Hiện nay tất cả smartphone cao cấp (trừ iPhone 11) khi bán ra đều có kèm cục sạc nhanh bên trong hộp. Tuy nhiên, liệu viên pin của smartphone có bị ảnh hưởng để đổi lấy sự tiện lợi của sạc nhanh?
Theo nghiên cứu của ComTech vào quý III, người dùng cần pin tốt hơn cả camera chụp ảnh đẹp trên smartphone. Việc kéo dài tuổi thọ pin cũng rất được quan tâm. Chính nỗi ám ảnh về pin đã dẫn đến những công nghệ sạc nhanh được tích hợp ngày càng rộng rãi. Với phần lớn smartphone hiện nay, chỉ cần sạc khoảng 10 phút là máy đã có đủ pin để người dùng di chuyển về nhà hoặc tới nơi khác mà không lo sập nguồn.
Dưới đây là những sự thật cần biết về pin, được Cnet tổng hợp từ ý kiến của các chuyên gia pin.
Đừng trông mong pin smartphone tốt lên nhanh chóng
Các thiết bị hiện nay, không chỉ smartphone mà cả xe điện hay các thiết bị điện tử khác, đều dùng pin sạc lại được công nghệ li-ion. Công nghệ pin đã không có bước tiến đáng kể nào trong hàng chục năm qua. Việc cải thiện pin chủ yếu đến từ các tính năng tiết kiệm pin bằng phần mềm, cũng như các tính năng quản lý sạc.
Các nhà sản xuất hiện nay đang tập trung vào phát triển công nghệ pin cho xe hơi, vệ tinh hơn là smartphone. Đây là các lĩnh vực cần thời gian sử dụng pin lâu dài, có thể lên tới hàng chục năm chứ không phải chỉ vài năm như những thiết bị chúng ta cầm trong tay.
Một giới hạn nữa của smartphone là kích thước quá nhỏ. Kích thước pin càng lớn, năng lượng trữ được trong pin càng nhiều. Pin trên chiếc Tesla Model 3 có dung lượng gấp khoảng 4.000 lần chiếc iPhone 11 Pro Max.
Với dung lượng pin lớn, các nhà sản xuất pin xe hơi cũng dễ dàng áp dụng tính năng bảo vệ pin bằng cách chỉ sạc đến 80% dung lượng pin để tránh điện áp quá cao trong quá trình sạc cuối. Phương pháp này có thể kéo dài tuổi thọ pin lên gấp đôi.
Sạc nhanh không làm hại pin của máy
Một cục sạc thông thường chỉ có công suất 5-10 W. Sạc nhanh có thể cho công suất co hơn tới 8 lần. Chiếc iPhone 11 Pro và Pro Max được trang bị sạc 18 W, Samsung Galaxy Note10 và Note10+ có sạc 25 W ngay trong hộp. Samsung còn có lựa chọn sạc 45 W bán rời với giá 50 USD.
Trừ khi pin hoặc sạc có vấn đề từ trước, việc sử dụng sạc nhanh sẽ không khiến cho pin của smartphone hư hỏng về lâu dài.
Những cục sạc nhanh hoạt động theo 2 giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, khi pin thấp hoặc không có năng lượng thì sạc sẽ đẩy dòng điện với điện áp lớn. Điều này giúp pin tăng nhanh chóng lên khoảng 50-70% chỉ trong 10-30 phút. Khi dung lượng pin thấp, những viên pin có thể chịu điện áp lớn mà không lo ngại hư hỏng.
Samsung cho biết cục sạc 45 W của họ có thể sạc từ mức cạn pin lên 70% chỉ trong 30 phút. Với iPhone 11 Pro, cục sạc nhanh có thể sạc lên mức 50% trong 30 phút.
Tuy nhiên, mức 20 hoặc 30% còn lại sẽ mất thời gian sạc tương đương phần lớn pin lúc đầu. Ở giai đoạn thứ hai, các nhà sản xuất phải lập trình để sạc với điện áp thấp hơn, dung lượng pin tăng chậm hơn nhằm tránh các vấn đề với pin về lâu dài.
Arthur Shi, kỹ sư chuyên mổ smartphone tại iFixit ví von pin của smartphone giống một miếng bọt biển. Mới đầu khi đổ nước vào, bọt biển thấm nước rất nhanh. Càng về sau, bọt biển sẽ càng ngấm chậm hơn.
Thường thì pin smartphone ít khi gặp hư hại nếu như mọi thứ đều hoạt động chuẩn như thiết kế. Hệ thống kiểm soát năng lượng sẽ đảm bảo hai giai đoạn đều đúng như nhà sản xuất mong muốn. Những sự cố quy mô lớn như cháy, nổ pin Samsung Galaxy Note7 đến từ lỗi pin hơn là từ tính năng sạc nhanh.
Bạn không thể sạc pin "quá đầy"
Nhiều người lo ngại cắm sạc liên tục sẽ khiến pin bị quá đầy và hỏng pin. Tuy nhiên, các chuyên gia pin cho biết hệ thống quản lý pin có thể dừng sạc khi pin đạt đến 100% dung lượng.
"Trừ khi có lỗi mạch pin, bạn không thể sạc pin quá dung lượng. Có những cơ chế để bảo vệ khỏi hiện tượng đó", Venkat Srinivasan, nhà nghiên cứu về pin tại phòng thí nghiệm Argonne cho biết.
Tuy nhiên, giữ pin ở mức 100% quá lâu cũng có thể khiến cho pin chịu áp lực từ dòng điện. Do vậy, nhiều hãng xe chỉ cho sạc pin mới tới mức 80%. Apple thì đưa ra tính năng học thói quen sạc pin trên iOS 13, và chỉ sạc đầy gần thời gian người dùng thường rút ra vào mỗi sáng.
Nếu không dùng thiết bị iOS, bạn có thể tự canh và rút pin ra mỗi khi máy đạt khoảng 80% dung lượng, tuy nhiên đổi lại pin sẽ không dùng được lâu như sạc đầy.
Không nên để máy cạn pin
Trước kia, lời khuyên đối với các thiết bị dùng pin là thỉnh thoảng bạn nên để pin cạn sạch để máy "đặt lại" pin. Tuy nhiên, với pin hiện nay thì đó không còn là vấn đề.
Để máy cạn kiệt pin còn có thể gây ra các phản ứng hóa học bên trong pin khiến tuổi thọ pin giảm. Để tránh cho máy cạn pin, hệ thống sẽ tự động chuyển sang chế độ tiết kiệm pin khi dung lượng xuống thấp. Tốt nhất là bạn nên chủ động tránh cho máy cạn pin và sạc khi dung lượng xuống còn khoảng 30%.
Nhiệt độ cao có thể gây hại cho pin
Nhiệt độ cao là một yếu tố nguy hiểm với pin, có thể khiến tuổi thọ pin bị giảm nhanh. Ở nhiệt độ 30 độ C, pin sẽ dần mất đi hiệu quả, theo Isidor Buchmann, CEO công ty pin Cadex Electronics. Nhiệt độ quá cao thậm chí có thể gây cháy, nổ pin.
Hãy tránh sử dụng điện thoại khi ra ngoài nắng hay để điện thoại lên táp lô xe để tránh các môi trường nóng. Tất nhiên, bạn cũng không cần phải dùng điện thoại bên trong một tủ đá. Khi máy nóng lên, có thể dùng khăn để làm mát nhanh những chỗ nóng.
Không cần phải dùng sạc và dây của cùng một hãng
Sạc hay dây giả không tốt, nhưng bạn cũng không nhất thiết phải dùng sạc và cáp của cùng một hãng. Dùng hai phụ kiện lệch nhau sẽ không gây hại cho pin, nhưng máy sẽ không sạc nhanh như ý đồ của nhà sản xuất.
Một số hãng như Huawei và OnePlus yêu cầu người dùng phải dùng cả sạc và dây của hãng để đạt tốc độ sạc nhanh như quảng cáo, bởi cả hai phụ kiện đều có những mạch nhằm đảm bảo tốc độ sạc cao nhất.
Các hãng như Samsung hay Apple thì hầu như tuân theo các tiêu chuẩn sạc nhanh chung, do vậy bạn có thể thay đổi phụ kiện một cách đa dạng mà không lo ảnh hưởng tới tốc độ sạc. Tất nhiên, nếu muốn chắc chắn thì hãy sử dụng sạc và dây theo hộp.
Làm thế nào để dùng pin được lâu nhất?
Để có được thời lượng pin tốt nhất, bạn có thể dùng các mẹo tiết kiệm pin như giảm độ sáng màn hình, tắt Wi-Fi hoặc Bluetooth khi không dùng đến, hạn chế ứng dụng dùng kết nối dữ liệu và GPS ở nền.
Dù sao, tất cả những thiết lập đó cũng chỉ giúp pin lâu hỏng hơn mà thôi. Do vậy, bạn cũng có thể tự tin dùng máy mà không cần lo lắng nhiều về pin.
Theo Zing