Mấy ngày qua, dư luận dành nhiều quan tâm đến việc Trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An được cho là chi sai gần 800 triệu đồng trong thời gian 2011-2015. Phóng viên VietNamNet đã trở lại Trung tâm để tìm hiểu thực tế sinh hoạt của những người đang hàng ngày sinh sống tại đây.
Bữa ăn 2.000-3.000 đồng
Bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An cho biết trước khi được áp dụng trợ cấp theo nghị định mới (từ tháng 9/2015 trở về trước), mức hỗ trợ của Nhà nước cho mỗi người tâm thần là 450.000 đồng/tháng, người neo đơn là 360.000 đồng/tháng.
Nếu dùng toàn bộ khoản này cho chi phí ăn uống thì mỗi ngày một người neo đơn có 12.000 đồng tiền ăn (cho 3 bữa), còn người tâm thần có 15.000 đồng.
Với số tiền đó, Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An phân chia bữa ăn cho mỗi người ở đây gồm: Ăn sáng 2.000-3.000 đồng/bữa; trưa và tối 5.000-6.000 đồng/bữa.
Mỗi bữa ăn ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An chỉ 2.000-3.000 đồng (ăn sáng). Bữa trưa và tối cũng chỉ ở mức 5.000-6.000 đồng.Ảnh: Cao Thái |
"Mỗi bữa ăn đầy đủ ngoài cơm gạo phải có thịt và rau. Trong tiền ấy còn phải mua gia vị, nước mắm, củi lửa, vệ sinh bát đũa, ... Giỏi xoay sở lắm thì số tiền đó chỉ đủ được lượng, rất khó đảm bảo về chất, Anh chị em ra chợ phải đắn đo lắm, nhất là khi giá cả ngày một tăng. Với từng ấy tiền, chúng tôi còn có thể tư lợi được đồng nào nữa?”, bà Phương bộc bạch.
Ngoài số tiền trợ cấp ăn uống hàng tháng, mỗi năm Sở LĐ-TB-XH Nghệ An còn cấp kinh phí cho mỗi người tâm thần là 800.000 đồng và người neo đơn 500.000 đồng. Về nguồn này, lãnh đạo trung tâm cho biết có dùng chi cả vào việc tiếp khách và trang trải những kinh phí khác của cơ quan do quá khó khăn.
Nói "chi sai" thì chịu, đừng nói "ăn chặn"
Suốt cuộc nói chuyện, bà Phương nhiều lần chảy nước mắt. Bà này một mực khẳng định rằng trung tâm chỉ chi sai tiền về nguyên tắc chứ không có dã tâm tham ô của những người tâm thần.
Bà Nguyễn Thị Thu Phương, PGĐ Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An |
“Có những trường còn xin trừ tiền ăn sáng để mua băng vệ sinh. Dù về nguyên tắc là sai nhưng những câu chuyện như thế luôn xảy ra ở đây. Chăm sóc người tâm thần cực kỳ vất vả. Quẩn áo mới cấp có khi bị họ xé. Việc vệ sinh sạch sẽ 100% là không thể. Nhiều công việc thật khó kể thành tên”, bà Phương nói.
Trước phản ứng của dư luận trong những ngày qua, bà Phương chia sẻ rằng không chỉ bản thân mà gia đình cũng gần như suy sụp.
“Nếu nói chi sai, tôi xin chịu. Nhưng dùng từ ăn chặn, tham ô tiền của người tâm thần thì quá nặng nề, oan ức!”, bà Nguyễn Thị Thu Phương chia sẻ.
“Đã giải trình nhưng không được chấp nhận”
Đoàn thanh tra Sở LĐ-TB-XH Nghệ An đã chỉ ra số tiền sai phạm trong giai đoạn 2011-2015 ở Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh này là gần 800 triệu. Hai hành vi gây sai phạm được xác định là tiền chênh lệch khẩu phần ăn và ký khống, chi sai mục đích. Cụ thể là̃ cào bằng các khẩu phần ăn khác nhau, ký khống hóa đơn, mua quần áo, vật dụng của đối tượng hưởng trợ cấp.
Ngôi nhà cũ kĩ của ông Nguyễn Xuân Phú - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội Nghệ An |
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Xuân Phú - Giám đốc Trung tâm phân trần: “Mỗi bữa ăn của người neo đơn và người tâm thần chỉ chênh nhau 1.000 đồng. Không phải chúng tôi cào bằng mà do chỉ có 1 bếp nên phải nấu chung”.
Khi làm việc với Thanh tra, Trung tâm đã giải trình kĩ nhưng không được chấp nhận. "Chừng đó tiền cho một bữa ăn gồm gạo, thức ăn, củi, gia vị thì làm sao chúng tôi còn bớt được nữa" - ông Phú nói.
Dư luận khắp nơi dè bỉu, người thân thậm chí còn phải nhận những tin nhắn khiếm nhã. Những ngày qua thực sự tôi luôn sống trong áp lực đè nặng” - ông Phú nói.
Theo ông Phú, có những người không muốn ăn bữa sáng do Trung tâm nấu mà muốn được trả tiền mặt để ăn theo ý thích. Xét nhu cầu này là chính đáng nên Trung tâm đã chi tiền (có người kí giám hộ). Nhưng thanh tra không chấp nhận vì như thế về nguyên tắc là không đúng.
Về số tiền 538 triệu đồng kinh phí mua quần áo vật dụng cho người bệnh chưa được chi trả từ năm 2011 đến nay, ông Phú trần tình: Trợ cấp của Sở hàng năm không đủ vì năm nào cũng phát sinh các khoản chi ngoài dự toán như trả công tác phí, đi tập huấn, tiếp khách… nên dù biết sai nguyên tắc nhưng vẫn phải cho anh em lạm chi vào tiền chế độ mua sắm vì khó khăn.
Việc này ông Phú cũng đã nhận trách nhiệm với thanh tra.
Tâm tư cán bộ chưa được phản ánh lên Sở?
Trao đổi với VietNamNet chiều 6/11, bà Hồ Thị Châu Loan, PGĐ Sở LĐ-TB-XH Nghệ An cho biết những phản ánh, tâm tư của ông Phú và bà Phương mới chỉ thể hiện trên báo chí, chưa phản ánh lên Sở.
"Sắp tới Sở sẽ tiếp tục có đoàn công tác về Trung tâm để xử lý những vụ việc liên quan và kiện toàn lại hoạt động tại đây để đảm bảo quyền lợi cho những đối tượng được xã hội bảo trợ", bà Loan cho biết.
Theo VNN