Trong 3 tháng quý III/2015, Tasco có doanh thu tới 65,88 tỷ đồng từ hoạt động thu phí - tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2014. Nói các khác, mỗi ngày, trùm thu phí miền Bắc Tasco thu được 716 triệu đồng từ hai trạm trên.
Chiều 4/1, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2016 của Bộ GTVT, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã trả lời báo chí về những thông tin liên quan đến việc Bộ Tài chính “bác” kiến nghị lùi thời hạn tăng phí các trạm BOT có lộ trình tăng từ 1-1-2016. Như vậy, 23 trạm BOT có lộ trình tăng từ 1-1-2016 vẫn tăng bình thường.
Theo Thứ trưởng, “Bộ Tài chính cũng có cái lý của mình. Tất cả phương án thu phí qua trạm BOT đã được làm với nhà đầu tư từ khi ký kết hợp đồng xây dựng dự án, nếu lùi thời hạn tăng sẽ phá vỡ phương án tài chính của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quá trình thu hồi nợ của các ngân hàng. Cũng vì vậy, trong công văn kiến nghị, Bộ GTVT đề xuất, căn cứ vào từng dự án cụ thể mà các nhà đầu tư đàm phán với ngân hàng để có lộ trình tăng giảm phù hợp”.
Thu vài trăm tỷ đồng tiền phí mỗi năm
Về phía các doanh nghiệp đầu tư dự án BOT (xây dựng – kinh doanh- chuyển giao), phía Bắc có thể kể đến những “ông trùm” thực sự như CTCP Tasco thực hiện thu phí đường bộ tại hai trạm thu phí Tân Đệ và trạm thu phí Mỹ Lộc để hoàn vốn cho hai dự án Cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 (đoạn từ cầu La Uyên đi cầu Tân Đệ - BOT10) và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường tránh TP Nam Định từ thị trấn Mỹ Lộc đến quốc lộ 10 (BOT21).
Trong 3 tháng quý III/2015, Tasco có doanh thu tới 65,88 tỷ đồng từ hoạt động thu phí – tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2014. Nói các khác, mỗi ngày, trùm thu phí miền Bắc Tasco thu được 716 triệu đồng từ hai trạm trên.
Phía Nam, CTCP đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP Hồ Chí Minh với quyền thu phí giao thông tại trạm Xa lộ Hà nội (hoàn vốn xây dựng cầu Rạch Chiếc), thu phí giao thông cầu Bình Triệu 2 (hoàn vốn dự án cầu đường Bình Triệu 2), trạm Cam Thịnh (tuyến tránh quốc lộ 1A đoạn qua TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) hay quyền thu phí giao thông đường ĐT 741 tỉnh Bình Dương.
Trong 9 tháng đầu năm 2015, CII đã thu về hơn 446 tỷ đồng tiền phí để hoàn vốn cho các dự án BOT trên. Ngoài ra, thu nhập từ các dưn án cũng được hưởng ưu đãi thuế theo quy định hiện hành như ưu đãi 10% trong vòng 15 năm hay miễn thuế trong vòng 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Xuất hiện “ông trùm” thu phí mới
Mới đây, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đã cho phép Tập đoàn Đức Long Gia Lai chính thức thu phí từ 00 giờ 00 ngày 19/11/2015 tại 2 trạm thu phí được Bộ GTVT bố trí Km 1877 + 600 và trạm thu phí Km 1945+440.
Việc này là để hoàn vốn cho Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 14 đoạn Km817-Km887 (đường Hồ Chí Minh đoạn km 1876 - km1946) tỉnh Đắk Nông theo hình thức hợp đồng BOT (BOT Đắk Nông).
Với mức thu phí như hiện nay cùng với lưu lượng xe được khảo sát qua nhiều năm khoảng 10.000 xe/ngày đêm, hằng năm, hai trạm thu phí mang về ít nhất 450 tỷ đồng. Mức doanh thu này sẽ ngày càng gia tăng theo lưu lượng xe và mức thu phí áp dụng cho từng năm.
Ngoài ra, hai trạm thu phí thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn Pleiku (Km 1610) - Cầu 110 (Km 1667+570) tỉnh Gia Lai theo hình thức hợp đồng BOT (BOT Gia Lai) do Đức Long Gia Lai làm nhà đầu tư cũng đã chính thức đi vào thu phí từ ngày 26/10/2015.
Hiện mỗi ngày, doanh thu của hai trạm đạt trên 700 triệu đồng. Tính chung cả năm, hai trạm mang về cho Đức Long Gia Lai trên 300 tỷ đồng.
Đến thời điểm hiện nay, ở lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, có thể nói DLG là doanh nghiệp duy nhất nắm trong tay 4 trạm thu phí trên gần 150 km đường BOT với thời gian thu trên 20 năm.
Theo ANTT