50 triệu người dùng bị ảnh hưởng vì lỗ hổng trên Windows 10

Hệ điều hành mới nhất của Microsoft, Windows 10 tiếp tục bị đặt trong tình trạng nguy hiểm vì những lỗ hổng liên tiếp trong vài tuần gần đây.

Theo nguồn tin từ Forbes, Microsoft đã đưa ra lời cảnh báo đến 10 triệu người dùng Windows 10 rằng bản cập nhật mới nhất mang tên KB4501375 có thể gây lỗi cho dịch vụ Trình quản lý kết nối truy cập từ xa (RASMAN). Điều này có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho máy tính người dùng.

Người dùng Windows 10 liên tục bị cảnh báo về những lỗ hổng trên hệ điều hành này vài tuần gần đây. Ảnh: Steve Kotecki.

Mạng riêng ảo hay còn gọi là VPN sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất vì lỗi này. Dịch vụ RASMAN quản lý các kết nối của Windows 10 đến hệ thống Internet và là nền tảng quan trọng để VPN có thể hoạt động.

Đội ngũ Windows sau đó đã tổng hợp các trường hợp gặp lỗi được ghi nhận. Cụ thể, dịch vụ RASMAN sẽ đột ngột ngừng hoạt động và quản trị viên hoặc người dùng trên hệ thống sẽ nhận được thông báo lỗi 0xc0000005.

Theo Globenewswire, nhu cầu sử dụng VPN hiện nay đang ngày càng tăng cao hơn. Với nhiều mục đích sử dụng khác nhau như truy cập nền tảng xem phim Netflix hay các trang web hạn chế quốc gia, VPN có tiềm năng để tác động mạnh mẽ vào máy tính cá nhân người dùng.

Microsoft cho biết các máy tính đang chạy trên nền tảng Windows 10 phiên bản 1903, đặc biệt là đã cài đặt bản cập nhật KB4497935 sẽ có nguy cơ cao gặp phải lỗi này. Vấn đề càng nghiêm trọng hơn khi số lượng người dùng bị ảnh hưởng đã lên tới con số hơn 50 triệu.

Trước đó, vào ngày 7/6, Microsoft và Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) đã kêu gọi người dùng Windows cập nhật hệ điều hành sau khi phát hiện lỗ hổng nghiêm trọng BlueKeep.

Lỗ hổng được đánh giá nguy hiểm đến mức Microsoft phải ra bản cập nhật cho hệ điều hành bị "khai tử" từ năm 2014, Windows XP. NSA cho biết BlueKeep có thể lây lan trên Internet và tạo ra các cuộc tấn công nhằm mục đích tống tiền người dùng như mã độc WannaCry 2 năm trước.

Theo Zing

http://news.zing.vn/50-trieu-nguoi-dung-bi-anh-huong-vi-lo-hong-tren-windows-10-post964409.html