Larry Berman và Phạm Xuân Ẩn.
|
Khi ấy, sử gia nổi tiếng người Mỹ không hề biết rằng mình đang ăn tối cùng một nhà tình báo huyền thoại, về sau sẽ trở thành nhân vật chính cho cuốn sách nổi tiếng của ông: "X6 - Điệp viên Hoàn hảo".
Bữa cơm giữa huyền thoại tình báo và sử gia Mỹ
“Ẩn ngồi kế bên tôi. Khi ấy, tôi không biết ông ấy là ai. Nhưng khi biết tôi đang dạy tại Đại học California ở Davis, Ẩn đã say sưa kể cho tôi nghe về quãng thời gian hai năm ông ấy đã học ở Đại học Orange Coast, California những năm 50 của thế kỷ trước.
Chúng tôi đã trò chuyện suốt 3 tiếng đồng hồ không dứt. Và tôi khám phá ra rằng Ẩn là một trong những người nói chuyện thú vị và lôi cuốn nhất mà tôi từng gặp” – GS Larry Berman nhớ lại.
Trong suốt cuộc trò chuyện kéo dài hàng tiếng đồng hồ đó, ông Ẩn không đề cập một lời nào về chuyện làm tình báo. Berman chỉ biết Phạm Xuân Ẩn là ai qua lời kể của một người bạn. Sau đó, nhà sử học, tác giả của 4 cuốn sách nổi tiếng về Chiến tranh Việt Nam đã tìm đọc ngấu nghiến tất cả các tư liệu có thể tiếp cận được về ông Ẩn.
Chân dung Phạm Xuân Ẩn mà Berman tìm thấy qua các bài viết là một điệp viên huyền thoại, người đã hoàn thành xuất sắc vỏ bọc của mình: phóng viên thường trú của Time trong suốt 11 năm mà không hề bị phát giác. Người Mỹ chỉ biết ông Ẩn là tình báo của Bắc Việt sau khi chiến tranh kết thúc khá lâu.
Larry Berman đang kể lại cuộc gặp gỡ định mệnh với điệp viên hoàn hảo Phạm Xuân Ẩn trong chuyến trở lại Việt Nam gần nhất, năm 2018, tại TP.HCM.
|
Trong suốt hơn chục năm hoạt động như một phóng viên, ông Ẩn đã lặng lẽ gửi hàng trăm bản báo cáo tin tức và phân tích quân sự tối mật về miền Bắc, với độ chính xác lên tới hơn 80% - một kỉ lục mà ít điệp viên nào đạt được.
Được ngụy trang dưới hình thức những cuộn phim chụp ảnh, các báo cáo của Ẩn do mạng lưới giao liên đưa về địa đạo Củ Chi, rồi sau đó chuyển về căn cứ Núi Bà Đen, vòng qua Phnom Penh, lên máy bay tới Quảng Châu, miền Nam Trung Quốc rồi từ đó được chuyển đến Bộ Chính trị ở Hà Nội.
Các báo cáo được viết chi tiết và sinh động đến nỗi sau này, người ta kể lại rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi đọc các báo cáo của Trần Văn Trung – bí danh của Phạm Xuân Ẩn đã phải thốt lên: “Chúng ta đang ở trong phòng chiến tranh của Lầu Năm góc!”
Những bản báo cáo của ông Ẩn được đánh giá là đã giúp Hà Nội hiểu chính xác người Mỹ, từ đó đề ra đường lối chiến tranh phù hợp.
Tuy nhiên, những câu chuyện kể về các chiến tích huyền thoại của điệp viên Phạm Xuân Ẩn lại thôi thúc nhà sử học người Mỹ tìm hiểu về ông ở một góc độ khác.
Lần đầu tiên ông Phạm Xuân Ẩn ra Hà Nội gặp mặt Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
|
“Tôi muốn tìm hiểu về Ẩn như một con người và hiểu được động cơ của ông. Tôi luôn khao khát muốn biết con người thực sự của Ẩn là ai: người anh hùng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao tặng huân chương? Người phóng viên viết những bản tin, bài báo cho người Mỹ và Nam Việt Nam đọc? Hay một điệp viên cộng sản của Bắc Việt?
Tôi luôn tự hỏi làm thế nào để ông ấy có thể sống trong vỏ bọc của mình một cách hoàn hảo đến như thế?”.
Ông Ẩn mời sử gia người Mỹ đến nhà nói chuyện vào ngày hôm sau. Larry Berman đã quyết định bỏ chuyến đi Campuchia cùng những người bạn trong đoàn để ở lại TP.HCM. Trong suốt 5 ngày liền sau đó, cả hai trò chuyện về Richard Nixon, Henry Kissinger và chiến tranh Việt Nam.
Ông Ẩn đánh giá cao cuốn sách của Larry Berman “Không hòa bình, không danh dự: Nixon, Kissinger và Sự phản bội ở Việt Nam” như một trong những cuốn sách khách quan nhất về giai đoạn lịch sử bi tráng này. Hầu như ngày nào, Berman cũng hỏi liệu mình có thể viết về cuộc đời của ông Ẩn hay không.
“Câu trả lời của ông ấy luôn luôn là không. Ông ấy cũng không muốn bất kỳ ai viết sách về mình. Nhiều tác giả biết ông ấy trong suốt thời chiến là những nhà báo nổi tiếng như Stanley Karnow và những người khác.
Họ đã từng mời ông Ẩn viết hồi ký với mức nhuận bút 500 ngàn USD nhưng Phạm Xuân Ẩn luôn nói: “Không, bởi vì nếu tôi kể những bí mật của mình, rất nhiều người sẽ bị tổn thương”.
Khi ông Ẩn bị ốm nặng đến mức tưởng chừng không qua khỏi với ¾ lá phổi bị cắt, ông đã đồng ý để Berman viết về cuộc đời mình.
“Ông ấy nói rằng ông ấy chọn tôi vì nghĩ rằng tôi là một trong những sử gia Mỹ khách quan nhất khi viết về những đề tài gây tranh cãi, và rằng tôi sẽ giữ góc nhìn độc lập và tôi không hề biết Ẩn trong chiến tranh. Điều quan trọng đối với ông Ẩn là câu chuyện của ông được kể lại, được nhìn nhận bởi cả phía Việt Nam và Mỹ”.
Điệp viên hoàn hảo
“Phạm Xuân Ẩn có một quá khứ phức tạp”, Larry Berman nhận xét. Ông làm việc cho Việt Minh vào những năm 1940, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1953, trong khi duy trì vỏ bọc hợp pháp của mình như một cộng tác viên cho Cục tâm lý chiến của Quân đội Nam Việt Nam.
"Phạm Xuân Ẩn là một nhà phân tích tình báo đại tài, cả về mặt tình báo và quân sự”, GS. Larry Berman lý giải.
|
Chính trong thời gian này, Đại tá tình báo Edward Lansdale, người được cử đến miền Nam Việt Nam để thành lập và điều hành mạng lưới hoạt động cho CIA sau năm 1954, đã phát hiện và chiêu mộ Phạm Xuân Ẩn.
Lansdale và các đồng nghiệp đã dạy cho Ẩn những kỹ năng thu thập và phân tích thông tin mà về sau đã được ông vận dụng tài tình trong suốt 20 năm hoạt động tình báo dưới vỏ bọc của một phóng viên báo Time.
Sau này, ông Ẩn từng giải thích cho nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải, tác giả cuốn sách đầu tiên về ông: “Mỗi người thường có một nghề, trong khi tôi lại có hai công việc, một là theo cách mạng và hai là làm nhà báo. Hai nghề này tưởng như đối lập nhau nhưng thực chất lại rất giống nhau.
Nghề tình báo đòi hỏi bạn phải thu thập thông tin, phân tích thông tin và giữ nó trong vòng bí mật, như con mèo giấu cứt của mình. Nghề báo, ngược lại, thu thập thông tin, phân tích thông tin và công bố nó với cả thế giới”.
Ở cả hai nghề này, Phạm Xuân Ẩn đều đạt được những thành tựu xuất sắc.
“Ẩn không ăn cắp thông tin từ người Mỹ. Ông ấy là một phóng viên, nhưng ông ấy còn là một điệp viên rất dũng cảm và có quan hệ sâu rộng. Chúng tôi gọi đó là tình báo con người.
Ông ấy đã thực sự trở thành bạn rất thân với các quan chức chính quyền miền Nam Việt Nam, trùm tình báo cũng như giới chức ở CIA. Những quan chức tình báo này đưa tài liệu cho ông ấy vì họ nghĩ ông là một phóng viên.
Ông ấy là một bậc thầy trong việc thuyết phục người khác trao tài liệu cho mình, để Ẩn có thể sử dụng các kỹ năng phân tích tuyệt vời và viết báo cáo gửi cho Hà Nội. Đó là chìa khóa thành công của Ẩn. Phạm Xuân Ẩn là một nhà phân tích tình báo đại tài, cả về mặt tình báo và quân sự”, GS. Larry Berman lý giải.
Giấc mơ California và tình yêu với nước Mỹ
Vào cuối những năm 1950, Hà Nội quyết định cử ông tới Mỹ học về báo chí. Sau nhiều nỗ lực, tháng 10 năm 1957, chàng thanh niên 31 tuổi Phạm Xuân Ẩn lên đường sang Mỹ du học ngành báo chí, tại Đại học Orange Coast, bang California.
Ở đó, ông lấy các môn về khoa học chính trị, chính phủ Mỹ, kinh tế học, xã hội học, tâm lý học, tiếng Tây Ban Nha và báo chí. Ẩn làm việc cho The Barnacle, một tờ báo của trường và thường xuyên có bài được đăng tải.
“Ẩn nói với tôi rằng hai năm ở Mỹ là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong đời ông ấy”. Ông ấy đã “phải lòng” nước Mỹ và “phải lòng” một người Mỹ, Lee Mayer, cô gái tóc vàng là biên tập viên và đồng nghiệp của Ẩn ở tờ The Barnacle.
“Lee biết tôi yêu cô ấy, nhưng tôi chưa bao giờ thổ lộ với cô ấy. Người Việt chúng tôi chẳng bao giờ thổ lộ những gì mình cảm thấy cả”, Ẩn kể với Berman.
Ngày 19/11/2003, USS Vandergrift, tàu chiến đầu tiên của Hải quân Mỹ ghé thăm cảng Sài Gòn kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.
|
Sử gia người Mỹ nói rằng, trong cuộc gặp đầu tiên giữa hai người, ông Ẩn mang theo một cái hộp, trong đó cất giữ tất cả những kỷ vật khi ông còn là một sinh viên ở California. “Chiếc hộp này có vị trí riêng tư quan trọng nhất trong cuộc đời ông ấy”, Berman nhớ lại.
Lúc ở Mỹ, ông Ẩn lấy được bằng lái xe và đã quyết định làm một chuyến lái xe qua nhiều bang để tìm hiểu về nước Mỹ. Dọc đường đi, chiếc xe cà tàng bị hỏng hai lần và người dân trên đường đã cho chàng trai trẻ một chỗ tá túc với những bữa ăn nóng hổi.
“Trải nghiệm ở Mỹ có ảnh hưởng mang tính bước ngoặt lên tư tưởng của Phạm Xuân Ẩn. Ông đã được chứng kiến sự tử tế và lịch thiệp của người dân Mỹ. Ẩn nhận ra rằng người Mỹ và người Việt Nam chia sẻ nhiều giá trị chung.
Ông thấy rằng Chính phủ, chứ không phải người dân Mỹ là thủ phạm gây ra cuộc chiến tranh”, Berman giải thích.
“Tôi yêu Tổ quốc tôi và tôi cũng yêu nước Mỹ. Khi chiến tranh qua đi, tôi muốn hai nước trở lại bên nhau như những người bạn”, Ẩn giải thích với Berman. Phạm Xuân Ẩn sau đó nhận ra mình thật sự ngây thơ khi nghĩ rằng tiến trình hòa giải sẽ diễn ra nhanh chóng giữa Nam và Bắc, giữa Việt Nam và Mỹ.
Ngày 19/11/2003, USS Vandergrift, tàu chiến đầu tiên của Hải quân Mỹ ghé thăm cảng Sài Gòn kể từ khi kết thúc chiến tranh Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn là một trong những khách VIP có mặt trên tàu vào thời điểm lịch sử đó.
Sau này, ông Ẩn kể lại với sử gia Larry Berman, ông cảm thấy hạnh phúc đến mức có thể ra đi thanh thản vào chính ngày đó mà không còn thấy nuối tiếc điều gì.
Chuyến hành trình của con sói cô độc
Người phương Tây thường ví cuộc đời của một điệp viên luôn là một con sói cô độc (lone wolf). Dù được nhà tình báo huyền thoại tin cậy chia sẻ rất nhiều câu chuyện, tâm tư và trọng trách viết sách kể lại cuộc đời mình, nhưng đến giờ GS Larry Berman vẫn phải thừa nhận mình không thể có câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Phạm Xuân Ẩn thực sự là người như thế nào”.
“Để sống sót trong vai trò một điệp viên, Ẩn phải trở thành một người khác. Trong quá trình ấy, Ẩn không thể từ bỏ vỏ bọc một cách dễ dàng. Để thành công trong vai trò một điệp viên, ông ấy phải trở thành một nhà báo kỳ cựu.
Và ông ấy đã hoàn toàn trở thành con người vỏ bọc đó bởi vì ông ấy đã không phạm phải một sơ suất nào cả. Vậy đó, bằng cách trở thành con người đó và sống với cái mặt nạ đó trong suốt một thời gian dài, Ẩn đã là một điệp viên thành công”.
Ẩn nói rằng ông chưa bao giờ nói dối với bất kỳ ai, rằng các phân tích chính trị mà ông gửi cho Time cũng không có gì khác với những báo cáo ông gửi cho Hồ Chí Minh.
Ông trở thành một con người bị chia rẽ bởi tính chính trực tuyệt đối, một người sống trong vỏ bọc nhưng luôn nói sự thật, nhà báo Thomas A.Bass nhận xét.
"Ẩn không ăn cắp thông tin từ người Mỹ. Ông ấy là một phóng viên, nhưng ông ấy còn là một điệp viên rất dũng cảm và có quan hệ sâu rộng".
|
Một trong những hành động gây tranh cãi nhiều nhất của Phạm Xuân Ẩn là quyết định cứu bác sỹ Trần Kim Tuyến, cựu trùm mật vụ của chế độ Sài Gòn vào đúng ngày 30/4/1975. Với sự giúp đỡ nhiệt thành của Ẩn, ông Tuyến đã lên được chuyến bay cuối cùng di tản khỏi Sài Gòn.
Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Hải kể rằng, bà đã từng đem câu chuyện này hỏi hai người chỉ đạo trực tiếp của ông Ẩn trong chiến tranh là ông Trần Quốc Hương, nguyên Bí thư Trung ương Đảng và Đại tướng Mai Chí Thọ.
“Cứu Tuyến, đó là biểu hiện rất đặc biệt về tư chất Ẩn. Con người trung hậu như vậy nhất định sẽ thành công trong sự nghiệp. Đó gần như là Luật Nhân – Quả” (lời đại tướng Mai Chí Thọ). Còn ông Trần Quốc Hương thì nói: “Ẩn xử sự đúng với bản chất con người của mình: trọng đạo lý.”
Trong cuộc đời Phạm Xuân Ẩn, những việc cứu “kẻ thù” như thế không chỉ diễn ra một lần. Ông đã từng cứu nhiều bạn Mỹ của ông thoát chết trong những hoàn cảnh vô cùng phức tạp và còn nguy hiểm cho ông trong chiến tranh.
Điều này lý giải vì sao sau này, những người bạn Mỹ và đồng nghiệp của ông Ẩn trong chiến tranh, khi biết về thân phận thật sự của Phạm Xuân Ẩn, vẫn yêu mến ông.
Nhà báo Mỹ kỳ cựu David Halberstam, đồng nghiệp của Ẩn ở tờ Time nói rằng ông “chưa bao giờ cảm thấy bị Ẩn phản bội”, bởi ông Ẩn phải hoàn thành sứ mệnh của một người Việt Nam yêu nước trong một thời kỳ lịch sử bi thảm của dân tộc mình.
“Chúng ta sẽ không bao giờ biết được câu trả lời chính xác Phạm Xuân Ẩn thực sự là ai. Ông là một điệp viên hoàn hảo, một người yêu nước đã hoàn thành sứ mạng của mình với dân tộc, nhưng cũng là một người hùng cô đơn”, sử gia Larry Berman kết luận khi trò chuyện với VietTimes./.