Cuối tháng 12/2016 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát hành bộ tem “Tết Đinh Dậu” gồm hai mẫu của họa sỹ thiết kế Nguyễn Du. Nét đặc sắc của bộ tem con giáp năm nay là hình tượng gà được thể dưới hình thức bột nặn tò he. Tò he là một loại đồ chơi dân gian quen thuộc với trẻ con Việt Nam được nặn bằng bột nếp trộn mầu với nhiều hình dạng và mầu sắc phong phú. Đây là lần đầu tiên, tò he hình gà được đưa vào nội dung tem, do đó đã tạo được cảm giác mới lạ cho bộ tem T ết năm nay.
Trong bộ tem Gà Tò he Tết Đinh Dậu, mẫu một thể hiện hình tượng gà bố oai phong, vững chãi. Với vẻ đẹp của bộ lông nhiều sắc, chiếc nào to, tỏ chói, cặp giò tròn, chắc nịch, những nét đẹp nhất của một chú gà trống được phô bày trong hình tem. Mẫu hai là hình tượng gà mẹ cùng với gà con đang quay đầu vào nhau để thể hiện tình mẫu tử, ấm áp, chở che. Khi sắp xếp hai mẫu cạnh nhau thành bộ tem, người xem ngay lập tức cảm nhận được ý nghĩa sum vầy, đoàn viên trong không khí lễ hội ngày xuân thể hiện rõ nét.
Tem một được thể hiện trên nền hồng đỏ, mầu của hoa đào, tượng trưng cho miền Bắc. Nền tem hai có mầu vàng, mầu của hoa mai, biểu tượng của miền Nam. Bên cạnh đó, hình cờ hội trên tem vừa thể hiện tinh thần tươi vui của ngày xuân vừa làm đậm thêm chất dân gian của phong vị Tết Cổ truyền đầm ấm sum vầy. “Nhắc nhở những người con xa quê luôn nhớ về gia đình, quê hương, nguồn cội mỗi khi tết đến xuân về” là mong muốn của họa sỹ thiết kế gửi gắm trong ý nghĩa của bộ tem tết 2017.
Ông Phạm Hào, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bưu thiếp cực đại (Hà Nội) chia sẻ: Tem Tết Đinh Dậu có chủ đề hoàn toàn mới so với những tem Tết trước đây và những bộ tem gà đã phát hành. Gà được thể hiện dưới hình thức tò he, nhiều mầu sắc sặc sỡ. Hình gà trống oai hùng với mào dựng thẳng, dáng oai phong, thể hiện 5 đức tính (văn – võ – dũng – nhân – tín) của người đàn ông trụ cột trong gia đình. Hình gà mái và gà con có mầu hơi “phá cách” so với mẫu tò he thật. Nhưng nhìn tổng thể, tem tết năm nay chọn được hình tượng lạ nên đã thể hiện được nét độc đáo của văn hóa truyền thống Việt Nam. Những người chơi tem chúng tôi ai cũng sở hữu vài bộ tem Tết, vừa để giữ cho riêng mình, vừa để trao đổi trong giới chơi tem Việt Nam và quốc tế.
Mỗi con tem đều mang một sứ mệnh truyền tải thông điệp và đều là một tác phẩm mỹ thuật độc nhất vô nhị. Anh Phạm Việt Phương nhận xét: Tem Tết Đinh là một bộ tem độc đáo, đặc sắc bởi bên cạnh giá trị văn hóa, thẩm mỹ, bộ tem giúp cho các bạn trẻ ngày nay có dịp lắng đọng, suy nghĩ về những giá trị văn hóa truyền thống. Hình tượng gà đã có nhiều trong tem của Việt Nam và tem thế giới, nhưng gà tò he là “sản phẩm văn hóa dân gian riêng biệt” của Việt Nam mà không một quốc gia nào trên thế giới có được. “Nội dung, ý nghĩa dễ dàng được cảm nhận khi nhìn qua 2 con tem, nhưng càng ngắm nghía, càng suy ngẫm lại càng thấy thấm thía những giá trị văn hóa truyền thống gia đình Việt thông qua hình tượng gia đình gà. Đó là điểm khiến người yêu tem thêm “mê” mẫu tem tết năm nay” – anh Lưu Sơn, người chơi tem Hà Nội chia sẻ.
Do hình tượng gà tò he được thể hiện mới lạ, không giống khuôn mẫu cũng mang đến nhiều tranh luận cho những người chơi tem. Hình tượng gà được mô phỏng theo một món đồ chơi dân gian, đã tạo không gian sáng tạo về mầu sắc cho tác giả thể hiện. Nhờ đó, tem có đủ những mầu tươi sáng nhất và bắt mắt người xem. Nhìn tổng thể bố cục nội dung cũng như ý nghĩa của bộ tem, có thể nói tem Tết năm nay làm “ưng lòng” mọi người chơi tem. Từ người già đến trẻ, từ người thích truyền thống, hoài cổ cho đến người thích phong cách hiện đại, trẻ trung bởi hình ảnh gà tò he đã in đậm trong tâm trí lớp lớp thế hệ trẻ con Việt Nam. Đây là điểm thành công của bộ tem để thu được sự yêu mến của người chơi tem nói riêng và của đông đảo người dân.
Trao đổi về ý tưởng đưa gà tò he vào tem tết năm 2017, họa sỹ thiết kế Nguyễn Du cho biết, những người đi khai phá nội dung tem có cái dễ và cái khó riêng. Cái khó của người đi đầu là phải tìm tòi chất liệu để thể hiện sao cho thật đặc sắc. Cái dễ của là do là người khai phá nên tác giả có nhiều nguồn nguyên liệu để tạo hình tượng cho bộ tem. Càng những người đi sau, khi thế hệ đi trước đã khai thác hết khía cạnh về các góc độ dân gian, văn hóa truyền thống dân tộc, đổi mới, sáng tạo... thì người đi sau muốn tạo sự mới lạ và đẹp là điều không dễ dàng.
Tem tết thường khai thác yếu tố dân gian như trò chơi dân gian, lễ hội được thể hiện các mảng chất liệu truyền thống như khắc gỗ, sứ, giấy dó... Theo thống kê, hiện chưa có bộ tem nào của Việt Nam có chủ đề tò he. “Trước đây tôi đã dùng một hình tượng ngựa tò he trong 3 mẫu sáng tác Tem Tết Nhâm Ngọ. Dễ dàng nhận thấy con gà Tò he ở đây là gà Việt Nam, mang đậm những yếu tố cơ bản của 1 loại hình trò chơi dân gian, đồng thời những nét đặc sắc như mầu sắc, tinh thần đậm chất truyền thống không thể lẫn với gà của một loại hình nào của bất kỳ một quốc gia nào”, Họa sỹ Nguyễn Du chia sẻ.
Theo thống kê, bộ tem Tết với biểu tượng con giáp đầu tiên do họa sỹ Vũ Kim Liên thiết kế năm 1993 – Tết Quý Dậu cũng có 2 mẫu: Gà với đào thắm và Gà với mai vàng. Đây là bộ tem mở đầu chu kỳ thứ nhất cho tem tết – 12 con giáp, linh vật biểu tượng cho từng năm. Bộ tem thứ gà thứ 2 – Tết Ất Dậu 2005 cũng có 2 mẫu thể hiện gà trống và gà mái theo phong cách tranh dân gian.
Họa sỹ Nguyễn Du cho biết thêm, đề tài tem Tết đã có khoảng 30 năm nay nên đã thành thông lệ để những nhà thiết kế tem chuẩn bị cho sự phát hành của tem Tết. Thông thường, tác giả có khoảng 2 năm từ khi nhận chương trình đến khi hoàn thành bộ tem. Tem Tết là nét văn hóa rất đặc trưng của người Việt Nam nói riêng và của một số nước châu Á theo lịch mặt trăng. 12 con giáp là quan niệm xuất phát từ các nước Á Đông. Nét văn hóa đặc trưng này đã và đang có sức ảnh hướng lớn tới các nước văn hóa phương tây nên nhiều nước châu Âu, châu Mỹ cũng đã phát hành tem theo con giáp. Đến nay, đã có hơn 70 quốc gia trên thế giới với hơn 1.000 mẫu tem đã được phát hành với biểu tượng của các con giáp. Điều này cho thấy văn hóa phương Đông đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ và những giá trị truyền thống cốt lõi vẫn luôn được thế hệ trẻ giữ gìn và tôn vinh.
Theo TTXVN