Vụ Trịnh Xuân Thanh: Ai giúp ông Thanh luồn sâu, leo cao?

Dư luận tin rằng, phải có nhóm những người nhiều quyền lực thì mới đưa ông Thanh từ doanh nhân bình thường lên đến Vụ trưởng, rồi Phó Chủ tịch tỉnh và chỉ chút nữa là ĐBQH.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có hay không vấn đề "Lợi ích nhóm" trong vụ Trịnh Xuân Thanh? khi "quan lộ" của ông Thanh rất thuận. Trong gần 4 năm, từ Phó Văn phòng Bộ Công Thương lên Vụ trưởng, Chánh văn phòng ban cán sự đảng Bộ Công Thương, rồi về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang. Chưa hết ông Thanh còn được giới thiệu để bầu vào Quốc hội, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất với tỉ lệ trên 75%, cao nhất ở Hậu Giang.

GS.TS. Phan Xuân Sơn (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: "Quá trình thăng tiến của ông này có gì đó không bình thường. Đằng sau đó phải có sức mạnh nào đó, có bàn tay nào đó đã dọn đường đi nước bước cho ông để lọt qua những quy trình của công tác cán bộ khá chặt chẽ".

Theo nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Phùng Đình Thực, việc ông Trịnh Xuân Thanh về làm Phó Chánh Văn phòng Bộ Công Thương là do Bộ này tự làm văn bản nêu sẽ điều động về Bộ, chứ Tập đoàn không đề nghị, giới thiệu. Một lý do khách khiến dư luận tin rằng có "Lợi ích nhóm" trong vụ Trịnh Xuân Thanh, đó là ông này không nằm trong diện cán bộ Trung ương được luân chuyển về địa phương, song ông Thanh vẫn được chuyển về làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang. Ông Thanh có thể là một mắt xích trong một nhóm lợi ích. Nhóm lợi ích này đã thực hiện những hành vi tham nhũng trong công tác nhân sự cấp cao.

Nếu không có một nhóm người có quyền lực và có kế hoạch hành động bài bản thì quan lộ của Trịnh Xuân Thanh không thể hanh thông như vậy. Trên thực tế, việc thua lỗ trong hoạt động kinh doanh của PVC thời ông Trịnh Xuân Thanh đã được công khai, song Bộ Công Thương vẫn quyết định nhận người, rồi liên tục điều động, điều chuyển và tạo cơ hội rất lớn cho ông Trịnh Xuân Thanh.

Việc điều động nhân sự thường do người đứng đầu quyết định, do đó, việc yêu cầu kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với nguyên Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng là rất kịp thời trong trường hợp này. Và câu hỏi đặt ra là đây có phải là một nhóm lợi ích, trong việc đưa ông Trịnh Xuân Thanh lên cao, nhóm lợi ích này được hưởng lợi gì và việc đưa ông Thanh lên giữ chức vụ cao hơn để làm gì?.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - Nguyên Tư lệnh Quân khu IV, Bộ Quốc phòng cho biết: "Trịnh Xuân Thanh đẻ ra 1 sự kiện. Từ 1 anh làm ăn thua lỗ lên văn phòng bộ, rồi thoát ra khỏi bộ đó bằng 1 con đường rất mưu mẹo của tổ chức nơi đó. Ra khỏi đó là thoát khỏi gánh vác, trách nhiệm, để thoát nạn và tiếp tục đi lên. Đây là mắt xích của sự kiện".

Đại tá Lê Hoa - Nguyên cán bộ Văn phòng Quân ủy Trung ương thì cho hay: "Chúng tôi là cán bộ, chúng tôi suy nghĩ lắm. Tôi hỏi vì sao như vậy? Có phải lợi ích nhóm bao che lẫn nhau, bảo vệ lẫn nhau?. Tại sao trong Nhà nước, cơ quan như thế, Đảng, tổ chức Đảng không biết?".

Ông Nguyễn Đình Hương - Nguyên Phó Trưởng Ban tổ chức Trung ương - cho rằng: "Thất thoát hơn 3000 tỷ mà vẫn đều lên văn phòng, ban cán sự Bộ Công Thương là 1 khuyết điểm. Về làm tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hậu Giang, đó là khuyết điểm lớn".

Đặc điểm của các nhóm lợi ích là có sự kết hợp về mục tiêu, lợi ích giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực nhưng tha hóa trong bộ máy. Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công khai và nêu lên sự cần thiết phải đấu tranh với "Lợi ích nhóm". Sau đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã khẳng định việc "Kiên quyết xóa lợi ích nhóm chi phối chính sách".

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cặn dặn: Đảng là một tổ chức cách mạng để phục vụ giai cấp, dân tộc, nhân dân và nhân loại, chứ Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Và để đạt được mục tiêu đó, việc đấu tranh vượt qua chủ nghĩa cá nhân và đặc biệt là lợi ích nhóm là giải pháp quan trọng.

Theo VTV