33% doanh nghiệp đã ứng dụng hợp đồng điện tử trong thương mại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Với giao dịch xuyên biên giới, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với các đối tác nước ngoài bằng các phương thức hợp đồng điện tử, đặc biệt với đối tác tại các nước phát triển - Bộ Công thương cho biết.
Kể từ dịch Covid-19, doanh nghiệp đang dần chuyển từ sử dụng hợp đồng, chứng từ bằng giấy thông thường sang sử dụng hợp đồng, chứng từ điện tử.
Kể từ dịch Covid-19, doanh nghiệp đang dần chuyển từ sử dụng hợp đồng, chứng từ bằng giấy thông thường sang sử dụng hợp đồng, chứng từ điện tử.

Thông tin được đưa ra tại hội nghị “Phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam" do Bộ Công Thương vừa tổ chức hôm nay (16/6).

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, từ lâu nay, trong hoạt động giao dịch xuyên biên giới, xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết với các đối tác nước ngoài bằng các phương thức hợp đồng điện tử, đặc biệt với các đối tác tại các nước phát triển.

Dẫn kết quả khảo sát của Bộ Công Thương trong sách trắng Thương mại điện tử 2021 cho thấy có 33% doanh nghiệp được khảo sát đã ứng dụng hợp đồng điện tử trong hoạt động thương mại, Thứ trưởng Nhật Tân cho rằng kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện cho đến nay, doanh nghiệp đang dần chuyển từ sử dụng hợp đồng, chứng từ bằng giấy thông thường sang sử dụng hợp đồng, chứng từ điện tử.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị “Phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam"

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại hội nghị “Phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam"

Ông Tân cho rằng việc ứng dụng hợp đồng điện tử giúp cho các doanh nghiệp và khách hàng của doanh nghiệp không chỉ tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn giúp giảm bớt ảnh hưởng của dịch bệnh, khoảng cách trong giao dịch thương mại. Đến thời điểm này hành lang pháp lý cho hoạt động chứng thực hợp đồng điện tử đã được hoàn thiện.

Cùng với việc hoàn thiện hành lang pháp lý để cấp đăng ký cho các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp cùng các doanh nghiệp CNTT, viễn thông, hạ tầng số, để xây dựng các giải pháp hỗ trợ bên thứ ba như ngân hàng, kiểm toán, cơ quan giải quyết tranh chấp, cơ quan thuế, các đơn vị liên quan khác có thể kiểm tra, xác thực được giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử.

Với hệ thống này, mặc dù không lưu trữ nội dung hợp đồng, với việc áp dụng một quy trình khép kín, sử dụng mã băm, kết hợp chữ ký số, dấu thời gian, hợp đồng điện tử sau khi được chứng thực sẽ có khả năng tra cứu, xác thực tính toàn vẹn, tính chống chối bỏ của chủ thể ký và đảm bảo tính bảo mật thông tin cho nội dung hợp đồng.

Như vậy, bên thứ ba sẽ không chủ động biết được nội dung hợp đồng điện tử đã ký, nhưng khi được cung cấp tài liệu hợp đồng điện tử đã được ký và chứng thực, thì việc tra cứu, xác minh giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử sẽ được thực hiện dễ dàng.

Vận hành Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam

Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chia sẻ, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã hỗ trợ các doanh nghiệp tích hợp kỹ thuật Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam.

Hiện đã có 17 đơn vị gửi công văn, hồ sơ đề nghị cấp đăng ký, trong đó, 6 đơn vị đã tiến hành khảo sát và tích hợp với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam để đảm bảo đáp ứng các tiêu chí nghiệp vụ, tiêu chuẩn kỹ thuật hệ thống khi kết nối, tích hợp. Mỗi giao dịch hợp đồng điện tử sẽ có gắn kèm với các quy chế về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, xử lý các yếu tố phát sinh trong quá trình giao kết và thực thi hợp đồng.

Điều này giúp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các bên thứ ba có một cơ quan trung gian đủ tin cậy để giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện giao kết, hợp đồng dưới dạng điện tử.

Lễ bấm nút ra mắt Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam diễn ra trong khuôn khổ hội nghị “Phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam".

Lễ bấm nút ra mắt Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam diễn ra trong khuôn khổ hội nghị “Phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam".

Tham gia lễ ra mắt Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam và ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số với các nhà cung cấp giải pháp Chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA), Provider - diễn ra trong khuôn khổ hội nghị, ông Phan Hoàng Việt – Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết: “Số hóa quy trình ký kết hợp đồng sẽ là nhu cầu thiết yếu trong tương lai gần. Đây chính là bước đệm để các doanh nghiệp bắt nhịp với xu thế chuyển đổi số toàn cầu".

Các tổ chức chứng thực hợp đồng điện tử (CeCA) tham gia vào Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam có nhiệm vụ xây dựng, quản lý, duy trì, vận hành hệ thống hợp đồng điện tử kết nối với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam, chịu trách nhiệm về tính bảo mật, toàn vẹn, không thể chối bỏ của các hợp đồng điện tử mà mình lưu trữ và xác thực, góp phần thúc đẩy chủ trương chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ.

Hệ thống Trục phát triển hợp đồng điện tử quốc gia sẽ đóng vai trò xây dựng và phát triển thị trường ứng dụng thực tế của hợp đồng điện tử, để kết nối các nền tảng công nghệ, các hạ tầng số tin cậy của Chính phủ đến các doanh nghiệp, tổ chức, người dùng thông qua các giao dịch thương mại.