5 lễ hội không thể bỏ qua trong dịp Tết này

VietTimes -- Những lễ hội đầu xuân mang nhiều nét văn hóa đặc trưng từ hàng trăm năm nay sẽ khiến những chuyến du xuân của bạn trở nên ý nghĩa.
Hội pháo làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh
Hội pháo làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh

Hội pháo làng Đồng Kỵ, Bắc Ninh (Mùng 4 Tết)

Hội pháo làng Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh) vừa  được ghi tên trong danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đây là lễ hội truyền thống, được tổ chức vào mùng 4 Tết hàng năm để tưởng nhớ ngày Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng, điều quân đi đánh giặc. Tâm điểm của lễ hội là tục rước pháo.

Theo đó, những "ông pháo" dài 5-6m có sơn son thiếp vàng, gắn tứ linh được vài trăm trai tráng rước qua các trục đường chính của làng Đồng Kỵ.

Tiếp đó là màn rước 4 ông đám - những người tới tuổi 51 ở 4 giáp khác nhau, tượng trưng cho 4 vị tướng xuất quân đánh giặc. Các trai đinh cởi trần có nhiệm vụ giữ ông đám không được ngã trong khi di chuyển quanh sân đình. Lễ hội truyền thống với các tục lệ thú vị, mang lại không khí vui vẻ ngày xuân năm mới này, thu hút được đông đảo sự quan tâm của cộng đồng dân cư và du khách.

Lễ hội Gò Đống Đa (Mùng 5 Tết)

Lễ hội Gò Đống Đa
Lễ hội Gò Đống Đa

 Lễ hội gò Ðống Ða (thuộc quận Ðống Ða- Hà Nội) hàng năm diễn ra vào ngày mồng 5 Tết Nguyên Ðán (5/1 âm lịch). Ðây là lễ hội chiến thắng, mừng công tích lẫy lừng trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc, do Hoàng đế Quang Trung (Nguyễn Huệ) người anh hùng áo vải Tây Sơn lãnh đạo. 

Cách đây hơn 2 thế kỷ (1789), Ðống Ða là nơi hơn 29 vạn quân Thanh bị tiêu diệt. Gò Ðống Ða trở thành di tích lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khoẻ, thể hiện rõ tinh thần thượng võ của dân tộc ta. Sau lễ rước kiệu của vua Quang Trung và công chúa Ngọc Hân, người dân ở nhiều địa phương đến thành kính dâng hương. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.

Lễ hội Chùa Hương (Mùng 6 Tết khai Hội)

Lễ hội Chùa Hương
Lễ hội Chùa Hương

 Hội chùa Hương diễn ra trên địa bàn xã Hương Sơn, trong địa phận huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngày mồng sáu tháng giêng là khai hội. Lễ hội thường kéo dài đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Vào dịp lễ hàng  triệu phật tử cùng du khách khắp 4 phương lại nô nức trẩy hội chùa Hương. Hành trình về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành, để dâng lên Người một lời nguyện cầu, một nén tâm hương, hoặc thả hồn hòa quyện với thiên nhiên ở một vùng rừng núi còn in dấu Phật.

Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn …

Vào những ngày tổ chức lễ hội, chùa Hương tấp nập vào ra hàng trăm thuyền. Nét độc đáo của hội chùa Hương là thú vui ngồi thuyền vãng cảnh lạc vào non tiên cõi Phật. Chính vì vậy, nói đến chùa Hương là nghĩ đến con đò - một dạng của văn hóa thuyền của cư dân Việt ngay từ thuở xa xưa. Và đến nay, ngày hội bơi thuyền ở chùa Hương luôn tạo cảm hứng mãnh liệt cho người đi hội.

Lễ hội Tịch điền đọi sơn – Duy Tiên, Hà Nam (Mùng 7 Tết)

Lễ hội Tịch điền đọi sơn
Lễ hội Tịch điền đọi sơn

 Đây là lễ hội truyền thống xuống đồng cày ruộng, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lễ hội được diễn ra tại cánh đồng xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam diễn ra Lễ hội Tịch điền – Đọi Sơn

Lễ hội này mang ý nghĩa khuyến nông, là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Lễ hội diễn ra nhiều hoạt động như: rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng, xã Liêm Cần, Thanh Liêm về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, lễ rước nước, lễ sái tịnh.

Hội chợ Viềng – Nam Định (Đêm mùng 7 – sáng mùng 8 Tết)

Chợ Viềng - Vụ Bản, Nam Định
Chợ Viềng - Vụ Bản, Nam Định

 Chợ Viềng thuộc thôn Trung Thành, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, Nam Ðịnh, trước đây chợ còn có tên là chợ chơi du xuân (du xuân thị). Bao quanh là cả một quần thể di tích thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh - Thần chủ Ðạo Mẫu Việt Nam, nên cùng với việc đi chơi chợ là hoạt động lễ Mẫu để Người ban cho sức khoẻ và tài lộc. Chợ Viềng mỗi năm chỉ họp có đúng một phiên thôi, một phiên chợ kéo dài từ nửa đêm mồng 7 đến sáng mồng 8 tết.

Lỡ một phiên chợ Viềng là lỡ cả một năm, và cũng có thể là lỡ cả một đời người. Dân Nam Ðịnh đi chợ Viềng đầu năm đã đành, người tứ xứ từ Hà Nội vào, Thanh - Nghệ ra, Hải Phòng - Quảng Ninh lên, ai cũng cố đi chợ Viềng một lần để mong có lộc cho cả năm buôn may bán đắt; để chơi, để kiếm món đồ có giá hời, thậm chí chỉ để lấy tiếng là đã đi chợ Viềng.
Chợ là hai dãy quán chủ yếu là tre, nứa dựng tạm ở bên lề đường, chạy dài suốt 5km với đầy đủ sắc màu. Chợ cũng bày bán đủ mọi thứ hàng hoá, nhưng điều đặc biệt ở đây là cả người bán lẫn người mua đều không đặt mục đích lợi ích kinh tế lên trên hết. Ðến chợ Viếng vào xuân, mục đích chính là để cầu mong phát tài phát lộc. Ðó chính là lợi ích tinh thần, chỉ cần tham dự chợ là đã được xem là có may mắn trong cả năm.

Tiếng là chợ nhưng ở đây người ta không mua, bán những nhu yếu phẩm cần thiết cho cuộc sống con người như gạo, thịt, quần áo, giày dép... càng không phải là các thứ hàng cao cấp, xa xỉ. Chúng đơn giản chỉ là những sản phẩm mang tính chất phục vụ sản xuất tiểu nông như cái cày, cái cuốc, cái dao, cái liềm, cái thúng, cái mủng... hoặc là một số giống cây trồng, vật nuôi như cây chanh, cây ớt, các loại cây cảnh, cây ăn trái... bạn cũng có thể tìm thấy ở đây những bộ tế khí, những chiếc lư hương bằng đồng...