30 tháng Tư: Tâm sự những người ra đi để trở về

VietTimes- Chiến tranh đã đi qua 44 năm, gần bằng một đời người. Những thù hận, nghi kị cũng dần phai cùng với thời gian. Mỗi năm, hàng trăm ngàn bà con Việt kiều trở về thăm quê hương. Nhiều người trong số đó đã chọn ở lại để lập nghiệp và đóng góp cho đất nước.
“Khi ấy, tôi không nghĩ mình sẽ có cơ hội quay trở về Việt Nam nữa", cựu Bộ trưởng Tài chính của chính quyền Sài Gòn Hà Xuân Trừng kể.
“Khi ấy, tôi không nghĩ mình sẽ có cơ hội quay trở về Việt Nam nữa", cựu Bộ trưởng Tài chính của chính quyền Sài Gòn Hà Xuân Trừng kể.

Ba nhân vật, thuộc ba thế hệ Việt kiều đã chia sẻ câu chuyện riêng của mình với VietTimes những ngày tháng Tư lịch sử này.

Cựu Bộ trưởng Tài chính chế độ Sài Gòn: Mối dây không dứt ra được

Khi ngày 30/4/1975 xảy đến, ông Hà Xuân Trừng đang ở Boston (Hoa Kỳ). Cựu Bộ trưởng Tài chính của chính quyền Sài Gòn cũ khi ấy đang làm nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành kinh tế chính trị học tại Đại học Harvard.

Khi đó, ông Trừng đã nghĩ rằng, cánh cửa quay trở về Việt Nam của một người từng làm cho chế độ cũ như ông đã hoàn toàn đóng lại. Ông chưa bao giờ tưởng tượng ra, chỉ gần hai mươi năm sau, ông có cơ hội quay trở về cố hương.

Từng gây xôn xao dư luận khi được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Tài chính khi mới 28 tuổi, rồi sau đó là Bộ trưởng Tài chính ở tuổi ngoài 30, ông Trừng kể với VietTimes về những thăng trầm và biến cố của cá nhân mình, của cả một thời kì lịch sử bi tráng một cách nhẹ nhàng.

"Khi ấy, tôi không nghĩ mình sẽ có cơ hội quay trở về Việt Nam nữa".
"Khi ấy, tôi không nghĩ mình sẽ có cơ hội quay trở về Việt Nam nữa".

Chàng thanh niên trẻ tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Kinh tế học, Đại học Yale danh giá, rồi quay trở về tham gia nội các, đem những kiến thức đã học áp dụng vào việc đổi mới, cải cách để hệ thống kinh tế cởi mở hơn, thị trường hơn vào những năm đầu thập niên 70.

Hết một nhiệm kì, ông lấy học bổng chính phủ và lên đường sang Harvard, chọn học chuyên ngành Kinh tế Chính trị, với mong ước và kế hoạch quay về Việt Nam để tiếp tục sự nghiệp.

Biến cố 30/4/1975 đã tạo ra khúc đứt gãy đột ngột trong sự nghiệp.

“Khi ấy, tôi không nghĩ mình sẽ có cơ hội quay trở về Việt Nam nữa. Chỉ còn cách làm lại từ đầu ở Mỹ mà thôi. Nhưng nếu muốn trụ lại được trên đất Mỹ thì theo học chính trị học không có nghĩa lý gì. Vì vậy tôi chuyển hướng xin sang học ngành Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh cũng của Đại học Harvard”, ông Trừng nhớ lại.

Rời Harvard, ông Trừng có một sự nghiệp khá thành công, kinh qua các vị trí quản lý trong khu vực tư nhân. Những tưởng cuộc sống cứ bình lặng trôi đi như thế, cho đến ngày ông quyết định trở về thăm lại Việt Nam lần đầu tiên, vào năm 1993, khi đất nước mới vừa Đổi mới, mở cửa.

“Lúc ấy, Việt kiều hào hứng quay về lắm, vì Việt Nam đã mở cửa và Nhà nước mời gọi bà con Việt kiều trở về đóng góp cho đất nước. Lúc mới quay về, tôi cũng có chút bỡ ngỡ, chút hồi hộp lo lắng chứ, vì bối cảnh đất nước giờ đã thay đổi.

"Về lâu dài, nếu không tìm ra cách cải thiện hiệu năng của Việt Nam thì mức sống của người dân không thể tăng lên được".
"Về lâu dài, nếu không tìm ra cách cải thiện hiệu năng của Việt Nam thì mức sống của người dân không thể tăng lên được".

Cứ đi đi về về như thế một vài năm, rồi quyết định trở về Việt Nam sinh sống và phát triển sự nghiệp đến một cách tự nhiên. Có lẽ vì gần nửa đời người mình đã sống ở Việt Nam, nên mối dây gắn bó về tình cảm nó có gì đó thiêng liêng, sâu xa lắm, không dứt ra được”, cựu Bộ trưởng Tài chính của chính quyền Sài Gòn kể lại.

Hai năm đầu khi mới về nước, ông Trừng được cơ quan an ninh mời lên gặp. “Cuộc nói chuyện cũng vui vẻ, thoải mái. Họ hỏi tôi vì sao trở về thăm quê hương?, rồi bà con Việt kiều suy nghĩ như thế nào về chính sách mời gọi kiều bào về đóng góp cho quê hương?. Chỉ có duy nhất một lần đó thôi”, ông Hà Xuân Trừng nhớ lại.

Nhà hoạch định chính sách một thời với những cải cách đổi mới về hệ thống tài chính – kinh tế của chế độ VNCH, khi trở về lại lựa chọn con đường thầm lặng, tìm kiếm các cơ hội đóng góp trực tiếp cho xã hội với vai trò là một nhà giáo, nhà tư vấn cho các tổ chức phi chính phủ.

Tham gia cố vấn phát triển học thuật cho các chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) cho một số trường đại học ở Việt Nam, ông tìm thấy sự hứng thú và ý nghĩa sống tích cực mỗi ngày khi giúp đỡ được cho những người Việt trẻ trên chính quê hương mình.

“Có những người chọn con đường tham gia góp ý, tư vấn cho chính phủ về chính sách công chẳng hạn. Nhưng tôi muốn tìm kiếm những cơ hội mang tính cá nhân như thế này, để mình có thể đóng góp một cách trực tiếp, dù cũng không có gì to tát. Đấy hoàn toàn là lựa chọn mang tính cá nhân”, ông Trừng giải thích.

"Khi họ chứng kiến cuộc sống ở đây, tiếp xúc với con người nơi đây, lần hồi những suy nghĩ tiêu cực sẽ bớt đi thôi”, ông Hà Xuân Trừng chia sẻ.
"Khi họ chứng kiến cuộc sống ở đây, tiếp xúc với con người nơi đây, lần hồi những suy nghĩ tiêu cực sẽ bớt đi thôi”, ông Hà Xuân Trừng chia sẻ.

Một chủ đề mà chuyên gia Hà Xuân Trừng yêu thích khi tham gia giảng dạy tại Chương trình MBA cấp cao của Trường Quản trị Maastricht (Hà Lan) tại ĐH Bách Khoa TP.HCM là các vấn đề kinh tế có ý nghĩa quan trọng với Việt Nam.

“Khi dạy cho sinh viên về kinh tế Việt Nam, tôi tập trung vào những vấn đề mang tính dài hạn, đó là hiệu năng (productivity) của quốc gia, của từng ngành, từng công ty và thậm chí của mỗi cá nhân. Bởi lẽ, về lâu dài, nếu không tìm ra cách cải thiện hiệu năng của Việt Nam thì mức sống của người dân không thể tăng lên được. Đối với mỗi cá nhân cũng vậy, không học hỏi, bồi đắp thêm kĩ năng thì chúng ta không thể tiến bộ được”.

Giờ đây, vợ chồng ông Trừng tận hưởng cuộc sống thư thái ở Việt Nam, sáng sáng đi tập Thái Cực quyền trong công viên ven sông Sài Gòn. Một người con của ông bà cũng đã quay về Việt Nam định cư.
*******

Doanh nhân Trung Dung và cuộc khởi nghiệp lần 2 ở Việt Nam

Với Việt kiều thế hệ thứ nhất như ông Hà Xuân Trừng, câu chuyện quay trở về cố hương như một tiếng gọi tự thân, xuất phát từ những mối dây liên kết tình cảm từ trong tiềm thức của một người sinh ra, lớn lên và đã có một sự nghiệp nhất định ở Việt Nam. Còn với doanh nhân Dung Tấn Trung (hay được biết đến với tên Trung Dung), thế hệ Việt kiều thứ hai, cuộc trở về xuất phát từ sức hấp dẫn của những cơ hội kinh doanh đầy hứa hẹn ở một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam.

Năm 1985, chàng thanh niên 18 tuổi Dung Tấn Trung đặt chân đến Mỹ với vỏn vẹn 2 USD trong túi cùng vốn tiếng Anh ít ỏi. Như nhiều thanh niên Việt di cư sang Mỹ thời đó, Trung Dung chỉ có một con đường thoát nghèo là lao vào học để tìm kiếm cơ hội đổi đời.

Một năm sau, Trung Dung được nhận vào Đại học Massachusetts ở Boston. Để có tiền ăn học, Trung Dung phải đi làm thêm 30 giờ mỗi tuần với đủ thứ công việc nặng nhọc, từ rửa bát cho đến kỹ thuật viên trong các phòng máy tính.

15 năm sau, công ty OnDisplay do Trung Dung sáng lập đã được chuyển nhượng với giá gần 1,8 tỷ USD. Ông được coi là một trong những người Việt thành công nhất ở nước ngoài, được đưa tên vào cuốn sách “Giấc mơ Mỹ” của Dan Rather, như một trong những câu chuyện điển hình về những người thành đạt từ hai bàn tay trắng trên đất Mỹ.

Năm 2007, doanh nhân Dung Tấn Trung lần đầu tiên về nước sau nhiều năm lập nghiệp ở nước ngoài. Đó cũng là thời điểm Việt Nam vừa gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kinh tế trong nước tăng trưởng ngoạn mục, các dòng vốn đầu tư ào ạt chảy vào Việt Nam.

Sự hấp dẫn của một Việt Nam đang hội nhập mạnh mẽ với thế giới đã giữ chân doanh nhân Việt kiều 40 tuổi ở lại, quyết định khởi nghiệp lần nữa trên mảnh đất ông từng cùng gia đình liều mạng để rời đi cách đó hơn hai chục năm.

Doanh nhân Dung Tấn Trung (hay được biết đến với tên Trung Dung), thế hệ Việt kiều thứ hai trở về Việt Nam từ Mỹ.
Doanh nhân Dung Tấn Trung (hay được biết đến với tên Trung Dung), thế hệ Việt kiều thứ hai trở về Việt Nam từ Mỹ.

“Đã là kinh doanh thì ở đâu cũng có khó khăn và thuận lợi. Công bằng để so sánh thì khởi nghiệp ở Mỹ có những phức tạp và khó khăn rất lớn, trước tiên là đòi hỏi bạn phải có nguồn tài chính dồi dào. Một nhân viên phần mềm ở Mỹ sẽ tiêu tốn khoảng 100 đến 150 ngàn đô la một năm, mức lương có thể chi trả cho 10 nhân viên như thế ở Việt Nam mà chất lượng không có gì khác nhau.

Trong khi đó, ở đây chúng ta chỉ cần một số tiền không quá lớn vẫn có thể bắt đầu chinh phục ước mơ. Tất nhiên, ở Mỹ thì cứ đóng thuế xong anh muốn làm gì thì làm, còn ở đây thì có nhiều ràng buộc khác”, ông Trung chia sẻ.

Hơn 10 năm khởi nghiệp ở Việt Nam, Trung Dung cũng nếm nhiều trái đắng, mà như ông nói là “những bài học thất bại tràn trề đau thương”. Dự án khởi nghiệp đầu tiên với sản phẩm là hệ thống thanh toán điện tử (ví điện tử) gặp thất bại nặng nề.

Là một trong những người tiên phong xây dựng ví điện tử ở Việt Nam nhưng khi đưa sản phẩm ra thị trường, vào những năm 2010, ông Trung lại phải nghe điệp khúc “con gà quả trứng”: Các siêu thị, nhà bán lẻ không mặn mà vì người Việt chỉ dùng tiền mặt, còn người dùng thẻ không biết ở đâu chấp nhận. Không bán được sản phẩm, để tồn tại ông đưa hệ thống ví điện tử của mình đi bán thẻ điện thoại.

Năm 2014, Trung Dung quyết định chuyển hướng kinh doanh. Chương trình phúc lợi cho công nhân ra đời với cái tên iCareBenefits. Với giải pháp này, công nhân được hỗ trợ mua hàng trả góp trong 6 tháng với lãi suất bằng 0 (lãi suất 0%). Nhờ đáp ứng đúng nhu cầu công nhân, dịch vụ này nhanh chóng được đón nhận.

Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lớn tại Việt Nam đã liên kết cùng Mobivi triển khai cho công nhân mua hàng trả góp.

Dù con đường của iCare vẫn còn nhiều gập ghềnh phía trước, nhưng với Trung Dung, iCare có ý nghĩa hơn là một dự án kinh doanh đơn thuần.

“Tôi có cơ hội tìm ra những giá trị mới để mang lại những điều ý nghĩa cho cả khách hàng, xã hội và cộng đồng. iCare hướng tới phục vụ những người lao động có thu nhập thấp, đối tượng hầu như bị bỏ qua bởi hệ thống ngân hàng do rủi ro tín dụng quá cao”.
******

Việt kiều trẻ muốn “đưa một Việt Nam mới ra thế giới”

Gần 10 năm sau ngày doanh nhân Dung Tấn Trung trở về Việt Nam, Hào Trần, 24 tuổi, Việt kiều thế hệ thứ ba, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, quyết định sang Việt Nam, nơi bố mẹ cậu rời đi những năm cuối thập niên 70 cuaur thế kỷ trước, để lập nghiệp.

“Khi lớn lên, tất cả những gì tôi biết về Việt Nam là phở và các bộ phim tài liệu về chiến tranh. Mặc dù ba mẹ tôi là người Việt và tôi học được rất nhiều điều từ họ, nhưng tôi được nuôi dạy trong một môi trường Mỹ, với trường học và bạn bè người Mỹ nên tôi thấy mình là người Mỹ nhiều hơn, với quan điểm sống và nhìn nhận của một người Mỹ”, Hào chia sẻ.

Cho đến năm 18 tuổi, Hào mới biết Sài Gòn còn có một tên gọi khác. Năm 2016, Hào nhận được lời mời tham gia một quỹ đầu tư mạo hiểm của Mỹ tại TP.HCM. Ba năm nay, Thành phố Hồ Chí Minh là nơi cậu gọi là “nhà”.

Có một công việc thu nhập cao, sống ở một thành phố năng động, nhưng Hào vẫn cảm thấy thiếu một điều gì đó. Nếu như đa phần giới expat (chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam) như Hào chuyển đến Việt Nam sống vì cơ hội công việc tốt, nhưng ít thấy mình gắn kết với văn hóa và cuộc sống bản địa thì với Hào, nhu cầu “tái hòa nhập và kết nối với Việt Nam” giống như một thôi thúc tự thân.

“Có lẽ vì tôi mang trong mình dòng máu Việt nên đối với tôi, nơi này giống như là nhà vậy. Có quá nhiều điều thú vị đang xảy ra xung quanh mình và môi trường ở Việt Nam khá thuận lợi cho người trẻ khởi nghiệp”, Hào chia sẻ.

Qua những câu chuyện với bạn bè người nước ngoài và cả bạn bè gốc Việt ở Mỹ, Hào nhận thấy, họ hầu như không biết gì về Việt Nam.

“Đa phần người nước ngoài khi nói về Việt Nam chỉ biết đến phở và bánh mì, hay cuộc chiến đã qua 44 năm trước. Bạn bè gốc Việt cùng thế hệ tôi thì nghĩ rằng Việt Nam giống như là một nước thuộc thế giới thứ ba, nghèo và chẳng có gì thú vị cả. Họ thực sự không biết những gì đang diễn ra ở Việt Nam ngày nay, một Việt Nam rất khác và hiện đại”.

Hào Trần, 24 tuổi, Việt kiều thế hệ thứ ba, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, quyết định sang Việt Nam, nơi bố mẹ cậu rời đi những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, để lập nghiệp.
Hào Trần, 24 tuổi, Việt kiều thế hệ thứ ba, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, quyết định sang Việt Nam, nơi bố mẹ cậu rời đi những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước, để lập nghiệp.

Những gì chứng kiến thôi thúc Hào phải làm thế nào để giúp cho người nước ngoài và cộng đồng Việt kiều hiểu về Việt Nam theo cách tích cực hơn. Một năm sau khi đến Việt Nam, Hào rời bỏ quỹ đầu tư của Mỹ để ra ngoài khởi nghiệp. Anh cùng bạn bè sáng lập Vietcetera – một trang web tiếng Anh nhằm mục đích chia sẻ “những câu chuyện chưa từng được kể về một Việt Nam mới mẻ, hiện đại”.

Từ kinh doanh, văn hóa, ẩm thực và du lịch, mỗi một lĩnh vực, Vietcetera đều tìm thấy những con người và câu chuyện thú vị để kể với bạn đọc. Chỉ sau ba năm, hiện giờ platform này của Hào và cộng sự đã thu hút hơn 1 triệu người đọc thường xuyên. Thành công nhanh chóng của Vietcetera khiến nhiều nhà đầu tư chú ý và hiện Hào đang thương thảo với một vài quỹ đầu tư để mở rộng dự án khởi nghiệp của mình.

Giống như Hào, hàng nghìn bạn trẻ Việt kiều khác, bỏ qua những lời phản đối của ba mẹ, đã chọn quay trở về Việt Nam. Sinh ra và lớn lên ở Mỹ, hầu hết đều không giỏi giao tiếp bằng tiếng Việt, nhưng họ đã nhanh chóng tìm thấy “nhà” mình ở đây.

Hào tin rằng, những cơ hội ở Việt Nam rất hứa hẹn với thế hệ Việt kiều thứ ba.

Trong hơn 3000 doanh nghiệp khởi nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, nhiều trong số đó do những bạn trẻ Việt kiều sáng lập. Trong khi giới trẻ ở Mỹ đang vật lộn với vô vàn khó khăn như giá cả sinh hoạt đắt đỏ, cơ hội công việc bị thu hẹp thì môi trường ở Việt Nam tương đối thuận lợi cho những người có kiến thức và kĩ năng.

“Là một quốc gia mới nổi, Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều thác thức nhưng cũng có vô vàn các cơ hội kinh doanh cũng như để bạn theo đuổi những công việc có ý nghĩa. Bạn có thể cảm nhận nguồn năng lượng sống tràn trề nơi đây. Người Việt Nam luôn hào hứng chào đón người nước ngoài. Họ đề cao tư duy toàn cầu”, Hào lí giải.

Chiến tranh đã lùi xa 44 năm. Từ những nghi kị và ngại ngần ban đầu, giờ đây mỗi năm có tới hàng trăm ngàn bà con Việt kiều trở về thăm quê. Năm 2018, con số này là 420 nghìn người.

"Có lẽ vì gần nửa đời người mình đã sống ở Việt Nam, nên mối dây gắn bó về tình cảm nó có gì đó thiêng liêng, sâu xa lắm, không dứt ra được”, cựu Bộ trưởng Tài chính của chính quyền Sài Gòn kể lại.
"Có lẽ vì gần nửa đời người mình đã sống ở Việt Nam, nên mối dây gắn bó về tình cảm nó có gì đó thiêng liêng, sâu xa lắm, không dứt ra được”, cựu Bộ trưởng Tài chính của chính quyền Sài Gòn kể lại.

Nói như cựu Bộ trưởng Tài chính của chế độ Sài Gòn cũ, chuyên gia Hà Xuân Trừng: “Hòa giải lâu dài sẽ đến từ quá trình tiếp xúc giữa người với người. Bà con Việt kiều về Việt Nam ngày càng nhiều. Khi họ chứng kiến cuộc sống ở đây, tiếp xúc với con người nơi đây, lần hồi những suy nghĩ tiêu cực sẽ bớt đi thôi”.

Ở khía cạnh Nhà nước, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh lại cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều điều phải làm hơn nữa.

“Có lẽ, thu hút nhân tài và chia sẻ tình cảm là hai điều lớn nhất mà Việt Nam cần phải làm đối với kiều bào. Còn làm được gì nhiều hơn nữa về đại đoàn kết dân tộc hay không? Tôi nghĩ còn có thể!

Quan trọng nhất, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới, cải cách để phát triển hơn nữa, để mỗi kiều bào đều thấy đất nước có uy tín, vị thế trên thế giới. Việt Nam cũng cần tăng cường chính sách tiếp cận để kiều bào cùng chia sẻ thành tựu, đóng góp những ý kiến quý báu đối với vấn đề còn tồn tại”, Đại sứ Vinh kết luận./.