VietTimes – Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, xử lý
hồ sơ, thực hiện các công việc của bộ máy hành chính trên mạng và liên thông ở
các cấp chính quyền; cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua các cổng dịch vụ công
trực tuyến và kết nối các dữ liệu là 3 việc tiên quyết để xây dựng chính phủ điện
tử.
Đây là một trong những nội dung lưu ý của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 45/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích (Quyết định 45) kết nối trực tuyến 63 tỉnh thành.
Được biết, sau 1 năm thực hiện quyết định số 45 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, 100 % Bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thủ tục hành chính đã thực hiện rà soát, công bố các thủ tục hành chính được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích. 61/63 tỉnh thành phố đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam – doanh nghiệp bưu chính duy nhất tại Việt Nam được giao triển khai các dịch vụ bưu chính công ích.
Giai đoạn đầu triển khai, tổng số điểm đăng ký cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công tại 63 Bưu điện tỉnh, thành phố là 3.899 điểm, bao gồm toàn bộ Bưu cục cấp 1, 2, các Bưu cục cấp 3 và một số Bưu điện – Văn hóa xã.
Tính riêng 10 tháng đầu năm 2017, đã có gần 8 triệu lượt hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính sử dụng dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua Bưu điện.
100% hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được phát đến địa chỉ nhận trong tình trạng không bị suy suyển, hư hỏng hoặc ảnh hưởng tới nội dung bên trong, không có trường hợp nào bị mất trong quá trình chuyển phát, không có trường hợp nào phải bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, cá biệt vẫn có trường hợp hồ sơ bị chuyển trả chậm so với thời gian quy định.
Từ đầu cầu Hà Nội, ông Đào Việt Ánh, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết, việc thực hiện Quyết định 45 đã giúp cơ quan này giảm áp lực trong giải quyết TTHC, tạo thuận lợi tối đa cho DN, người dân.
“Qua dịch vụ bưu chính công ích, BHXH Việt Nam tiếp nhận 3,5 triệu/5 triệu hồ sơ; trả 5,3 triệu/7 triệu kết quả giải quyết. Người dân, DN sử dụng dịch vụ bưu chính công ích để làm các TTHC về BHXH đều được miễn phí toàn bộ. Nhờ vậy, thời gian giao dịch BHXH của DN giảm từ 335 giờ (năm 2014) xuống 147 giờ (năm 2017). Số đối tượng của BHXH tăng 35%, số thu tăng 2 lần nhưng biên chế không tăng”, ông Ánh thông tin thêm.
Từ đầu cầu Quảng Bình, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục cải cách hành chính, hiện đại hóa bộ máy, những việc gì doanh nghiệp có thể làm được thì phải để doanh nghiệp tham gia thực hiện.
Phó Thủ tướng cho rằng nơi nào cũng hô hào xây dựng chính phủ điện tử, nhưng lại chưa làm rõ các công việc cần triển khai để chính phủ điện tử rõ hình. Theo Phó Thủ tướng, cần làm cho được 3 việc cụ thể. Trước tiên là nhất định phải tổ chức để xử lý hồ sơ, thực hiện các công việc của bộ máy hành chính bằng máy tính, trên mạng và liên thông ở các cấp chính quyền. Hiện nay, có duy nhất Văn phòng Chính phủ xử lý đúng nghĩa hồ sơ trên máy, trên mạng, còn tất cả các Bộ hiện mới chỉ được từng khâu, chứ chưa được hoàn toàn đồng bộ. Ngay một số địa phương cũng chưa xử lý được việc này ở cấp tỉnh. Theo Phó Thủ tướng, đây là việc cần làm đầu tiên nếu muốn xây dựng chính quyền điện tử.
Việc thứ hai là nhất định tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến, cần có cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Và thứ ba, các dữ liệu phải được kết nối, dưới sự quản lý chung của Bộ TT&TT.
Quang cảnh hội nghị ở đầu cầu Quảng Bình. Ảnh: VGP
Thủ tướng cho rằng, với Quyết định 45, bưu điện không chỉ là “cánh tay nối dài”, “bộ mặt” của bộ máy hành chính mà còn phải hướng tới là đại diện, là tai, là mắt của chính quyền. Theo đó, nhân viên bưu điện phải hiểu các TTHC để tư vấn cho bà con, nhân dân. Đây là yêu cầu đòi hỏi sự nỗ lực cả ngành bưu điện với sự hỗ trợ, tập huấn của các cơ quan giải quyết TTHC trước hết là những thủ tục người dân cần nhiều nhất.
“Từ thực tiễn cơ sở, từng nhân viên bưu điện cần ghi chép, tập hợp những TTHC người dân sử dụng nhiều nhất, từ đó phối hợp với các cơ quan Nhà nước để chuẩn hóa dịch vụ, thống nhất quy trình xử lý, phương thức giải quyết. Hiện chúng ta có trên 109.000 TTHC nếu chuẩn hóa được sẽ chỉ còn khoảng 10.000”, Phó Thủ tướng gợi ý.
Về kiến nghị cần phải đẩy nhanh quá trình đơn giản hóa giải quyết TTHC, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chỉ có thể làm được nếu các bộ ngành, địa phương tin học hóa bộ máy hành chính, xử lý hồ sơ công việc bằng máy tính, trên mạng và liên thông tất cả các cấp; tổ chức cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
“Cả ba việc này phải được thực hiện bằng phương thức thuê dịch vụ CNTT cho từng dịch vụ. Số lượng các dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 là tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ cải cách hành chính, TTHC của mỗi bộ ngành, địa phương”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn ngành bưu điện tham gia “tích cực, trách nhiệm, quyết liệt” vào quá trình này để đẩy nhanh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3-4 đến người dân.