Thậm chí, vẫn còn hàng ngàn hộ sống tạm bợ, ở sâu trong các khu rừng, đời sống khó khăn, thiếu đất sản xuất, thiếu việc làm, phá rừng, săn bắn trái phép, tranh chấp đất đai với người dân tại chỗ, gây phức tạp an ninh nông thôn...
Tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông là hai địa phương có số dân di cư đến ngoài kế hoạch vẫn chưa được sắp xếp ổn định trong các vùng quy hoạch nhiều nhất so với các tỉnh Tây Nguyên. Chỉ riêng tỉnh Đắk Nông hiện còn 11.209 hộ, với hơn 51.000 nhân khẩu là đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch vẫn chưa được bố trí, sắp xếp nơi ở trong vùng quy hoạch.
Cũng theo Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, một trong những nguyên nhân chính là thiếu vốn đầu tư cho các dự án và chưa có các chính sách, giải pháp lâu dài để giải quyết căn bản vấn đề dân di cư đến ngoài kế hoạch từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên.
Tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng 17 dự án ổn định dân di cư đến ngoài kế hoạch và đã có 15 dự án được phê duyệt, với quy mô ổn định 6.527 hộ, 32.635 nhân khẩu, tổng nguồn vốn dự kiến đầu tư là hơn 811 tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ năm 2006 đến nay, mỗi năm Nhà nước chỉ đầu tư khoảng 30 tỷ đồng/năm, trong khi nhu cầu phải đầu tư ít nhất từ 90 đến 100 tỷ đồng/năm để xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng cho các vùng quy hoạch ổn định dân cư. Do vậy, toàn bộ các dự án triển khai xây dựng quy hoạch ổn định dân di cư đến ngoài kế hoạch của tỉnh đều còn dang dở, chưa có dự án nào hoàn thành.
Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương nghiên cứu tăng cường nguồn vốn để các tỉnh Tây Nguyên có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở kết cấu hạ tầng, góp phần sớm ổn định nơi ăn, ở cho đồng bào di cư đến ngoài kế hoạch yên tâm phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống, đảm bảo an ninh trên địa bàn.
Theo VietNam+