5 giải pháp trong chuyển đổi số ngành Du lịch

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong số 5 giải pháp cần tập trung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng cần tập trung xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch và tăng cường ứng dụng công nghệ trong xúc tiến, quảng bá du lịch
Quảng bá du lịch tại Cầu Vàng trên Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills (Đà Nẵng).
Quảng bá du lịch tại Cầu Vàng trên Khu du lịch Sun World Bà Nà Hills (Đà Nẵng).

Trao đổi tại Tọa đàm “Tăng cường hợp tác trên môi trường số, nâng cao trải nghiệm của du khách” diễn ra mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho biết nhấn mạnh, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra định hướng đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch, hướng đến hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Việc các chủ thể cùng nhau xây dựng, hợp tác và phát triển ứng dụng công nghệ, hỗ trợ du khách trên môi trường số cũng chính là cụ thể hóa nội dung của chiến lược này.

Theo ông Hà Văn Siêu, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư lan tỏa cùng sự phát triển của công nghệ đã làm thay đổi hành vi khách du lịch, từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi... hầu hết đều đã diễn ra trên môi trường số. Vì vậy, chuyển đổi số cũng như tăng cường hợp tác trên môi trường số là lựa chọn đúng đắn cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ số để nỗ lực duy trì hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu du khách, thích ứng linh hoạt, phát triển bền vững.

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, Cục trưởng Hà Văn Siêu cho rằng cần tập trung vào 5 định hướng giải pháp chính: Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 vào phát triển sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch trên môi trường số; Đẩy mạnh hoạt động giao dịch, thương mại điện tử trong lĩnh vực du lịch; và Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực về ứng dụng công nghệ trên môi trường số.

Ông Hà Văn Siêu phát biểu trực tuyến, nêu 5 định hướng, giải pháp chính để chuyển đổi số du lịch.

Ông Hà Văn Siêu phát biểu trực tuyến, nêu 5 định hướng, giải pháp chính để chuyển đổi số du lịch.

Giải quyết các bài toán này, ông Siêu cho rằng, mối quan hệ hợp tác với các nền tảng công nghệ và doanh nghiệp du lịch, lữ hành sẽ là bàn đạp đẩy nhanh tiến trình thích nghi và ứng dụng hiệu quả việc chuyển đổi số. Ông bày tỏ mong muốn các tổ chức, doanh nghiệp, nền tảng du lịch hiến kế, đưa ra giải pháp để "phát triển du lịch bền vững, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tại Việt Nam" - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói.

Bà Huỳnh Thị Mai Thy - Giám đốc Traveloka Việt Nam - cho rằng với dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt trong những tháng gần đây, chuyển đổi số là bước tiến tất yếu của du lịch nước nhà, cụ thể là thông qua hình thức du lịch không chạm và du lịch thông minh.

Thống nhất với quan điểm của đại diện Tổng cục Du lịch, bà Thy đề nghị có phương án đảm bảo sự phát triển bền vững của du lịch địa phương, bởi chuyển đổi số du lịch không chỉ là giải pháp tạm thời cho sự gián đoạn do đại dịch, mà còn là chiến lược phát triển bền vững, dài hạn của toàn ngành.

Giải pháp nâng cao trải nghiệm của du khách

Đại diện đầu mối về chuyển đổi số trong ngành du lịch - ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) - cho biết, vừa qua Tổng cục Du lịch đã có hàng loạt giải pháp nhằm hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh, tập trung vào xây dựng Cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam. Cùng với đó là ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh, đẩy mạnh truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch trên các nền tảng số,... Thời gian vừa qua, Tổng cục Du lịch ra mắt Cẩm nang hướng dẫn Chuyển đổi số.

Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch)

Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch)

Ông Hoàng Quốc Hòa cho rằng, cũng như các lĩnh vực khác, chuyển đổi số hiện đang yếu về việc liên kết, hợp tác trong và ngoài ngành du lịch. Trong đó cơ quan quản lý nhà nước có vai trò định hướng, dẫn dắt; hỗ trợ, hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số. Đặc biệt, việc cần hiện nay là xây dựng và duy trì các nền tảng số du lịch ở tầm quốc gia để tạo ra môi trường số cho hoạt động quản lý và phát triển du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam.

Cùng với đó, cần có sự tham gia tích cực, chủ động, sáng tạo của các địa phương, doanh nghiệp, điểm đến du lịch, nhất là trong việc số hóa thông tin, dữ liệu về sản phẩm, dịch vụ; phát triển các sản phẩm công nghệ sáng tạo hỗ trợ du lịch; và đặc biệt là cần tích hợp dữ liệu vào nền tảng số du lịch của cơ quan quản lý.

Đại diện đầu mối về chuyển đổi số trong ngành du lịch cũng chia sẻ 4 giải pháp chuyển đổi số nhằm thu hút và nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.

Thứ nhất, Tổng cục Du lịch đã hình thành hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành du lịch Việt Nam tại địa chỉ http://csdl.vietnamtourism.gov.vn, trong đó có dữ liệu về các khu, điểm du lịch... Việc này nhằm đẩy mạnh số hóa các điểm đến du lịch.

Thứ hai, triển khai hệ thống vé điện tử tại các điểm tham quan bằng cách loại bỏ vé giấy truyền thống. Toàn bộ vé giấy truyền thống được thay thế bằng vé điện tử quét mã QR vào cổng.

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, 3D, 360 độ... có tính ứng dụng rất cao trong vận hành các lĩnh vực dịch vụ lưu trú du lịch, cung cấp thông tin cho du khách, nâng cao trải nghiệm cho du khách ở điểm đến...

Thứ tư, Tổng cục Du lịch đã phát triển “Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh” - sản phẩm trong chương trình Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia do Bộ Công Thương chủ trì. Việc này tăng cường hoạt động giao dịch, thương mại điện tử trong du lịch.

Tham gia tọa đàm, ông Vũ Huy Thưởng - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng - chia sẻ về thực tiễn triển khai chuyển đổi số trong ngành du lịch hiện nay. Trong đó, Hải Phòng đã số hóa hoạt động kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sau đại dịch Covid-19. Sở Du lịch Hải Phòng đã phối hợp với Traveloka ra mắt sàn giao dịch du lịch trực tuyến Hải Phòng. Việc xây dựng nền tảng số này đã tạo thêm một kênh quảng bá hữu hiệu, đưa hình ảnh, sản phẩm du lịch của doanh nghiệp đến với du khách nhanh chóng, tạo ra những giao dịch thuận lợi cho khách hàng.

Đặc biệt, Sở Du lịch Hải Phòng cũng đã xây dựng Bản đồ số “Hải Phòng City Tour” với xu hướng trẻ trung, hiện đại, thân thiện với người dùng nhằm mang lại những trải nghiệm trọn vẹn cho du khách./.