21% thanh thiếu niên Việt Nam từng bị bắt nạt trên mạng internet

Theo kết quả khảo sát do UNICEF vừa công bố, 21% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ là đã từng là nạn nhân của tệ bắt nạt trên mạng.

(Ảnh minh họa: Phạm Mai/Vietnam+)

Một phần ba thanh thiếu niên ở 30 quốc gia cho biết họ đã từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng, trong đó 20% cho biết đã từng bỏ học vì bị bắt nạt trên mạng và bạo lực. Đây là kết quả từ cuộc khảo sát ý kiến về bạo lực đối với trẻ em do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc công bố hôm nay.

Hơn 170.000 người sử dụng U-Report (U-Reporters) tuổi từ 13-24 đã tham gia khảo sát ý kiến, bao gồm thanh thiếu niên của Albania, Bangladesh, Belize, Bolivia, Brazil, Burkina Faso, Côte d’Ivoire, Ecuador, Pháp, Gambia, Ghana, Ấn Độ, Indonesia, Iraq, Jamaica, Kosovo, Liberia, Malawi, Malaysia, Mali, Moldova, Montenegro, Myanmar, Nigeria, Romania, Sierra Leone, Trinidad & Tobago, Ukraine, Việt Nam và Zimbabwe.

Theo kết quả khảo sát, 21% thanh thiếu niên Việt Nam tham gia khảo sát cho biết họ là nạn nhân của bắt nạt trên mạng. Đặc biệt, 75% cho biết họ không biết về đường dây nóng hoặc các dịch vụ có thể giúp nếu bị bắt nạt hoặc bị bạo lực trên mạng.

Gần 75% thanh thiếu niên cho biết mạng xã hội như Facebook, Instagram, Snapchat và Twitter là những nền tảng phổ biến nhất xảy ra bắt nạt trên mạng.

Thanh thiếu niên được khảo sát ý kiến được hỏi một loạt những câu hỏi liên quan đến trải nghiệm bị bắt nạt trên mạng và bạo lực, nơi nào thường xuyên xảy ra nhất, ai có trách nhiệm chấm dứt vấn đề này?

Khoảng 32% người được khảo sát ý kiến tin rằng Chính phủ có trách nhiệm chấm dứt tệ bắt nạt trên mạng, 31% cho rằng trách nhiệm thuộc về thanh thiếu niên và 29% cho rằng thuộc các công ty cung cấp dịch vụ internet.

Về vấn đề này, 44% thanh thiếu niên Việt Nam cho rằng chính họ có trách nhiệm chấm dứt bắt nạt trên mạng và 30% cho rằng đó là nhiệm vụ của Chính phủ.

Bà Henrietta Fore, Giám đốc Điều hành UNICEF nhận định. “Ngày nay, không gian lớp học kết nối với thế giới bên ngoài cũng đồng nghĩa với việc giờ đến trường không còn kết thúc lúc học sinh rời lớp học, và thật đáng buồn, bắt nạt học đường cũng không dừng lại ở đó. Cải thiện giáo dục cho thanh thiếu niên đồng nghĩa với trách nhiệm đối với môi trường mà thanh thiếu niên tiếp xúc, cả trên mạng và ngoài đời.”

Bà Najat Maalla Mjid, Đại diện Đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Bạo lực đối với Trẻ em, cho biết. “Một trong những thông điệp chính có thể thấy rõ từ ý kiến của thanh thiếu niên là sự cần thiết phải có sự tham gia và hợp tác của trẻ em và thanh thiếu niên. Khi được hỏi trách nhiệm chấm dứt bắt nạt trên mạng thuộc về ai, các ý kiến chia đều giữa chính phủ, công ty cung cấp dịch vụ internet và chính thanh thiếu niên. Chúng ta cần chung sức giải quyết vấn đề này và cần chia sẻ trách nhiệm và hợp tác cùng nhau.”

Để chấm dứt bắt nạt trên mạng và bạo lực trong và xung quanh trường học, UNICEF đang kêu gọi thực hiện các chính sách bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên khỏi nạn bắt nạt trên mạng và bắt nạt nói chung; mở các đường dây điện thoại quốc gia để hỗ trợ trẻ em và thanh thiếu niên; đẩy mạnh các tiêu chuẩn đạo đức và thực hành của những nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đặc biệt liên quan đến thu thập, quản lý thông tin và dữ liệu; Tập huấn cho giáo viên và cha mẹ để phòng tránh và giải quyết bắt nạt trên mạng và bắt nạt nói chung, đặc biệt đối với nhóm dễ bị tổn thương./.

Theo Vietnam+

http://www.vietnamplus.vn/21-thanh-thieu-nien-viet-nam-tung-bi-bat-nat-tren-mang-internet/593503.vnp