5 ý tưởng điện thoại ấn tượng nhưng chưa hề ra mắt

Những smartphone này hoặc quá kỳ lạ, hoặc đi trước thời đại quá xa nên chưa thể thành hiện thực.
Những ý tưởng độc đáo cho điện thoại.
Những ý tưởng độc đáo cho điện thoại.


Nokia Morph

Ý tưởng Nokia Morph được đưa ra trong năm 2008, thể hiện tham vọng của tương lai. Sản phẩm được thiết kế với chất liệu trong suốt và dễ dàng thay đổi hình dạng nhờ công nghệ nano.

Sản phẩm này chưa từng tồn tại dưới bất kỳ hình thức nào và theo mô tả là có thể gấp lại và kéo dài thành nhiều hình dạng khác nhau, từ dạng thẻ cho tới khả năng uốn cong như một chiếc vòng tay. Nó cũng có thể hấp thụ năng lượng mặt trời để hoạt động, chống bụi bẩn và có bề mặt haptic, cho phép người dùng chạm và cảm nhận mọi vật được hiển thị với hình dạng và kết cấu thực. Vào thời điểm đó, Nokia tin rằng các tính năng của Morph có thể xuất hiện trong các thiết bị cầm tay cao cấp vào năm 2015. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực sự có một sản phẩm gấp được như vậy xuất hiện trên thị trường.

Ply - smartphone lấy cảm hứng từ dao gấp

Ply về cơ bản giống như một con dao gấp của quân đội Thụy Sĩ, với nhiều bộ phận khác nhau có thể mở hoặc kéo rộng ra. Mẫu thiết kế do Hideo Kambara sáng tạo, giới thiệu năm 2008. Chiếc smartphone này có một gamepad, một bàn phím quay số, một máy chiếu và thậm chí là cả một chiếc máy in được tích hợp. Việc lồng ghép có phần kỳ quặc khiến thiết kế của nó không được bắt mắt, nhưng sẽ cực kỳ hữu dụng với người dùng nếu chiếc điện thoại này có thể xuất xưởng từ bản vẽ trong tương lai. Trên thị trường hiện có Lenovo Smart Cast với máy chiếu tích hợp, hay Nokia N-Gage gắn kèm gamepad, nhưng chưa có điện thoại nào sở hữu được cả hai tính năng này cùng một lúc. Và smartphone có tính năng của một chiếc máy in nhiều khả năng sẽ không bao giờ thực hiện được.


Philips Fluid

Philips Fluid là mẫu smartphone được hình dung như một chiếc điện thoại lai máy tính bảng của Dinard da Mata, năm 2010. Trong đó, tính năng đặc biệt nhất là màn hình OLED linh hoạt cho phép biến đổi hình dáng và giúp người dùng thoại mái hơn khi sử dụng. Thiết kế theo đơn đặt hàng dành riêng cho hãng Philips, chiếc điện thoại này có thể trở thành một chiếc vòng tay hoặc đồng hồ thông minh, rồi khi kéo thẳng ra trở thành smartphone hay máy tính bảng tùy kích thước. Thời trang, độc đáo và hàm chứa công nghệ cao, sản phẩm được kỳ vọng sẽ đem lại sự hãnh diện và tự hào cho người dùng khi di chuyển trên phố này đáng tiếc lại chưa bao giờ được sản xuất. 


Mobile Script

Mobile Script là thiết bị di động tích hợp hai màn hình do Aleksandr Mukomelov sáng tạo vào năm 2009. Một trong số đó được giấu trong thân máy dưới màn hình cứng và có thể kéo ra từ bên trong khi cần sử dụng. Phần màn hình phụ này có chiều dài lên tới 9,5 inch. Công nghệ được sử dụng là vật liệu nano mềm, có thể trở nên cứng chắc khi có dòng điện đi qua, vì vậy màn hình có thể được cuộn lại và rắn chắc khi sử dụng. Mobile Script còn có thể hấp thụ năng lượng mặt trời để chuyển hóa thành năng lượng có thể sử dụng. Mẫu thiết kế này được đánh giá cao hơn cả Nokia Morph, mặc dù khả năng có thể sản xuất chắc chắn thấp hơn rất nhiều.

ZTE Eco-Mobius

Chiếc smartphone này mang tầm nhìn của hãng ZTE về dòng điện thoại dạng mô-đun, cho phép người dùng có thể thay đổi màn hình, chipset, pin, camera và RAM một cách chủ động. Điểm thú vị là bạn có thể mua các bộ phận cơ bản với giá rẻ, sau đó dần dần nâng cấp khi có tiền. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng sẽ không bao giờ cần phải mua một chiếc điện thoại hoàn toàn mới, thay vào đó chỉ cần nâng cấp các mô-đun cao cấp hơn đã được làm sẵn. Dẫu vậy, nó vẫn chỉ là ý tưởng bởi chặng đường đến với việc thực tế hóa vẫn còn rất dài. Tuy nhiên, gần đây có một số smartphone mang cảm hứng từ Eco Mobius, như LG G5 và Moto Z, khi cho phép người dùng thêm vào các tính năng mới thông qua mô-đun đi kèm.

Theo VnExpress

http://sohoa.vnexpress.net/photo/san-pham/5-y-tuong-dien-thoai-an-tuong-nhung-chua-he-ra-mat-3570197.html