi trở về Mỹ, bà đã mở phòng khám ngừa thai đầu tiên. Bất chấp những luồng ý kiến trải chiều và các cáo buộc sau đó, bà đã giành quyền cho các bác sĩ được phép kê toa thuốc tránh thai cho phụ nữ thời bấy giờ.

3. Victoria Woodhull, 1838 - 1927

Ảnh: BrightSide
Ảnh: BrightSide

Victoria Woodhull là một nhà cải cách, nhà tâm linh và người ủng hộ quyền phụ nữ tại Mỹ. Bà được biết đến là người phụ nữ đầu tiên ra đứng ra tranh cử tổng thống Mỹ vào năm 1872. Woodhull là một diễn giả tài năng, bà thường thuyết trình công khai về việc bảo vệ quyền của phụ nữ, thậm chí diễn thuyết trước Quốc hội. Để đẩy mạnh hoạt động về mặt chính trị, bà đã tổ chức Đảng Quyền bình đẳng và tranh cử tổng thống Hoa Kỳ trên phiếu bầu của nhóm chính trị.

Vì nhiều mối quan hệ và tư tưởng cấp tiến, Woodhull bị xã hội chỉ trích mạnh mẽ. Một số nguồn tin cho biết bà đã không nhận được bất kỳ phiếu bầu cử nào trong cuộc bầu cử năm 1872. Mặc dù chiến dịch tranh cử tổng thống không thành công, bà sẽ luôn đứng trong lịch sử với tư cách là người phụ nữ đầu tiên cố gắng trở thành tổng thống Hoa Kỳ.

4. Rosalind Franklin, 1920 - 1958

Ảnh: BrightSide
Ảnh: BrightSide

Rosalind Franklin là một nhà khoa học người Anh có đóng góp đột phá cho sự nghiên cứu về cấu trúc phân tử của DNA và virus. Trong thời kỳ Thế chiến II, bà đã từng phục vụ như một cai ngục không kích ở London. Bà thậm chí còn làm việc cho Hiệp hội nghiên cứu sử dụng than của Anh, nơi bà nghiên cứu carbon và than phục vụ nhu cầu chiến tranh.

Năm 1951, cô theo học trường cao đẳng Hoàng gia Anh tại London. Khi bắt đầu tham gia nghiên cứu, bà sớm phát hiện ra rằng các phân tử DNA có cấu trúc xoắn ốc với sự trợ giúp của các phương pháp X-quang. Khám phá của bà đã cho phép các nhà khoa học khác nghiên cứu kỹ hơn và đề xuất rằng cấu trúc DNA là một vòng xoắn kép bao gồm 2 sợi quấn quanh nhau.

5. Chien-Shiung Wu, 1912 - 1997

Ảnh: BrightSide
Ảnh: BrightSide

Chien-Shiung Wu là một nhà vật lý hạt nhân người Mỹ gốc Trung, là người có đóng góp rất lớn cho Dự án Manhattan tại Đại học Columbia và ngành vật lý hạt nhân nói chung. Bà đã khám phá ra cách để làm giàu uranium và chứng minh bằng thực nghiệm cho nghiên cứu này. Một loạt các thí nghiệm hạt nhân mà bà đã thực hiện cùng với 2 nhà khoa học nam, gồm Tsung-Dao Lee và Chen Ning Yang, đã giành giải thưởng Nobel vật lý vào năm 1957. Thật không may, Chien-Shiung Wu đã bị loại trừ khỏi danh sách nghiên cứu khi đạt giải Nobel, giống như nhiều nhà khoa học nữ khác thời đó. Điều này làm cho bà rất bất bình trước sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong xã hội lúc bấy giờ.

6. Nettie Stevens, 1861 - 1912

Ảnh: BrightSide
Ảnh: BrightSide

Nettie Maria Stevens là một trong những nhà tiên phong trong lĩnh vực sinh vật học và di truyền học tại Mỹ. Bà là một trong những nhà khoa học đầu tiên phát hiện ra rằng nhiễm sắc thể quyết định giới tính. Một loạt các thí nghiệm với giun vàng được thực hiện vào năm 1905 đã giúp bà tìm thấy sự kết hợp nhất định của nhiễm sắc thể X và Y, chịu trách nhiệm xác định giới tính của các cá thể.

Năm 1904, bà đã tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực tế bào học và quá trình tái sinh cùng với nhà động vật học và nhà di truyền học Thomas Hunt Morgan. Công trình này sau đó đã được nhận giải Nobel vào năm 1933, tuy nhiên không hề có tên bà.

7. Barbara McClintock, 1902 - 1992

Ảnh: BrightSide
Ảnh: BrightSide

Barbara McClintock là một nhà tế bào học người Mỹ. Bà là người đầu tiên phát hiện ra các yếu tố di truyền động hay còn gọi là “gen nhảy”, có thể xuất hiện ở các vị trí khác nhau trong bộ gen. McClintock đã thực hiện khám phá này trong khi nghiên cứu các biến đổi màu sắc trên hạt ngô. Các thí nghiệm của McClintock với ngô cho thấy thông tin di truyền không ổn định và một số gen có thể di chuyển dọc theo nhiễm sắc thể, ảnh hưởng đến các gen lân cận.

Điều bất công là mặc dù phát hiện của McClintock đã đi trước thời đại nhưng kết quả ban đầu không được thừa nhận trong rất nhiều năm. Bà đã rất thất vọng đến nỗi ngừng việc nghiên cứu. Mãi đến những năm 1960 và 1970, cộng đồng khoa học mới bắt đầu thừa nhận kết quả công việc trước đây của bà. Kết quả là, phát hiện đột phá này đã đoạt giải thưởng Nobel vào năm 1983.

Theo BrightSide