Cấp dưới sai phạm cố ý do tiếp nhận chủ trương của "sếp"
Sáng 15/1, sau một ngày xét hỏi, đại diện Viện kiểm sát Hà Nội công bố luận tội và mức án đề nghị với 8 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Đại diện Viện kiểm sát Hà Nội nhận định hành vi của các bị cáo nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm hoạt động đúng đắn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế và các hoạt động đấu thầu, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng.
Dù nhận thấy vai trò chủ mưu của bị cáo Thái trong vụ án, Viện kiểm sát cũng đánh giá cao sự hợp tác của ông trong quá trình điều tra, việc thành khẩn khai báo và tự nguyện khắc phục hậu quả. Bên cạnh đó, những đóng góp của ông Thái cho ngành xuất bản cũng được xem xét.
Ngoài ra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có đơn xin giảm nhẹ cho bị cáo. Dựa trên những yếu tố này, Viện kiểm sát đề nghị một mức án phù hợp.
Các cấp dưới của ông Thái có sai phạm cố ý nhưng do tiếp nhận chủ trương của ông Thái, tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án. Đến nay, toàn bộ hậu quả đã được 2 doanh nghiệp và các bị cáo khắc phục, do đó, Viện kiểm sát cũng đề nghị HĐXX dỡ bỏ các lệnh kê biên với các tài sản liên quan vụ án.
Từ những nhận định trên, đại diện Viện kiểm sát đề nghị ông Nguyễn Đức Thái, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam 12-13 năm tù vì Nhận hối lộ.
Bị cáo Tô Mỹ Ngọc, nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Phùng Vĩnh Hưng bị đề nghị 5-6 năm và Nguyễn Trí Minh, cựu Giám đốc Công ty TNHH Giấy Minh Cường Phát, 30-36 tháng vì tội Đưa hối lộ.
5 người khác bị truy tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, gồm: Hoàng Lê Bách và Lê Hoàng Hải, hai Phó tổng giám đốc NXB Giáo dục; Phạm Gia Thạch, thành viên HĐTV Nhà xuất bản Giáo dục đều bị đề nghị 30-36 tháng án treo; Nguyễn Thị Thanh Thủy, nguyên Trưởng ban Kế hoạch Marketing NXB Giáo dục 20-24 tháng và phó ban Đinh Quốc Khánh 23 tháng 4 ngày, bằng thời gian tạm giam.
Nhận hối lộ gần 25 tỷ đồng
Theo cáo trạng, từ năm 2017, ông Nguyễn Đức Thái được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐTV của NXB Giáo dục Việt Nam. Hai công ty của bà Tô Mỹ Ngọc và ông Nguyễn Trí Minh đã liên hệ với ông Thái để xin tạo điều kiện trúng thầu cung cấp giấy in, và ông Thái đã nhận hối lộ để giúp họ trúng các gói thầu.
Từ tháng 6/2017 đến 21/1/2022, ông Thái nhận 20 tỷ đồng từ bà Ngọc để giúp công ty của bà trúng 13 gói thầu trị giá 2.156 tỷ đồng. Ông Thái cũng bị cáo buộc nhận 4,9 tỷ đồng từ ông Minh để giúp công ty của ông trúng 5 gói thầu trị giá 210 tỷ đồng.
Các lần đưa nhận tiền thường diễn ra trước ngày 20/11, sau khi trúng thầu hoặc Tết Nguyên đán. Ông Thái thường hẹn gặp bà Ngọc và ông Minh tại phòng làm việc, để tiền trong túi quà trên bàn uống nước, rồi cất vào két sắt.
Để các công ty trên trúng thầu, ông Thái chỉ đạo cấp dưới lập kế hoạch mua sắm giấy in theo phương thức "chào hàng cạnh tranh rút gọn". Phương án này được Ban chỉ đạo và Tổ tư vấn nhất trí.
Cấp dưới của ông Thái gặp doanh nghiệp tại quán cà phê để cung cấp thông tin chào hàng, giá dự thầu. Công ty của ông Minh trở thành doanh nghiệp duy nhất được cung cấp hồ sơ yêu cầu để lập hồ sơ dự thầu, và nhờ hai công ty khác làm "quân xanh" để trúng thầu.
Theo Luật Đấu thầu, "chào hàng cạnh tranh rút gọn" chỉ được áp dụng với các gói thầu không quá một tỷ đồng, nhưng các bị cáo đã áp dụng với 7 gói thầu có giá trị từ 19 đến 172 tỷ đồng, gây thiệt hại 10 tỷ đồng.
Phiên tòa đang tiếp tục với phần bào chữa của luật sư.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu