Theo báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tính đến tháng 7/2024, tỉ lệ DVCTT toàn trình của TP. Đà Nẵng cao nhất cả nước với 95% (trung bình tỉnh thành là 55%); tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình tỉnh thành là 17%).
Đặc biệt, tỷ lệ số hóa, cấp kết quả thủ tục hành chính (TTHC) số từ năm 2023 đến nay là đạt 100% và được tái sử dụng lại; có gần 260.000 người dân trưởng thành có tài khoản công dân số và 1 kho dữ liệu số trên Hệ thống, đạt tỷ lệ 45%; hơn 99% hộ gia đình có điện thoại thông minh,…
Theo ông Trần Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở TT&TT TP Đà Nẵng, để đạt được những kết quả trên, Đà Nẵng tập trung vào 5 giải pháp chính, trọng tâm và mang tính cốt lõi. Cụ thể:
Thứ nhất, đối với việc triển khai nhiều DVCTT toàn trình sử dụng Nền tảng công dân số và Kho dữ liệu cá nhân, Kho dữ liệu kết quả TTHC số TP, Đà Nẵng sử dụng dữ liệu số (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, CSDL nền, CSDL chuyên ngành) áp dụng cho 343 TTHC hay khoảng 17% TTHC. Trong đó, dữ liệu đăng ký kinh doanh doanh nghiệp, có 180 TTHC, chiếm 9% tổng TTHC TP; dữ liệu đăng ký hộ kinh doanh, có 43 TTHC, chiếm 2% tổng TTHC; dữ liệu CMND/CCCD (cả hình ảnh phải nộp): Có 108 TTHC, chiếm 5% tổng TTHC; dữ liệu Hồ sơ sức khỏe điện tử: Có 12 TTHC, chiếm 1% tổng TTHC.
Bên cạnh đó, thực hiện điều chỉnh quy trình xử lý TTHC để đáp ứng triển khai DVCTT toàn trình cho 170 TTHC hay 9% tổng TTHC TP; bao gồm: Thêm quy định hình thức nộp trực tuyến do các bưu cục, bưu điện văn hoá xã nộp hộ người dân (gọi là Đại lý dịch vụ công trực tuyến); chuyển yêu cầu nộp hồ sơ trực tiếp bằng cách sử dụng bản chứng thực điện tử để được nộp hồ sơ trực tuyến; điều chỉnh, thay đổi các bước thực hiện TTHC để thuận lợi áp dụng xử lý hồ sơ trực tuyến.
Thứ hai, Đà Nẵng thực hiện giảm TTHC, sử dụng kho dữ liệu số trong Kho cá nhân, Kho kết quả TTHC số; đang triển khai áp dụng cho khoảng 180 TTHC cấp lại, chiếm 10% TTHC.
"Giảm TTHC là một đặc trưng của Chính quyền số, không chỉ thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp mà còn tiết kiệm thời gian cho công chức trong xử lý hồ sơ dịch vụ công, để thực hiện các nhiệm vụ khác", lãnh đạo Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết.
Thứ ba là triển khai đa dạng hoá kênh/đối tượng nộp hồ sơ trực tuyến; không chỉ người dân, doanh nghiệp tự nộp mà thông qua mô hình “Đại lý DVCTT” hỗ trợ nhận, nộp hồ sơ trực tuyến thay người dân, doanh nghiệp.
"Tiêu biểu áp dụng cho nộp hồ sơ lý lịch tư pháp của Sở Tư pháp, với 6 tháng đầu năm 2024, có 3.400 hồ sơ, chiếm 33% trên tổng số 10.405 hồ sơ lý lịch tư pháp.
Đặc biệt, mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng tại Xã, Phường đã triển khai như “Tổ dân phố 4.0” (các phường thuộc quận Hải Châu), “Ngày hội gần dân” (phường An Khê - quận Thanh Khê), … để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ nộp hồ sơ trực tuyến cho bà con ở khu dân cư.
Tiêu biểu là tại phường An Khê; 6 tháng đầu năm 2024, Tổ công nghệ số cộng đồng nắm bắt nhu cầu của từng hộ dân và đã hỗ trợ nộp khoảng 8,4 % tổng hồ sơ trực tuyến của Phường", lãnh đạo Sở TT&TT chia sẻ.
Thứ tư là giám sát, cảnh báo hàng giờ về tình hình xử lý hồ sơ TTHC từ Trung tâm IOC cho Chủ tịch UBND TP; cho từng Thủ trưởng và cán bộ phụ trách CCHC (qua tài khoản hệ thống, tin nhắn SMS, tin nhắn qua Zalo,..); nhất là hồ sơ đã nộp nhưng chưa tiếp nhận, hồ sơ gần tới hạn trả, .. để có phương án xử lý kịp thời.
Với giải pháp này, thống kê trong 6 tháng đầu năm 2024, số hồ sơ trễ hạn đã giảm xuống còn khoảng 0,1% tổng hồ sơ (nhưng chủ yếu là hồ sơ lý lịch tư pháp, phụ thuộc vào việc xác minh của các địa phương khác); trước đó trong năm 2023 là 3,9%.
Thứ năm là, triển khai tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT theo hướng cụ thể, hiệu quả qua hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”; hướng dẫn thực hiện tiêu chí, kỹ năng cụ thể cho hộ dân, người dân như: thiết lập mỗi người dân một tài khoản DVCTT, một kho dữ liệu cá nhân, có 01 tài khoản thanh toán không dùng tiền mặt, có 1 chữ ký số cá nhân, …
"Đặc biệt, TP Đà Nẵng tổ chức Tổng đài Dịch vụ công, với đầu số tắt là *1022, đồng thời bố trí viên chức trực tất cả các ngày trong tuần, để hướng dẫn người dân thực hiện TTHC, DVCTT. Kết quả, năm 2023 tiếp nhận và hỗ trợ hơn 35.000 lượt và 6 tháng đầu năm 2024, có gần 13.000 lượt", ông Trần Ngọc Thạch thông tin.
Theo khoản 1 Điều 11 Nghị định 42/2022/NĐ-CP, từ ngày 15/8/2022, cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo 02 mức độ như sau:
- Dịch vụ công trực tuyến toàn trình là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích.
- Dịch vụ công trực tuyến một phần là dịch vụ công trực tuyến không bảo đảm các điều kiện của dịch vụ công trực tuyến toàn trình.
Cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số tối đa trong quá trình cung cấp và xử lý dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng trừ trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ phải hiện diện tại cơ quan nhà nước hoặc cơ quan nhà nước phải đi thẩm tra, xác minh tại hiện trường theo quy định của pháp luật.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu