Tổng cục thuế lên tiếng về việc “vênh” số giờ nộp thuế

Theo công bố của Ngân hàng Thế giới, số giờ nộp thuế mới chỉ giảm 40 giờ, trong khi đó ngành thuế công bố đã giảm tới 420 giờ. Tại sao có sự "vênh" số liệu này?
Tổng cục thuế lên tiếng về việc “vênh” số giờ nộp thuế

Vừa qua, Ngân hàng Thế giới và IFC đã công bố Báo cáo môi trường kinh doanh 2016 (Doing Business 2016), ghi nhận chỉ số nộp thuế ở Việt Nam mới giảm 102 giờ, từ 872 giờ xuống còn 770 giờ. Theo đó, số giờ nộp thuế mới chỉ giảm 40 giờ, trong khi đó ngành thuế công bố đã giảm tới 420 giờ. Số lần nộp thuế cũng mới chỉ giảm được 2 lần.

Lý giải nguyên nhân của sự chênh lệch này, Tổng cục thuế cho biết, thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội ban hành các văn bản sửa đổi bổ sung, đơn giản hóa các quy định về chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế, thiết kế lại các mẫu biểu hồ sơ thuế… nhằm giảm giờ tuân thủ cho doanh nghiệp.

Cụ thể, trong năm 2014, Bộ Tài chính đã sửa đổi, bổ sung và đề xuất Chính phủ, Quốc Hội sửa đổi bổ sung các văn bản pháp quy để thực hiện cắt giảm chi phí thời gian tuân thủ thuế của doanh nghiệp được 290 giờ (Thông tư 119/2014/TT-BTC đã giảm được 201,5 giờ, Nghị định 91/2014/NĐ-CP đã giảm được 88,36 giờ).

Từ ngày 1/1/2015, Luật số 71/2014/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định 12/2015/NĐ-CP; TT 96/2015/TT-BTC, TT 26/2015/TT-BTC), với những sửa đổi bổ sung cơ bản như: Bỏ quy định doanh nghiệp phải lập và gửi cho cơ quan thuế chi tiết bảng kê HHDV mua vào, bán ra kèm theo Tờ khai thuế GTGT; bỏ quy định khống chế các khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, lễ tân, khánh tiết, giao dịch đối ngoại...khi tính chi phí hợp lý hợp lệ của doanh nghiệp; thực hiện thống nhất quy định giữa kế toán và thuế trong việc xác định tỷ giá giữa VND và các ngoại tệ; điều chỉnh quy định về thời điểm xác định doanh thu/chi phí đối với dịch vụ; sửa đổi một số quy định về quản lý sử dụng hóa đơn chứng từ...

Với những quy định này, thời gian thực hiện TTHC thuế của doanh nghiệp giảm được 120 giờ nữa (Luật 71/2014/QH13 giảm được 80 giờ; TT 26/2015/TT-BTC giảm được 10 giờ, TT 96/2015 giảm được 30 giờ). Đồng thời, Tổng cục Thuế đã đẩy nhanh tiến độ triển khai dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử, giúp cho doanh nghiệp không phải gửi tờ khai bằng giấy, không phải đến cơ quan thuế để nộp tờ khai, nộp thuế nữa, số giờ nộp thuế giảm được thêm 10 giờ/năm. Như vậy, tổng số giảm 420 giờ.

Có thể nói, đến nay Tổng cục Thuế cơ bản đã hoàn thành mục tiêu về giảm số giờ tuân thủ của doanh nghiệp theo Nghị quyết 19 của Chính phủ đề ra.

Trong Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016 mà Ngân hàng thế giới vừa công bố, thời gian nộp thuế của doanh nghiệp chỉ giảm được 102 giờ, trong đó thuế giảm được 40 giờ, BHXH giảm được 62 giờ, là do Báo cáo Môi trường kinh doanh 2016 tính toán thời gian mà doanh nghiệp thực hiện thủ tục về thuế trong năm 2014 (từ 1/1/2014 đến 31/12/2014).

Cơ quan này đưa ra phương pháp xác định là nếu văn bản có hiệu lực đối với cộng đồng doanh nghiệp tại thời điểm nào thì sẽ được tính từ thời điểm đó; nếu thực hiện từ đầu năm thì tính 100%, nếu ban hành tại thời điểm giữa năm thì sẽ được tính theo tỷ lệ % thời gian.

Qua nghiên cứu chi tiết bảng tính toán số liệu về thời gian của cơ quan này thì thấy rằng gần như tất cả kết quả cải cách về thuế của Việt Nam trong năm 2014 đều đã được ghi nhận, nhưng việc giảm thời gian kê khai nộp thuế được tính theo tỷ lệ từ tháng 10/2014, tháng 11/2014, theo thời hạn hiệu lực của các văn bản ban hành.

Do đó, thời gian Nộp thuế trong năm 2014 chỉ được doanh nghiệp thực hiện trong 2 tháng, giảm được 40 giờ. Các kết quả còn lại sẽ được tiếp tục ghi nhận trong các Báo cáo môi trường kinh doanh 2017 và 2018.

Bên cạnh đó, Tổng cục thuế cũng đưa ra những Giải pháp để đạt mục tiêu mức độ thuận lợi về thủ tục thuế ngang bằng các nước ASEAN 4:

Trước hết, tập trung nâng cao năng lực, trình độ cho cán bộ thuế và xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra việc thực thi công vụ của cán bộ công chức thuế; để đảm bảo những nội dung cải cách và tinh thần cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN được triển khai vào thực tiễn.

Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, mở rộng hệ thống thuế điện tử; đảm bảo việc khai thuế, nộp thuế điện tử của doanh nghiệp được ổn định và thuận lợi ; Đồng thời, mở rộng dịch vụ khai thuế, nộp thuế điện tử đối với các cá nhân cho thuê nhà hay khai, nộp thuế trước bạ…

Theo Trí thức trẻ