Quy định về liên thông dịch vụ chứng thực chữ ký số
Thông tư 04 quy định về việc liên thông giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được Bộ TT&TT ban hành ngày 5/7/2019.
Có hiệu lực từ ngày 1/9/2019, Thông tư 04 quy định rõ, mô hình liên thông giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ là mô hình công nhận chéo.
Danh sách các chứng thư số gốc tin cậy bao gồm: Các chứng thư số gốc của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số quốc gia; các chứng thư số gốc của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Thông tư cũng quy định đối với chức năng ký số, kiểm tra hiệu lực chứng thư số, chữ ký số của các ứng dụng sử dụng chữ ký số. Theo đó, với chức năng ký số, ứng dụng phải cho phép người ký là thuê bao của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và thuê bao của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ thực hiện ký số.
Còn với chức năng kiểm tra hiệu lực chứng thư số, chữ ký số: ứng dụng phải cho phép người ký, người nhận kiểm tra hiệu lực chứng thư số công cộng, chữ ký số công cộng và hiệu lực chứng thư số chuyên dùng Chính phủ, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ theo quy định tại các Điều 78 và 79 Nghị định 130/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.
8 loại sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành CNTT-TT có khả năng gây mất an toàn
Ngày 9/7/2019, Thông tư 05 quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TT&TT được ban hành. Có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2019, Thông tư này thay thế cho Thông tư 04 ngày 8/5/2018 của Bộ trưởng Bộ TT&TT quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TT&TT.
Theo Thông tư 05, Danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TT&TT được quy định gồm 2 Danh mục sản phẩm, hàng hóa với hình thức quản lý đi kèm.
Trong đó, Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành CNTT-TT bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy gồm 3 loại sản phẩm hàng hóa: Thiết bị đầu cuối viễn thông vô tuyến; Thiết bị phát, thu - phát sóng vô tuyến điện có băng tần nằm trong khoảng 9 kHz đến 400 GHz và có công suất từ 60 mW trở lên; Thiết bị phát, thu - phát vô tuyến cự ly ngắn.
Còn Danh mục sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ CNTT-TT bắt buộc công bố hợp quy bao gồm 5 loại sản phẩm, hàng hóa: Thiết bị CNTT; Thiết bị phát thanh, truyền hình; Thiết bị đầu cuối thông tin vô tuyến; Thiết bị phát, thu-phát sóng vô tuyến điện có băng tần nằm trong khoảng 9 kHz đến 400 GHz và có công suất phát từ 60 mW trở lên; Pin Lithium cho thiết bị cầm tay.
Đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử được miễn lệ phí
Ngày 5/8/2019, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 47 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý vàsử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/9/2019.
Theo đó, lệ phí đăng ký doanh nghiệp (bao gồm: cấp mới, cấp lại, thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp) là 50.000 đồng/lần.
Về lệ phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, theo quy định tại Thông tư 47, cung cấp thông tin Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh, mức lệ phí là 20.000 đồng/bản; cung cấp thông tin trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, cung cấp báo cáo tài chính các loại doanh nghiệp có mức lệ phí 40.000 đồng/bản; lệ phí cung cấp báo cáo tổng hợp về doanh nghiệp là 150.000 đồng/báo cáo…
Đặc biệt, trường hợp doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử sẽ được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng ký doanh nghiệp và phí cung cấp thông tin doanh nghiệp lần đầu.
Tên miền .VN không xác định được chủ thể sẽ bị tạm ngừng hoạt động
Tại Thông tư 06 có hiệu lực từ ngày 15/9/2019, Bộ TT&TT đã bổ sung quy định tạm ngừng hoạt động tên miền “.VN” trong các trường hợp không xác định được chủ thể do mạo danh đăng ký tên miền, tên miền có thông tin đăng ký không chính xác, chủ thể tên miền là tổ chức đã giải thể hoặc không còn tồn tại.
Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 24 ngày 18/8/2015 của Bộ TT&TT về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet, được ban hành ngày 19/7/2019.
Thông tư 06 còn bổ sung các nội dung quy định mới khác như: quy định giải thích từ ngữ “thành viên địa chỉ”; quy định tạm ngừng hoạt động tên miền trong các trường hợp không xác định được chủ thể do mạo danh đăng ký tên miền, tên miền có thông tin đăng ký không chính xác, chủ thể tên miền là tổ chức đã giải thể hoặc không còn tồn tại; quy định về thực hiện biện pháp thu hồi tên miền của cơ quan quản lý tên miền trong quá trình kiểm tra, giám sát việc quản lý sử dụng tài nguyên Internet đối với các tên miền vi phạm quy định đăng ký; thông tin không chính xác; giả mạo thông tin để đăng ký tên miền; quy định cho phép thay đổi tên chủ thể đăng ký sử dụng địa chỉ IP, số hiệu mạng…
Cũng tại Thông tư 06, có 7 quy định được Bộ TT&TT sửa đổi, bổ sung, đơn cử như sửa đổi quy định về phương thức nộp hồ sơ đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký và hoàn trả tên miền theo hướng cắt giảm một số yêu cầu không cần thiết khi trực tiếp nộp hồ sơ đăng ký tên miền; quy định, hướng dẫn về hồ sơ trong trường hợp chủ thể đăng ký tên miền trực tuyến; quy định các Nhà đăng ký tên miền “.vn” có thể lựa chọn các hình thức cung cấp dịch vụ đăng ký, duy trì tên miền trực tuyến theo quy định pháp luật…