Tổng cục Hải quan dự kiến tích hợp 60 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lên Cổng dịch vụ Công quốc gia trong năm 2020. Ảnh: Tạp chí tài chính
|
Bộ Tài chính vừa có quyết định ban hành Danh mục dịch vụ công trực tuyến của Bộ Tài chính tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia năm 2020. Trong đó riêng lĩnh vực hải quan dự kiến sẽ có 60 dịch vụ mức độ 4.
Theo quyết định mới, Bộ Tài chính sẽ triển khai thực hiện tích hợp 194 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lên Cổng dịch vụ công Quốc gia trong năm 2020.
Cụ thể, cơ quan Bộ Tài chính sẽ tích hợp 24 dịch vụ công trực tuyến liên quan tới lĩnh vực kế toán, kiểm toán và lĩnh vực quản lý giá. Trong đó, tổng cục Hải quan tích hợp 60 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Kho bạc Nhà nước sẽ tích hợp 6 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tích hợp 11 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; Tổng cục Thuế tích hợp 2 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 91 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Bộ Tài chính cũng yêu cầu thủ trưởng các đơn vị tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong đó phải tập trung tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, đơn giản hóa các thủ tục hành chính mức độ 3,4 để tích hợp. Đồng thời cung cấp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo hướng cắt giảm mạnh chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, phải bảo đảm tích hợp, cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công mức 3,4 trên Cổng dịch vụ Công quốc gia trong năm 2020 theo chỉ đạo của Chính phủ.
Chủ động rà soát xây dựng lộ trình chi tiết triển khai, khẩn trương tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công Quốc gia bảo đảm hoàn thành theo nguyên tắc đảm bảo đến Quý II/2020 hoàn thành tích hợp tối thiểu 30% (Tổng cục Hải quan tối thiểu 10%). Đến Quý III/2020 đạt tối thiểu 70% (Tổng cục Hải quan tối thiểu 40%) và đến Quý IV/2020 hoàn thành tích hợp 100% số dịch vụ công trực tuyến.
Bộ Tài chính cũng tiếp tục chuẩn hóa thông tin, dữ liệu thủ tục hành chính và cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính, mã hồ sơ trên hệ thống một cửa điện tử bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận, thực hiện, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính.
Đẩy mạnh thanh toán trực tuyến phí, lệ phí, thuê, thu phạt xử lý vi phạm hành chính và các nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Tài chính góp phần thực hiện thành công giải pháp đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Ưu tiên dịch vụ người dân, doanh nghiệp quan tâm
Theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, ứng dụng CNTT trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp đã được Tổng cục Hải quan thực hiện mạnh mẽ.
Các thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan hiện nay đang được ngành Hải quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên các hệ thống gồm: Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS); Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến HQ36a, Cổng thanh toán điện tử; Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Tính đến hết quý I/2020, ngành Hải quan đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 cho 171/192 thủ tục hành chính,đạt tỷ lệ 89%. Trong đó, có 162 thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 84,4%). Bên cạnh đó, Cổng thông tin một cửa quốc gia đã cung cấp 198 thủ tục hành chính của 13 bộ ngành, xử lý trên 3 triệu bộ hồ sơ của trên 37.000 doanh nghiệp.
Trong 4 tháng đầu năm nay, ngành Hải quan đã tích cực nâng cấp các hệ thống, đẩy mạnh triển khai việc kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia và nỗ lực triển khai các thủ tục hành chính lên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Cũng theo danh mục dịch vụ vừa được Bộ Tài chính ban hành, các dịch vụ được tích hợp là các nhóm thủ tục được người dân, doanh nghiệp quan tâm như: thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, đưa ra cảng trung chuyển; thủ tục xác nhận hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; Thủ tục cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy không nằm trong mục đích thương mại; Thủ tục xử lý tiền thuế, tiền nộp chậm, tiền phạt nộp thừa,…
Theo ICTNews