Thể chế, cơ chế tốt mới có chiến lược, chính sách đúng đắn và mới chọn ra được những quan chức có năng lực và tinh thần trách nhiệm để thực thi hiệu quả các chiến lược, chính sách ấy. Tôi cũng có cùng quan điểm này. Từ nhận định đó, “những điều trông thấy” trong năm 2015 làm tôi thấy lo âu cho tương lai kinh tế Việt Nam.
Những ngày cuối năm báo chí rộ lên vấn đề nợ công. Nhiều người lo là Việt Nam có thể lâm vào khủng hoảng ngân sách vì tình trạng bội chi triền miên. Chính phủ hiện không đủ tiền chi tiêu nên tìm cách vay thêm, chưa nói tới vấn đề phải trả nợ nước ngoài. Những người có trách nhiệm (chắc không phải là tất cả) cũng bắt đầu lo. Nhưng vấn đề cơ bản hơn là cái thể chế, cơ chế đưa đến hậu quả đó đã quá rõ từ rất lâu mà không thấy lãnh đạo, quan chức nào đề khởi biện pháp để thay đổi. Chẳng những thế, trước bức xúc của dư luận về những hiện tượng lãng phí, một số quan chức qua phát ngôn còn cho thấy thiếu cả hiểu biết và tinh thần trách nhiệm.
Chỉ đơn cử vài trường hợp cũng thấy được bản chất của vấn đề và mức độ trầm trọng trong thể chế ở Việt Nam hiện nay.
Vấn đề xe con được báo chí nêu lên như một dẫn chứng về một trong những nguyên nhân gây nên gánh nặng ngân sách. Cái gốc của vấn đề là có quá nhiều quan chức được hưởng tiêu chuẩn đi xe con do ngân sách cấp. Nhưng dù thấy như vậy, nhà nước vẫn chưa cho thấy quyết định sẽ cắt giảm biên chế hoặc sửa đổi tiêu chuẩn.
Ngược lại, có người ở cương vị có trách nhiệm còn cho rằng đó là hiện tượng bình thường, ở nước ngoài quan chức còn dùng cả máy bay đi làm việc! Một phát ngôn nghe tưởng như đùa.
Năm qua cũng rộ lên vấn đề quan chức địa phương đi tham quan học tập ở nước ngoài. Một người dân bình thường cũng thấy bất ngờ khi đọc tin trên dưới 20 quan chức, kể cả người đã hoặc sắp về hưu, sang tận Canada tìm hiểu về tổ chức dịch vụ xổ số, hoặc một tỉnh khác tổ chức đoàn đi tham quan ngành du lịch ở tận Nam Phi. Dù đó là những chuyến đi nghiêm túc (được biết thêm là hoàn toàn không nghiêm túc) người ta vẫn đặt nghi vấn về sự ưu tiên, sự cần thiết, sự lựa chọn của việc dùng ngân sách cho một đoàn tham quan đông đảo như vậy.
Tôi càng ngạc nhiên hơn khi đọc giải thích, biện hộ của những quan chức liên hệ, rằng các vị lãnh đạo tỉnh đã cống hiến cho địa phương hàng chục năm nay đã hoặc sắp về hưu cần được ủy lạo bằng cách cấp ngân sách cho đi du lịch nước ngoài. Quả thật tôi chưa thấy nước nào có thiên đường của quan chức như ở Việt Nam.
Nhật Bản cũng là nơi quan chức các cấp ở Việt Nam sang tham quan, học tập kinh nghiệm rất nhiều, nhiều đến nỗi một ông cựu đại sứ Việt Nam ở Tokyo mới đây có phát biểu là trong thời gian ông nhậm chức ông ngạc nhiên khi thấy quá nhiều đoàn sang Nhật tham quan, học tập kinh nghiệm. Nhiều cơ quan ở Nhật cho tôi biết họ tiếp rất nhiều đoàn và ngạc nhiên thấy các đoàn đến nêu những câu hỏi rất giống nhau.
Dĩ nhiên không thể phủ nhận ý nghĩa của việc ra nước ngoài tìm hiểu, học tập kinh nghiệm để tham khảo khi lập chính sách và cải thiện phương pháp quản lý. Nhưng trong điều kiện ngân sách hạn hẹp phải xét thứ tự ưu tiên và phải thực hiện bằng biện pháp tiết kiệm tối đa. Tôi thấy các nước lân cận có nhiều kinh nghiệm đáng tham khảo, Việt Nam có thể tiếp thu với phí tổn rất ít mà hiệu quả lại cao, nhưng cho đến nay có được bao nhiêu bài học đã được áp dụng?
Chẳng hạn, mỗi lần về TPHCM, thấy cảnh nhếch nhác trong cách điều hành taxi đón khách tôi lấy làm lạ sao những người có trách nhiệm không tham khảo cách điều hành rất hiện đại, rất văn minh ở sân bay quốc tế Singapore chẳng hạn, chỉ cách Việt Nam độ hai giờ bay. Chắc chắn là nhiều người có trách nhiệm quản lý sân bay đã từng đến Singapore nhưng tại sao không quan tâm, không tham khảo? Hay Luật Đầu tư nước ngoài của Thái Lan cũng rất hay vì vừa thu hút FDI vừa khuyến khích phát triển doanh nghiệp bản xứ nếu được tham khảo thì đã tránh được tình trạng phân hóa giữa hai khu vực FDI và khu vực trong nước như hiện nay tại Việt Nam.
Về chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, vào thập niên 1950, Nhật Bản chỉ cần nghiên cứu vài tháng là đưa ra đạo luật áp dụng có thời hạn (năm năm), rồi được triển khai ngay nên chỉ trong thời gian ngắn đó cũng đủ để nuôi dưỡng các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhờ thế, các doanh nghiệp này, sau đó, có thể tự mình phát triển mạnh trong thị trường cạnh tranh và “hỗ trợ” cho các ngành trong lĩnh vực máy móc như xe hơi, đồ điện gia dụng phát triển.
Việt Nam từ đầu thập niên 2000 đã bàn đến sự quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng phải đến tháng 12-2012, nghĩa là hơn 10 năm sau, mới có quyết định của Chính phủ khuyến khích công nghiệp hỗ trợ. Chưa hết, cho đến nay quyết định ấy cũng chưa phát huy tích cực vì đã ba năm mà các văn bản cụ thể để thực thi chính sách ấy chưa được đưa ra.
Trong năm qua phong trào xây tượng đài, xây các tòa nhà hành chính hoành tráng, mỗi công trình tốn kém hàng ngàn tỉ đồng, cũng là những biểu hiện của sự lãng phí và thiếu trách nhiệm của lãnh đạo địa phương đối với công cuộc phát triển lâu dài và đối với việc cải thiện cuộc sống người dân của địa phương mình.
Trong bối cảnh đó, tôi muốn kể câu chuyện về tinh thần tiết kiệm công quỹ của quan chức Nhật vào thập niên 1950 và đầu thập niên 1960, là giai đoạn Nhật còn nhập siêu và đang phải dành ưu tiên ngân sách, công quỹ cho các chính sách phát triển.
Năm 1950, Bộ trưởng Tài chính Ikeda Hayato dẫn đầu một đoàn đi làm việc với Chính phủ Mỹ ở Washington DC. Vì đất nước còn khó khăn, phải đi vay mượn nước ngoài, ngoại tệ phải được tiết kiệm để nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất, nên đoàn của Ikeda đến Washington phải thuê khách sạn hạng trung bình (thuộc loại 3 sao theo cách gọi bây giờ) và hai hoặc ba người phải ở chung phòng, kể cả bộ trưởng phải chia phòng với người trợ lý là Miyazawa Kiichi (cả hai ông Ikeda và Miyazawa đều trở thành thủ tướng sau này).
Phòng của bộ trưởng cũng rất đơn sơ, không có gì ngoài chiếc giường đôi. Ban ngày tiếp xúc với quan chức và chính khách Mỹ, tối về pha nước nóng với rượu sake mang theo từ Nhật, vừa uống vừa bàn bạc phương châm chiến lược cho ngày hôm sau. Không có bàn ghế nên mọi người phải ngồi trên giường bàn luận.
Ở Nhật trong giai đoạn còn nhập siêu (nghĩa là đến giữa thập niên 1960), ngoại tệ được quản lý rất chặt chẽ, chẳng những hạn chế tối đa trường hợp quan chức đi công du nước ngoài mà người dân đi du lịch nước ngoài cũng bị kiểm soát chặt qua việc cấp phép chuyển đổi ngoại tệ. Cần nói thêm rằng Nhật Bản vào khoảng năm 1960 đã ở vị trí một nước trung bình cao và đang trên đường trở thành một cường quốc công nghiệp. Vào khoảng đó, sản lượng thép mỗi năm đã vượt 2 triệu tấn, xe hơi sản xuất đã trên 2 triệu chiếc, Kobe và Yokohama đã là những thương cảng lớn và hiện đại bậc nhất thế giới. Ở đại học thì mỗi giáo sư đã có một phòng nghiên cứu riêng... Với trình độ phát triển như vậy nhưng quan chức và người dân vẫn phải tiết kiệm từng đồng công quỹ, từng đồng ngoại tệ.
Việt Nam mới vừa trở thành nước có thu nhập trung bình thấp, hạ tầng kinh tế và giáo dục còn rất kém nhưng quan chức lại chi tiêu lãng phí ngoài sức tưởng tượng của người bình thường. Người giàu có mua đổi ngoại tệ hầu như tự do. Hiện nay người Việt Nam du lịch sang Nhật rất đông, thống kê sơ bộ còn cho thấy mỗi khách du lịch từ Việt Nam trung bình chi tiền nhiều hơn cả khách đến từ Trung Quốc.
Từ nhiều năm nay tôi mong được thấy những con số lành mạnh xuất hiện nổi bật trong những thông tin ở Việt Nam nhưng rất tiếc chẳng thấy. Những con số lành mạnh báo hiệu cho triển vọng sáng sủa của kinh tế chẳng hạn như khuynh hướng tăng trong tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục, cho khoa học công nghệ, tình hình ngoại tệ dành cho du nhập công nghệ... hầu như không thấy. Ngược lại là những thông tin về ngân sách cho tượng đài, cho trụ sở, cho quan chức tham quan nước ngoài...
Nếu Việt Nam muốn phát triển như Nhật, như Hàn Quốc, Đài Loan thì phải có ngay cuộc cách mạng hành chính, thay đổi hẳn hiện tượng tiêu cực nói trên và đưa ra khỏi bộ máy nhà nước trung ương và địa phương những quan chức thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm đối với công cuộc phát triển đất nước.
Theo Trần Văn Thọ - TBKTSG